Trồng lan cắt cành - hướng đi mới cho nông dân Bình Dương
Những năm gần đây mô hình trồng lan cắt cành đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn các huyện thị của tỉnh Bình Dương. Không chỉ tận dụng được lượng lao động nhàn rỗi, lượng đất nông nghiệp thu hẹp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng lan cắt cành đang mở ra một hướng đi mới cho nhiều nông dân tỉnh Bình Dương......
Trang trại trồng lan cắt cành Ngọc Lan của Ông Bùi Văn Sang ở phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một có diện tích trên 2.500m2 trồng được các loại lan như môkara, hồ điệp, một số loại lan rừng… Trong đó đa dạng nhất là lan môkara với 8 chủng loại màu sắc. Các giống lan này được nhập trực tiếp từ Thái Lan cho hoa to, cành hoa dài và có sức phát triển mạnh mẽ. Trang trại trồng Lan này được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng và thiết kế hiện đại. Mỗi luống hoa được gắn hệ thống phun sương bón phân tự động. Vì thế, mặc dù diện tích trồng khá lớn nhưng trang trại trồng lan này chỉ có 2 nhân công. Họ thực hiện tất cả các khâu từ chăm sóc đến thu hoạch.
Cũng ở Thành phố thủ Dầu Một, trang trại trồng hoa lan của ông Lê Văn Đạt có diện tích hơn 1.000 m2 cũng được thiết kế hiện đại. Trang trại của ông đã trồng lan cắt cành được 10 năm với nhiều chủng loại lan. Các loại lan cắt cành của trang trại này đã có mặt ở rất nhiều shop hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ
Để đầu tư khoảng 200m2 đất trồng lan, nông dân cần phải bỏ ra khoảng 80 triệu đồng bao gồm chi phí cho cây giống, hệ thống phun tưới tự động, làm đất, lên luống... Trung bình mỗi cành lan khoảng 8 hoa thì thu hoạch được. Mỗi cành hoa hiện nay có giá khoảng 10 - 12 ngàn đồng. Mỗi tháng nông dân sẽ thu được từ 2 - 5 triệu đồng từ lan cắt cành. Như vậy chỉ sau 3 năm, người trồng lan sẽ thu được vốn. Quan trọng hơn là họ sẽ có được một vườn lan tiếp tục cho hoa dài lâu. Bởi lan là loại cây sinh trưởng vô hạn, chỉ cần chăm sóc tốt thì lan tiếp tục cho hoa dài lâu.
Không chỉ từ hoa mà người nông dân còn thu được lợi nhuận quá trình sinh trưởng của cây hoa lan. Những chồi lan mọc ra từ kẻ lá là những cây con để cho người nông dân tiếp tục nhân giống hoặc để bán cây lan giống ra ngoài thị trường.
Hình thành những trang trại trồng lan quy mô lớn
Chính vì hiệu quả kinh tế cao và tận dụng được lao động nhàn rỗi và diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ nên mô hình trồng lan cắt cành xuất hiện ngày càng nhiều ở Bình Dương. Những người nông dân trồng lan đã bắt đầu liên kết lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan khuyến nông, lan cắt cành Bình Dương đã trở thành loại hàng hóa có giá trị cao. Cùng với đó là sự hình thành câu lạc bộ trang trại hoa lan Bình Dương. Sau gần 6 năm hoạt động, từ số lượng ban đầu chỉ 28 hội viên tham gia, đến nay Câu lạc bộ trang trại Hoa lan Bình Dương đã có 87 hội viên với diện tích trồng lan của hội lên đến 8ha. Nhiều nhất là trang trại trồng lan của ông Đoàn Công Kha ở thị xã Tân Uyên có diện tích 2ha, trang trại trồng lan của bà Nguyễn Thị Kim Ca ở thị xã Bến Cát với 6.000m2, trang trại của ông Trịnh Đức Dũng ở huyện Phú Giáo với 5.000m2, trang trại của bà Lê Thị Ngọc Minh ở huyện Dầu Tiếng với diện tích 5.000m2... Hiện nay diện tích trồng lan đang không ngừng tăng lên, nhất là ở các huyện thị phía Bắc.
Khi tham gia câu lạc bộ trang trại hoa lan, các hội viên không chỉ được hướng dẫn thiết kế thi công các vườn lan mà còn được trực tiếp hỗ trợ các kỹ thuật trồng, chăm sóc lan một cách hiệu quả. Quan trọng hơn là họ được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm lan cắt cành một cách ổn định.
Với mục tiêu xây dựng nên những trang trại trồng lan cắt cành quy mô lớn, kỹ thuật cao, trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên mời các chuyên gia trong ngành đến để hỗ trợ kỹ thuật cũng như xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt cho nông dân, hỗ trợ các loại phân bón chuyên dùng cho lan và thường xuyên nhập các giống mới hỗ trợ cho các trang trại. Đến thời điểm này, có đến 90% lan thương phẩm cắt cành ở các trang trại đạt loại 1. Một tỷ lệ rất cao và đáng khích lệ cho những nông dân trồng lan.
Có thể nói hiện nay những trang trại trồng lan cắt cành ở Bình Dương đều khá tự tin về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan. Vấn đề còn lại là làm sao để xây dựng được thương hiệu hoa lan ở Bình Dương vừa có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại và hướng đến xuất khẩu ?
Tạo chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu hoa lan Đất Thủ
Hiện nay, nhãn hiệu Hoa lan Đất Thủ đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoa lan Bình Dương đã có một hình ảnh riêng. Khi có nhãn hiệu, những người trồng lan đang bắt đầu con đường xây dựng thương hiệu hoa Lan Đất Thủ để sản phẩm lan cắt cành ở Bình Dương tiếp tục vươn xa hơn.
Để tiếp sức cho các nông dân, hướng đến việc sản xuất lan thương phẩm chuyên nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ0UBND về việc hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kỹ thuật cao. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với những hộ dân đang chuyển đổi cây trồng và chọn mô hình trồng lan cắt cành để làm hướng phát triển mới.
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng phối hợp cùng nông dân trồng Lan tích cực quảng bá hình ảnh hoa lan Đất Thủ đến nhiều thị trường trong nước. Còn những nông dân trồng lan thì tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng hoa lan, hướng đến các sản phẩm lan cắt cành sạch từ bên trong và cho năng suất cao.
Những người trồng hoa lan cắt cành có nhiều niềm vui. Họ được thưởng ngoạn những hoa lan rực rỡ khi mới nở rồi tiếp tục chia sẻ những cành lan đầy sắc màu đến những người yêu hoa khắp nơi và Lan còn kiêu sa xuất hiện như một loài hoa trang trí trong những bữa tiệc sang trọng. Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng và sự cần mẫn, ham học hỏi của nông dân Bình Dương, thương hiệu hoa Lan Đất thủ sẽ tự tin vươn xa để tỏa hương....
Huỳnh Thanh