Trồng rau, nuôi cá ứng dụng hệ Aquaponic
Hiện nay, xu hướng trồng rau sạch tại nhà thu hút rất nhiều dân cư thành thị. Ngoài những mô hình trồng bằng chậu đất, tháp và hồ thủy canh, thì mô hình hợp canh vừa nuôi cá, vừa trồng rau sử dụng hệ thống Aquaponics cũng bắt đầu được nhiều người dân đô thị ứng dụng.
Thuật ngữ Aquaponics là sự kết hợp từ Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hydroponics (thủy canh). Có thể hiểu đơn giản đây là một hệ thống trồng cây - nuôi cá tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: nuôi trồng thủy sản và thủy canh, dựa trên nguyên tắc của hệ thống sản xuất trong tự nhiên. Đây còn là mô hình đáp ứng được các tiêu chí về tiết kiệm không gian, thời gian và công chăm sóc nhưng không sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Ở các nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Exarel thì hệ Aquaponics phát triển trên qui mô rộng để trồng và nuôi sản phẩm thương mại. Tại Việt Nam, hệ Aquaponics cũng đã được một số tổ chức, cá nhân nghiên cứu cải tiến để phù hợp với điều kiện kinh tế người dân.
Mô hình Aquaponic Tomochan Farm nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, Phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một. Chủ trại rau - cá là chị Huỳnh Thị Tú Thuyết, thuộc thế hệ 8X. Một người có nhiều đam mê và năng lượng tích cực đối với thiên nhiên, cây cỏ. Sau 10 năm lao động miệt mài cho một công ty Nhật, năm 2018, Tú Thuyết xin nghỉ việc. Sau đó, cô và chồng đã gom hết vốn liếng dành dụm được để đầu tư trại trồng rau, nuôi cá sạch. Từ các nguồn tài liệu của nước ngoài, Tú Thuyết và chồng đã nghiên cứu và xây dựng trại rau kết hợp nuôi cá ứng dụng công nghệ Aquaponic trên mảnh đất đi thuê 1500m2. Trại rau có tên là Tomochan lấy từ cảm hứng, ngưỡng mộ trí tuệ và tinh thần của con người và văn hóa Nhật Bản.
Đến nay, trại rau Tomochan đã hoàn thiện với hệ thống nhà màng, hệ thống hồ cá, bể lọc, hệ thống trồng rau thủy canh. Theo mô hình này, cá và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cá ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải từ bể thủy sản được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh. Nhờ sự tham gia của vi khuẩn có lợi sẽ biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng phát triển. Sau đó, nước được dẫn vào các bể trồng rau, cây rau hấp thụ dưỡng chất trong nước rồi lọc sạch nước và cung cấp ngược trở lại cho bể cá. Đây là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh.
Hiện tại, trang trại có khoảng 30 loại rau và hơn 10 loại cá. Bao gồm các loại cải, như cải xoăn, cải bó xôi, cần nước, xà lách xoăn (được ví là nữ hoàng của các loại rau xanh vì giá trị dinh dưỡng cao), các loại rau gia vị như tía tô Nhật Bản, húng quế, tai vị, oải hương, bạc hà, lá é, … Tất cả được gieo trồng từ hạt giống vào những khay gieo mầm, đến khi đủ lá thật thì sẽ chuyển vào những rọ nhỏ chuyên dụng rồi đưa vào hệ thống đợi đến kỳ thu hoạch. Cá nuôi bao gồm các loại cá cảnh quí như cá Hoàng đế, cá chép Koi, cá dĩa, cá Ranchu…và các loại cá, lươn thịt. Để có được thành công như hiện tại, Tú Thuyết và chồng cũng đã trải qua rất nhiều thất bại ở thời gian đầu mới lập nghiệp. Vì vậy, khi đã hoàn thiện được qui trình trồng rau, nuôi cá trên hệ Aquaponic với điện rộng, cô đã có ý tưởng xây dựng mô hình trồng mini, với hy vọng chia sẻ và truyền cảm hứng nuôi trồng sạch tới người dân đô thị.
Hệ mini gồm một bể cá có đường kính 2m, 05 khay trồng, 01 giàn ống đứng và 04 bể lọc, tạo vi sinh, hệ thống ống nối từ bể cá qua các bể lọc dẫn nước ra khay trồng. Với hệ mini này có thể nuôi khoảng 3kg cá giống và trồng được khoảng 500 cây rau. Nguyên lý hoạt động của hệ thống này như sau: Nước được cấp vào bể cá, cá ăn thức ăn, phần chất thải và thức ăn dư thừa của cá sẽ theo đường ống chuyển vào bể lọc. Nước từ bể lọc sẽ tiếp tục chảy vào bể vi sinh. Tại bể này, vi sinh hoạt động phân hủy chất thải và tạo ra chất dinh dưỡng cho cây rau.
Trên thực tế, trồng rau trên hệ Aquaponics tạo ra nguồn thực phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường và khai thác các thuộc tính tốt nhất của nuôi trồng thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau thủy canh. Mô hình có thể áp dụng thành trang trại hoặc trong những gia đình ở thành phố, khu vực có diện tích đất hạn chế. Aquaponics là mô hình vừa tiết kiệm nguồn nhân lực, vừa tạo ra rau, cá an toàn và đạt năng suất cao. Tú Thuyết chia sẻ: “ bản chất hệ thống này là cá - rau là một, tức là nước từ bể cá và cây rau tuần hoàn với nhau. Cho nên nếu có chất lạ nào vào thì cây rau, cá sẽ bị sốc, bị ngộ độc. Cho nên với hệ thống trồng rau nuôi cá này thì cây rau sẽ hoàn toàn tự nhiên, có nghĩa là những cây rau nào có vị nào thì nó sẽ trả lại cái vị đó. Cá nuôi cũng rất sạch”
Nếu như trồng rau thủy canh có nhược điểm là không có sự tham gia của các vi sinh vật phân giải như trong đất và chỉ sử dụng trong nhà kính; còn nuôi trồng thủy sản trong nhà gây tốn kém trong vận hành vì phải thường xuyên thay nước. Hệ thống Aquaponics tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: nuôi trồng thủy sản và thủy canh nên mang lại lợi ích thiết thực là tiết kiệm tối đa về không gian, thời gian, chi phí vận hành. Đồng thời, thu được hai nguồn sản phẩm sạch là rau xanh và cá cũng như các loại thủy sản khác. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, Aquaponics sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi nó bị mất do bay hơi.
Hệ thống được duy trì nhờ vào năm yếu tố chính đó là: Cá, vi sinh vật, cây trồng, nước, không khí và 3 điều kiện hồ trợ là: ánh sáng, thức ăn cho cá và năng lượng điện. Trong hệ thống Aquaponics, nước từ hệ thống nuôi thủy sản được đưa vào một hệ thống thủy canh. Ở đó những sản phẩm phụ sẽ bị các vi khuẩn Nitrat hóa phân hủy thành các Nitrat và Nitrit, là những dưỡng chất được cây trồng hấp thụ. Sau đó, nước được tái lưu thông trở lại hệ thống nuôi thủy sản. Với các loại rau trồng bằng phương pháp này, rau phát triển tự nhiên và đảm bảo sạch. Hệ thống được thiết kế để tiết kiệm diện tích, chỉ cần ban công có diện tích tối thiểu 2m2, có hướng ánh nắng trực tiêp là có thể lắp đặt được. Theo Huỳnh Thị Tú Thuyết, cô rất muốn chia sẻ công nghệ này đến nhiều người dân, với mong muốn mọi người đều hướng đến nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch.
Hiện nay, đầu tư cho một hệ Aquaponics mini cho hộ gia đình bao gồm 05 khay trồng 50x40 cm, một giàn ống như thế này và một bể cá dung tích 1500 lít nước hết khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, người trồng chỉ phải đầu tư một lần cho hệ thống. Quá trình chăm sóc chỉ phải đầu tư thức ăn cho cá, bình quân từ khoảng 200 ngàn đồng/tháng, cộng với chi phí điện không đáng kể. Đây là phương pháp canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, chi phí vận hành thấp vì quá trình chăm sóc không cần phải bón phân, thay nước, sản phẩm sạch. Đặc biệt, với nhà phố có không gian chật hẹp, trồng rau - nuôi cá trên hệ Aquaponic còn đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ, cũng như thỏa mãn thú đam mê cây, cá cảnh.
Thu Huyền