Truy xuất nguồn gốc: Thách thức của ngành chế biến thực phẩm hậu Covid-19
Vấn nạn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều này khiến cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải thận trọng trong việc kiểm tra sản phẩm trên thị trường cả bán và mua. Đặc biệt, đối với các sản phẩm đạt chất lượng sẽ chịu thiệt thòi lớn khi không thể đến tay người tiêu dùng mà còn bị gắn mác chung với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Trong khi đó người tiêu dùng cũng không thể tìm ra cách để mua được thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vì thị trường tràn ngập thực phẩm thiếu tính minh bạch.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần áp dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng tem QR code để minh bạch thông tin với người tiêu dùng, những thông tin như: tên trang trại, nơi sản xuất hay quy trình chế biến, sản xuất,…chính là những minh chứng rõ ràng nhất dành cho người tiêu dùng về chất lượng và mức độ an toàn cho từng sản phẩm của doanh nghiệp. Khi thực phẩm được truy xuất nguồn gốc và được mã hóa thông tin thông qua mã vạch sẽ rất tiện lợi cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc cũng giúp người tiêu dùng tự mình đánh giá về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Dần hoàn thiện cơ chế, chính sách
Trong Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc.
Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Hoàn thiện nâng cấp cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Đến 2030, hoàn thiện cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo các nguyên tắc bền vững, trách nhiệm và minh bạch, thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu Nông sản Việt.
Trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc còn có các văn bản: Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các yêu cầu về dữ liệu truy xuất và hệ thống truy xuất nguồn gốc, thủ tục thu hồi nông sản thực phẩm không an toàn; Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2018 của Bộ Y tế quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm như nước đá đóng chai, thực phẩm chức năng, vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, hương liệu thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm bao bì và vật chứa tiếp xúc với thực phẩm; trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Công thương được giao chủ trì ban hành chi tiết về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, hiện nay Bộ Công thương chưa ban hành quy định này.
Truy xuất nguồn gốc còn nhiều thách thức
Từ khi Đề án 100 được ban hành, đến nay đã được gần 2 năm, tuy nhiên vấn đề truy xuất nguồn gốc ở nước ta vẫn còn sơ khai và nhiều bất cập. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho rằng, các thông tin truy xuất chưa có đầy đủ dữ liệu về ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao. Thậm chí một sản phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc rất bài bản là vải thiều Hải Dương, khi quét tem truy xuất cũng không có thông tin đầy đủ về sự tham gia của các bên trong chuỗi cung ứng, không có đơn vị sơ chế, vận chuyển. Có thể thấy, hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào. Chỉ cần thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhưng tính xác thực lại thấp.
Mặc dù đã có các quy định về truy xuất nguồn gốc, Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư số 25/2019/TT-BYT, việc triển khai truy xuất nguồn gốc vẫn còn một số trở ngại:
- Thông tin rất khó xác minh vì chỉ yêu cầu các tài liệu truy xuất viết tay, tuy nhiên các tài liệu này có thể dễ dàng làm giả.
- Tồn tại các đơn vị kinh doanh không được cấp phép, thiếu các phương pháp truy xuất nguồn gốc đặc biệt trong ngành thực phẩm, điều này đòi hỏi một hệ thống xác định đơn vị kinh doanh khác với hệ thống đăng ký kinh doanh.
- Áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Nhiều công ty đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng các ứng dụng di động, tuy nhiên nông dân vẫn chưa sử dụng để ghi lại thông tin thường xuyên.
- Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu chi phí logistics cao trong phân phối, làm giảm lợi thế cạnh tranh của thực phẩm Việt Nam. Chi phí logistics cao là do:
Hệ thống phân phối tập trung vào khu vực thành thị và chưa chú trọng khu vực nông thôn. Hơn thế, mạng lưới bán lẻ tương đối dày đặc ở các trung tâm đô thị, trong khi kho bãi quy mô lớn lại ở xa, dẫn đến phát sinh chi phí trung chuyển cao.
Hầu hết các công ty trong lĩnh cả lĩnh vực chế biến và dịch vụ logistics là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và việc đầu tư vào kho bãi hoặc phương tiện không mang lại hiệu quả về mặt tài chính và lợi thế quy mô.
Cơ sở hạ tầng logistics còn yếu kém. Hiện chỉ có 20 trong số 266 cảng biển ở nước ta có thể tham gia xuất khẩu hàng hóa. Ở phía Nam, cảng Cát Lái là lựa chọn khả thi duy nhất để xuất khẩu cho các cụm chế biến thực phẩm lớn ở phía Nam. Kết nối mạng lưới giao thông đến cảng còn thiếu, dẫn đến tình trạng quá tải…
Trong làn sóng dịch covid hiện nay đã tác động tương đối lớn với lĩnh vực chế biến thực phẩm hơn các ngành khác, đáng kể nhất là logistics quốc tế, thiếu hụt container và gián đoạn logistics dẫn đến sự chậm trễ trong nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và xuất khẩu đầu ra. Ngoài ra, chi phí logistics và thời gian vận chuyển tăng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng dự trữ đầu vào để tránh gián đoạn trong sản xuất, qui trình xuất khẩu hàng hóa đòi hỏi thời gian dài hơn làm chi phí cũng cao hơn, điều này đã làm ảnh hưởng đến cả dòng tiền và chi phí cho các nhà sản xuất thực phẩm.
Giải pháp hậu dịch covid-19
Với việc chậm trễ về logistics làm kéo dài quá trình nhập khẩu các yếu tố đầu vào và đầu ra, doanh nghiệp phải tăng lượng hàng dự trữ, điều này sẽ làm gánh nặng chi phí cho một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó, trước tiên chúng ta cần xây dựng các trung tâm dịch vụ chia sẻ cho doanh nghiệp làm tăng khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại và kho dự trữ bổ sung ứng phó giai đoạn dịch covid-19.
Cần tăng cường tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm chế biến: Trong bối cảnh gia tăng lo ngại về an toàn thực phẩm hậu covid-19, thì các tiêu chuẩn và khả năng truy xuất nguồn gốc là rất quan trọng để duy trì khả năng xuất khẩu.
Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa và quốc tế trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm chế biến gia tăng do dịch covid-19 đã mang lại cơ hội tiềm năng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, xu hướng này đòi hỏi các công ty trong nước phải nâng cao năng lực phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Bên cạnh đó, ngành chế biến thực phẩm cần chú trọng R&D ứng dụng, đặc biệt là việc phát triển sản phẩm và ứng dụng công nghệ.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho thực phẩm chế biến tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm thực phẩm của nước ta có giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu và marketing cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.