Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore: Đưa sản phẩm từ nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn
Lê Minh Tấn
Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore
Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo đã truyền lửa và nhiệt huyết cho giảng viên, học sinh, sinh viên của Trường hình thành ý tưởng, thiết kế ra nhiều sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà.
Hiện nay, bất cứ một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nào cũng đều có hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất đó chính là: đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH). Đối với giảng viên tại các trường, công tác giảng dạy luôn được coi trọng, là điều kiện cần và đủ đối với một giảng viên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa yêu cầu của hoạt động chuyên môn của người giảng viên. Vì vậy, việc NCKH lâu nay luôn được các trường đề cao, chú trọng, đặt ra như một nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên và là một tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu để đánh giá khả năng toàn diện của giảng viên. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, tại các trường Cao đẳng, đặc biệt Cao đẳng trong hệ thống GDNN, hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên vẫn còn khá mờ nhạt, thậm chí còn lơ là, chứa đựng nhiều hạn chế, bất cập, chưa được quan tâm đúng mức, chưa ngang tầm với nhiệm vụ chuyên môn của giảng viên.
Đối với một cơ sở GDNN hiện nay, việc NCKH không chỉ được nhà tập trung vào đội ngũ giảng viên mà còn lan tỏa đến cả lực lượng học sinh sinh viên của nhà trường. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng đam mê nghề nghiệp cùng với sự tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt từ Nhà trường, ngày càng nhiều HSSV có điều kiện tham gia vào lĩnh vực NCKH thông qua các sân chơi công nghệ, các hội thi về NCKH các cấp.
Nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, giúp giảng viên nâng cao hiểu biết chuyên môn, say mê với lĩnh vực kiến thức mình đang giảng dạy từ đó giúp truyền lửa và nhiệt huyết cho học sinh sinh viên. Nghiên cứu khoa học đối với học sinh sinh viên là sân chơi bổ ích giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành; tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH, tạo đà cho các bậc học tiếp theo; tạo sự tự tin, tìm tòi và sáng tạo; rèn luyện cách làm việc tự lực, làm việc nhóm, tính tích cực, chủ động, hứng thú trong học tập và sinh hoạt.
Tại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, các hoạt động về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đến cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh - sinh viên trong toàn trường hàng năm đều được triển khai. Hầu hết các hoạt động đều được mọi người tích cực tham gia và đạt được thành quả tốt.
Kết quả việc triển khai hoạt động NCKH của bộ phận học sinh sinh viên trong Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore trong thời gian gần đây do Đoàn trường thường xuyên phối hợp với các chi đoàn để triển khai và được các chi đoàn hưởng ứng tích cực. Cụ thể:
- Thành lập Câu lạc bộ (CLB) học thuật đã hoạt động tháng 5/2019 được điều hành bởi hội sinh viên trường, kết hợp với Đoàn thanh niên trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore mở các phòng máy, mở các phòng thiết bị để huấn luyện và chế tạo các con Robot, đã triển khai hoạt động tham gia nghiên cứu khoa học với các hoạt động nhằm tạo sân chơi cho học sinh sinh viên tham gia, phát triển phong trào học thuật của cộng đồng HSSV trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore.
- CLB đã phối hợp với đoàn trường và hội sinh viên tổ chức các hội thi về tên lửa nước, Robocon cấp trường và nhiều các hoạt động về học thuật khác…
- CLB hỗ trợ các HSSV thực hiện làm các đề tài môn học, dưới sự hướng dẫn của các thành viên và chủ nhiệm CLB.
Cán bộ, giáo viên trong toàn trường luôn phát huy vai trò của giáo viên cơ sở GDNN và là tấm gương cho học sinh - sinh viên noi theo công tác nghiên cứu khoa học cũng như khởi nghiệp. Các sản phẩm của các giáo viên đã có hiệu ứng tích cực trong cộng đồng và thành tích nhất định. Có thể kể đến những đề tài NCKH tiêu biểu như: Máy rửa tay sát khuẩn tự động; Thiết bị đeo tay hỗ trợ người cao tuổi; Điều khiển thiết bị tòa nhà thông minh; Máy phay CNC mini; Mô hình ổn định áp suất nước trên đường ống sử dụng biến tần; Mô hình phun xăng - đánh lửa và hệ thống cung cấp điện Toyota; Kit thí nghiệm Arduino…
1. Máy rửa tay sát khuẩn tự động do giảng viên Khoa Điện - điện tử thực hiện được sử dụng tại một số nơi trong thành phố Thuận An như: Công an thành phố Thuận An; Công an giao thông thành phố Thuận An; Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An; Thành ủy Thuận An; Thành đoàn Thuận An; Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thuận An; Ủy ban nhân dân phường An Phú; Trường mầm non Phương Mai; Trường THCS Châu Văn Liêm; Trường Tiểu học Thuận Giao 2; UBND phường Thuận Giao cùng một số hộ dân, trường học ở địa phương.
2. Thiết bị đeo tay hỗ trợ người cao tuổi: Các giảng viên khoa Điện - Điện tử đã thực hiện với mục đích tập trung chức năng về sức khỏe, hệ thống tích hợp việc giám sát nhịp tim, phát hiện trạng thái của người dùng thông qua các cảm biến, đồng thời thông báo tư thế, trạng thái và gửi tín hiệu thông báo nếu có té ngã xảy ra. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp thêm các cảm biến đo mức độ phản hồi cơ để thực hiện giám sát tín hiệu sinh tồn của chủ thể.
3. Điều khiển thiết bị tòa nhà thông minh: Nhằm bổ sung nhiều hơn nữa các thiết bị phục vụ đào tạo, các giảng viên Khoa Điện - điện tử đề xuất thi công “Điều khiển thiết bị tòa nhà thông minh” góp phần giải quyết vấn đề bố trí xưởng thực hành, đáp ứng được mục tiêu giảng dạy, rèn luyện kỹ năng đấu nối và lập trình thiết bị. Đồng thời cập nhật kiến thức mới của thời đại công nghệ 4.0 trong lĩnh vực điều khiển các thiết bị của tòa nhà cho học sinh sinh viên…
Trong các đề tài trên, nhiều đề tài cũng đạt giải hội thi cấp tỉnh và toàn quốc như: Mô hình ổn định áp suất nước trên đường ống sử dụng biến tần đạt giải 3 Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Dương; Điều khiển thiết bị tòa nhà thông minh đạt giải nhì tại Hội thi Thiết bị đào tạo toàn quốc 2019; Máy phay CNC mini đạt giải khuyến khích tại Hội thi Thiết bị đào tạo toàn quốc 2019.
Để kích thích sự đam mê khoa học đối với Cán bộ giảng viên cũng như học sinh sinh viên trong nhà trường, nhằm hiện thực hóa ý tưởng. Cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã thành lập Phòng Fablab cơ điện, đây là nơi để các giảng viên, học sinh - sinh viên và kể cả thanh niên trong tỉnh bước đầu thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, là tiền đề đưa các ý tưởng trở thành hiện thực và phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với vai trò quan trọng của tri thức khoa học, việc đẩy mạnh NCKH trong giảng viên càng có ý nghĩa thiết thực. Hoạt động NCKH của giảng viên và học sinh sinh viên là một hoạt động rất quan trọng trong việc biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa để từ đó nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.