Tỉnh Bình Dương: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp cơ sở năm 2019
Ngoài các nhiệm vụ cấp tỉnh được nghiệm thu và đã đăng ký lưu giữ trong năm 2019, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ đã lưu giữ được 20 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trong các lĩnh vực. Trong đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đến từ Trường đại học chiếm 90% (18 nhiệm vụ). Sơ lược các nhiệm vụ như sau:
1. Đặc điểm ngữ âm vùng Đông Nam bộ và việc dạy chính tả ở tiểu học (nghiên cứu trường hợp các trường thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)
Đây là đề tài của TS. Hồ Văn Tuyên, Trường Đại học Thủ Dầu Một. Đề tài nghiên cứu đặc điểm ngữ âm của tiểu vùng phương ngữ Đông Nam Bộ, tìm hiểu lỗi chính tả phương ngữ của học sinh vùng Đông Nam Bộ nói chung, học sinh trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) nói riêng. Từ đó xem xét mối quan hệ giữa phát âm địa phương và viết chính tả của học sinh trên địa bàn để đề xuất việc xây dựng nội dung chương trình, biên soạn sách giáo khoa, biện pháp dạy chính tả cho học sinh tiểu học thông qua phân môn Chính tả (thuộc môn Tiếng Việt) ở tiểu học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhằm nâng cao chất lượng môn học.
2. Nghiên cứu khả năng sinh trưởng và một số chỉ tiêu chất lượng thịt của lợn lai F1 giữa lợn đực rừng Việt Nam và lợn nái Móng cái
Thông qua đề tài, Ths. Lê Thị Thu Huệ đã đánh giá được tương đối đầy đủ và có hệ thống về tốc độ phát triển, năng suất thân thịt và chất lượng thịt của lợn rừng lai F1 (Lợn rừng x Móng Cái). Lợn rừng lai F1 trong nghiên cứu của này có tốc độ sinh trưởng nhanh. Tăng trọng bình quân/ngày đạt 111,83 g/ngày - 165,03 g/ngày, tương đương với tốc độ sinh trưởng của lợn Móng Cái. Năng suất thân thịt của lợn rừng rừng lai F1 cao. Trong đó, tỷ lệ móc hàm đạt 78,44% - 80,54%; tỷ lệ thịt xẻ là 65,50% - 68,05%; đặc biệt, tỷ lệ nạc đạt mức 51,95% - 53,04%. Chất lượng thịt của lợn rừng lai F1 (Lợn rừng x Móng Cái) ngon và giàu chất dinh dưỡng. Cụ thể, tỷ lệ mất nước sau 24 giờ bảo quản là 3,58% - 4,34%; độ pH cơ thăn tại thời điểm 45 phút sau giết mổ khoảng 6,07 - 6,20 và 24 giờ sau bảo quản khoảng 5,55 - 6,08; Hàm lượng sắt đạt 7,15 mg/kg - 10,87 mg/kg; Tỷ lệ protein thô cơ thăn đạt 18,41% - 20,55 %; Tỷ lệ Lipid thô của thịt lợn lai F1 (Lợn rừng x Móng Cái) đạt 6,68% - 7,18%. Kết quả cho thấy đều nằm trong giới hạn của tiêu chuẩn thịt bình thường (tốt).
3. Nghiên cứu chế tạo khuôn Anodic Aluminum Oxide (AAO) nhằm định hướng chế tạo vật liệu nano kim loại
Khuôn AAO có rất nhiều tính năng ưu việt trong việc sử dụng để tổng hợp nano dạng thanh, vì nó có thể dễ dàng điều chỉnh kích thước lỗ theo ý muốn bằng cách thay đổi một vài thông số trong quá trình anốt, ngoài ra các thanh nano được tổng hợp trên khuôn AAO thì rất đồng đều. Do đó khuôn AAO có thể được sử dụng tổng hợp được rất nhiều loại thanh nano khác nhau như thanh nano kim loại, thanh nano oxit kim loại, carbon nanotubes… Việc này hứa hẹn đem lại nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc tổng hợp vật liệu nano dạng thanh.
Với công trình nghiên cứu này, Ths. Nguyễn Thị Nhật Hằng đã chế tạo thành công lớp màng nhôm oxit bằng phương pháp anot hóa hai lần, sử dụng dụng cụ đơn giản, rút ngắn thời gian chế tạo và từ đó dùng AAO như khuôn trong việc chế tạo thanh nano kim loại.
4. Đánh giá tác động hợp lực của cao chiết từ các bộ phận khác nhau của cây khế Averrhoa Carambola L. với nano vàng (Gold Nanoparticles) trên khuẩn Staphylococcus aureus
Công trình nghiên cứu của Ths. Nguyễn Thị Nhật Hằng đã tổng hợp thành công hạt nano vàng từ dịch chiết thực vật có khả năng làm tăng hoạt tinh kháng khuẩn Staphylococcus aureus so với khi chỉ sử dụng dịch chiết thực vật. Tổng hợp thành công hạt nano vàng khi sử dụng cao chiết và bước đầu xác định các điều kiện tối ưu từ các phân đoạn dịch chiết thực vật nhằm tạo hạt nano vàng bằng phương pháp tổng hợp xanh không sử dụng hóa chât, điều kiện gần giống với sinh lý cơ thể nhằm bước đầu ứng dụng nano vàng trong lĩnh vực y-sinh.
5. Nghiên cứu tạo chế phẩm enzyme pectinase từ Aspergillus niger và thử nghiệm bóc vỏ tiêu (Piper nigrum L.)
Kết quả sàng lọc 9 chủng Aspergillus niger cho thấy, chủng Aspergillus niger B2 có khả năng sinh tổng hợp enzyme pectinase tốt nhất trên môi trường bán rắn chứa 12 % bột cùi bưởi, lượng dịch khoáng bổ sung chiếm 40 %, pH 5,5. Sau 5 ngày, hoạt độ pectinase trong canh trường đạt 4,82 UI/g. Trên quy mô sản xuất thử 10 kg/mẻ, chế phẩm có hoạt độ pectinase đạt 91,3% so với khi nuôi cấy trong các bình tam giác.
Kết quả thí nghiệm cho thấy có sự giải phóng enzyme cellulase và pectinase nội sinh từ vỏ tiêu khi ngâm tiêu với nước trong khoảng 24 giờ. Trong trường hợp không bổ sung enzyme pectinase, hiệu quả bóc vỏ tiêu đạt cao nhất khi bổ sung nước với tỷ lệ tiêu/nước là 1/1, sau 48 giờ ngâm ở nhiệt độ 350C, hiệu suất bóc vỏ tiêu đạt 92,20 %. Trên quy mô thử nghiệm với khối lượg 5 kg, tiêu được ngâm nước 24 giờ, bổ sung enzyme pectinase với hoạt độ 4 UI/ 50 g tiêu, ủ ở nhiệt độ 400C trong thời gian 4 giờ, hiệu suất bóc vỏ tiêu đạt 93,20 %. Hàm lượng piperine trong sản phẩm tiêu sọ thử nghiệm đạt 6,58 %, cao hơn so với một số sản phẩm phổ biến trên thị trường hiện nay. Kết quả thử nghiệm là cơ sở bước đầu để nhóm nghiên cứu xây dựng một quy trình sản xuất tiêu sọ hoàn chỉnh. Đề tài do Ths Trần Ngọc Hùng, Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện.
6. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phytoremediation xử lý nước thảinhiễm chì (Pb) nhân tạo của cây phát tài (Dracaena sanderiana)
Ths. Hồ Bích Liên đã ứng dụng công nghệ phytoremediation vào xử lý nước thải nhiễm chì (Pb) nhân tạo của cây phát tài để bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững trong công nghiệp hóa.
Kết quả cho thấy, cây có khả năng sinh trưởng tốt ở các giá trị pH khảo sát 3.5; 4; 4.5; 5. Cây phát triển và tích lũy chì cao nhất ở giá trị pH 4.5. Ở nồng độ chì 200 đến 600 ppm, chiều cao cây, chiều dài rễ, trọng lượng tươi và trọng lượng khô của cây bị nhiễm độc chì cao hơn giá trị ban đầu. Khả năng chống chịu chì cũng đã được tìm thấy ở cây phát tài. Cây có thể chống chịu chì ở nồng độ 200 đến 600 ppm khoảng 80%. Nồng độ chì càng cao khả năng hấp thu của cây phát tài càng lớn. Cây có khả năng xử lý trong nước thải sinh hoạt rất tốt ở nồng độ Pb 200ppm. Hiệu suất xử lý Pb trong nước thải sinh hoạt nhiễm chì của cây phát tài tăng theo thời gian thí nghiệm, hàm lượng chì giảm đi rất nhiều so với ban đầu, sau 30 ngày hiệu quả xử lý Pb đạt 90.9%.
7. Nghiên cứu xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại ba xã nông thôn mới của thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương
Để phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng nông hộ tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước gia tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương, Ths Đậu Văn Hải đã tiến hành điều tra tình hình phát triển chăn nuôi bò thịt và thị trường tiêu thụ thịt bò tại bến cát Bình Dương; lai tạo, tạo bò lai hướng thịt và đánh giá ngoại hình, khả năng sinh trưởng của bê lai từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi; vỗ béo bò đực lai Zebu dựa trên nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương; xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt gắn với việc chủ động sản xuất, bảo quản thức ăn thô cho bò và đảm bảo vệ sinh môi trường, cuối cùng là chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho nông hộ.
8. Ứng dụng kỹ thuật để xây dựng mô hình trại chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn thực hảnh sản xuất tốt VietGAHP tại huyện Bàu Bàng
Với công trình này, Ths Đậu Văn Hải đã xây dựng được 2 mô hình trại chăn nuôi heo áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt VietGAHP và chuyển giao được qui trình kỹ thuật trại chăn nuôi heo đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt VietGAHP cho cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi trong huyện.
9. Nghiên cứu điều chế vật liệu composite có nguồn gốc sinh học ứng dụng xử lý màu nước thảo dệt nhuộm và kim loại nặng nước thải xi mạ đồng
Nhận thấy vật liệu sinh học có tiềm năng thay thế vật liệu có nguồn gốc hóa học là một bước tiến và cần nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt cần nghiên cứu vật liệu nano sinh học có thể thu hồi trong cải thiện chất lượng nước thải cũng như môi trường tiếp nhận. Ths Đào Minh Trung đã tiến hành nghiên cứu nội dung này. Kết quả, nghiên cứu đã cung cấp những thông tin khoa học hiệu quả cải thiện chất lượng nước thải của một số ngành công nghiệp ô nhiễm kim loại nặng và ô nhiễm màu. Đây là cơ sở khuyến khích sử dụng vật liệu sinh học trong cải thiện chất lượng môi trường nước thải vừa thân thiện môi trường vừa có khả năng tái sử dụng từ đó tạo ra một môi trường sinh thái bền vững.
10. Ứng dụng mô hình keo tụ tạo bông ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp
Với mục tiêu nghiên cứu chế tạo mô hình Keo tụ tạo bông ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên tại trường đại học Thủ Dầu Một, Ths Trịnh Diệp Phương Danh đã tập trung nghiên cứu mô hình Keo tụ tạo bông trên hai loại nước thải dệt nhuộm và xi mạ. Kết quả, chế tạo vận hành thành công mô hình keo tụ tạo bông, xác định pH, nồng độ tối ưu của nước thải dệt nhuộm và xi mạ.
11. Giá trị hiện thực của mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975
Ths Nguyễn Thị Kim Ngoan đã làm sáng tỏ giá trị của hiện thực trong sáng tạo nghệ thuật. Lý giải mối quan hệ biện chứng giữa hiện thực và nghệ thuật. Chứng minh dấu ấn của hiện thực sinh động, thông qua tư duy sáng tạo của họa sĩ luôn tích hợp một cách rõ nét trong các tác phẩm nghệ thuật phản ánh công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và kháng chiến chống Mỹ đầy gian nan ác liệt của dân tộc Việt Nam. Công trình góp phần định hướng quan điểm sáng tác trong giai đoạn giao lưu hội nhập văn hóa hiện nay. Tác động trực tiếp đến đội ngũ sáng tác và giảng dạy mỹ thuật để lực lượng này có những đóng góp vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước trên lĩnh vực chuyên môn của mình.
12. Người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Thông qua công trình này, TS. Trần Hạnh Minh Phương đã tái hiện lại nguồn gốc lịch sử di dân, hình thành các nhóm cộng đồng người Khmer ở Bình Dương, phác họa được toàn cảnh của cộng đồng người Khmer ngày nay theo chiều lịch đại: Trước năm 1975 và hiện nay dưới các chiều kích: Không gian và mô hình cư trú, quản trị cộng đồng, đời sống kinh tế, văn hóa - giáo dục, xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo phát hiện ra vấn đề mang tính tích cực và tiêu cực đối với việc phát triển của cộng đồng nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung theo hướng bền vững.
13. Xác định nhu cầu dinh dưỡng và xây dựng khẩu phần thức ăn nhằm tăng khả năng sản xuất cà phê chồn nguyên liệu cho cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus Pallas, 1777) trong điều kiện nuôi nhốt
Hiện nay, chưa có một công trình khoa học nào công bố về nhu cầu dinh dưỡng, xây dựng khẩu phần ăn hợp lí nhằm đảm bảo sức khỏe, tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của việc sản xuất cà phê chồn nguyên liệu. Do đó, Ths Nguyễn Thị Thu Hiền đã tiến hành nghiên cứu và đã xây dựng được 3 khẩu phần thức ăn từ nguyên liệu dễ tìm, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, phù hợp với sinh lý dinh dưỡng của cầy trong điều kiện chăn nuôi. Thực nghiệm cho cầy vòi hương ăn cà phê kết hợp với khẩu phần đã xây dựng, lượng cà phê cầy ăn được khá cao (330 - 343 g/con/ngày). Kết quả xác định các chỉ tiêu hoá lý của cà phê Robusta Chồn, cà phê robusta thường đều đạt các chỉ tiêu hoá lý theo TCVN 5252:2007. Kết quả phân tích đánh giá các thuộc tính cảm quan của cà phê bột gồm: Màu sắc, vị và hương thơm cà phê Robusta Chồn được chấp nhận.
14. Khảo sát hàm lượng Estrogen và Progesterone trong phân của cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus Pallas, 1777) trong điều kiện nuôi nhốt
Với công trình này, Ths Nguyễn Thị Thu Hiền đã tiến hành xác định sự thay đổi của hàm lượng Estrogen và Progesterone trong phân cầy vòi hương trong điều kiện nuôi nhốt. Đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu về sự thay đổi của hàm lượng Estrogen và Progesterone trong phân cầy vòi hương trong điều kiện nuôi nhốt góp phần hỗ trợ trong công tác quản lý sinh sản loài này.
15. Tổng hợp và ứng dụng xúc tác phân hủy chất màu hữu cơ của vật liệu khung cơ kim sắt (III) benzenedicarboxylate [MIL-53(Fe)]
Tổng hợp vật liệu khung cơ-kim MIL-53(Fe) có độ tinh thể cao và ứng dụng làm chất xúc tác trong phản ứng oxi hóa phân hủy chất ô nhiễm hữu cơ của TS. Phạm Đình Dũ là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về việc tổng hợp vật liệu khung cơ-kim MIL-53(Fe). MIL-53(Fe) tổng hợp có độ trật tự và tinh thể hóa cao, với diện tích bề mặt riêng lớn. MIL-53(Fe) thu được có hoạt tính xúc tác và có khả năng tái sử dụng cao đối với phản ứng phân hủy methyl orange bằng hydroperoxide, đặc biệt là trong điều kiện có chiếu bức xạ UV. Vật liệu lai hữu cơ-vô cơ sắt-terephthalate đã được tổng hợp thành công bằng phản ứng giữa sắt (III) clorua với terephthalic acid trong dung môi N’Ndimethylfomamide. Các mẫu vật liệu lai hữu cơ-vô cơ này có khả năng cao để làm xúc tác Fenton dị thể cho phản ứng oxi hóa methyl orange trong môi trường nước bởi hydroperoxide.
16. Thu nhận và sàng lọc cao chiết ethanol từ thực vật mọc tại Bình Dương có hoạt tính kháng khuẩn Staphylococeus (MRSA)
Ths Mai Thị Ngọc Lan Thanh thông qua công trình nghiên cứu này đã thu nhận được năm loại cao thực vật cho hoạt tính kháng MRSA là các loài thực vật bản địa tại Bình Dương. Trong đó, Cao trâm tròn (Syzygium szemaoense Merr. Perry) cho hoạt tính kháng khuẩn cao nhất được xác định thông qua kích thước vòng kháng khuẩn đối với chủng MRSA là 10mm được so với chủng MSSA là 18mm ở nồng độ 10.51 µg/ml, dung dịch Cao Trâm Tròn nồng độ 6 µg/ml tương ứng với 0,6 µg chất tan trên đĩa có kích thước vòng kháng MSSA và MRSA lần lượt là 10mm và 8mm. Cao Trâm Tròn là loài thực vật bản địa Bình Dương lần đầu được công bố về hoạt tính kháng MRSA. Ngoài ra Năm loài thực vật cho hoạt tính kháng MSSA và MRSA thì có Bốn loài là Kim Vàng, Xăng Mã, Trâm Tròn, Cò Ke là lần đầu được công bố về hoạt tính kháng MRSA.
17. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong việc thành lập bản đồ ô nhiễm tiếng ồn tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Công trình của Ths Bùi Hoàng Việt hướng đến việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc xây dựng bản đồ phân bố thực trạng ô nhiễm tiếng ồn sinh ra do hoạt động giao thông ở một số tuyến đường tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhằm khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm tiếng ồn.
Nghiên cứu đã đưa ra bản đồ mô tả hiện trạng mức độ tiếng ồn ở những khoảng cách và thời gian khác nhau tại khu vực nghiên cứu. Từ đó, đánh giá, cảnh báo và thông tin đến các đối tượng chịu ảnh hưởng của tiếng ồn giao thông tại đây.
18. Hiển thị kết quả theo dõi các chủ đề trên tạp chí điện tử với thuật toán rút trích từ khóa và cơ sở dữ liệu đô thị
Hướng đến hỗ trợ cho người dùng khai thác thông tin từ các trang báo điện tử Việt Nam, Ths Võ Thị Hồng Thắm đã xây dựng được hệ thống với 03 thành phần chính: Modul thu thập dữ liệu hàng ngày từ các trang tạp chí điện tử (báo điện tử) VnExpress và VietnamNet, tổ chức thành 06 chuyên mục là thời sự, công nghệ, giáo dục, pháp luật, khoa học, thế giới; xây dựng modul xử lý dữ liệu bao gồm các bước tiền xử lý và xử lý rút trích từ khóa quan trọng bằng kỹ thuật rút trích từ khóa TF_IDF; xây dựng modul hiển thị một số kết quả cho phép tương tác với người dùng.
19. Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao thuộc lĩnh vực du lịch tại Bình Dương đến năm 2025
Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, Ths Đỗ Thị Ý Nhi đã xác định các tiêu chuẩn đối với nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch và phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nhằm góp phần xây dựng du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Đồng thời, đánh giá thực trạng về nguồn nhân lực và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Bình Dương. Dựa trên kết quả nghiên cứu đó, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực du lịch tại Bình Dương trong thời gian tới.
20. Nghiên cứu hoạt tính kháng sâu khoang (Spodotera litura) hại rau lang của tinh dầu từ một số loài thực vật ở Bình Dương
Kết quả nghiên cứu của Ths Trần Thanh Hùng cho thấy, trong điều kiện phòng thí nghiệm, tinh dầu Tía tô dại (H. suaveolens) biểu hiện hoạt tính kháng ăn, ức chế phát triển và độc tính mạnh nhất đối với ấu trùng Sâu khoang (S. litura). Ở nồng độ 1,5 - 2,5%, tinh dầu Tía tô dại có hoạt tính kháng ăn mạnh với chỉ số kháng ăn (AI, tính theo Caasi (1983)) đạt từ 79,46 - 89,86 trong thí nghiệm có chọn lọc thức ăn và từ 85,99 - 96,30 trong thí nghiệm không có chọn lọc thức ăn. Tinh dầu tía tô dại, nồng độ 1,2 mg/ấu trùng, diệt 93,33 % ấu trùng và 7 ức chế hoàn toàn sự hình thành bướm trưởng thành. Độc tính tiếp xúc của tinh dầu Tía tô dại sau 24 giờ xử lý cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các tinh dầu còn lại, với giá trị LD50 là 0,16 mg/ấu trùng.
Trong điều kiện vườn ươm, tinh dầu Tía tô dại cũng biểu hiện hoạt tính kháng ăn, hiệu lực tiêu diệt và ức chế phát triển mạnh đối với ấu trùng Sâu khoang. Tinh dầu Tía tô dại nồng độ 8 - 32% biểu hiện hiệu lực kháng ăn mạnh sau 24 giờ xử lý với tỷ lệ lá bị hại chỉ dao động từ 4,44 - 13,26%. Ở nồng độ 8 - 32%, tỷ lệ sâu chết đạt từ 46,67 - 86,67% sau 48 giờ xử lý. Tinh dầu tía tô dại ức chế mạnh đến sự tăng trưởng của ấu trùng và nhộng, dẫn đến giảm tỷ lệ nhộng thành bướm của Sâu khoang với tỷ lệ vũ hóa giảm từ 23,33 - 0,00 % khi xử lý tinh dầu từ với nồng độ tăng dần từ 4 - 32%.
Minh Nguyệt - Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ