Truyền thông với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong thời đại công nghệ số, truyền thông mới phát triển mạnh mẽ và có sự ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Truyền thông mới bao gồm các nền tảng khác nhau như truyền hình, báo in, báo điện tử và mạng xã hội.
Thông qua các kênh truyền thông, người dân được cập nhật đầy đủ thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật trong và ngoài nước. Từ đó, có thể học tập, giải trí, phát triển nhiều kỹ năng mềm. Đặc biêt, việc tiếp cận những mô hình sản xuất, điển hình kinh tế qua truyền thông cũng đã giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả hơn... Song, truyền thông cũng có tính 2 mặt, nhất là mạng xã hội. Hiện nay, đa số người trưởng thành đều sử dụng mạng xã hội để giao lưu, tiếp cận thông tin, quảng bá, bán hàng.... Và có một thực tế là mạng xã hội thu hút đông đảo người dùng, nhưng lại có nhiều thông tin không được kiểm định. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới người dùng nói chung và nông dân, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng.
Vai trò, tác động của truyền thông
Truyền thông đa phương tiện góp phần quan trọng vào việc truyền tải các chủ trương, chính sách của Chính phủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ngoài những kênh thông tin văn bản từ các cơ quan quản lý nhà nước, thì các báo in, báo điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình cũng là một trong những kênh truyền thông chính thống của địa phương. Những kênh này đã đưa được khái niệm, kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến gần hơn với cộng đồng. Kết nối những ý tưởng với các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các kênh truyền thông sẽ giúp cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tạo dựng thương hiệu. Với doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, từ những thông tin truyền thông về thị trường, khách hàng, mẫu sản phẩm, nhu cầu, xu hướng… tiếp cận được, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể xác định được thị trường mà họ sẽ đầu tư phát triển kinh doanh. Giúp sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường nhanh nhất và tiếp cận rộng rãi với cộng đồng; hoặc có thể thu hút thêm vốn đầu tư, phát triển và hoàn thiện sản phẩm.
Bên cạnh đó, các Startup có thể nhận diện và kết nối với các tổ chức, ban ngành có liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp cũng như các nguồn vốn hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, thông qua truyền thông, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể kết nối với nhau, tạo thành mạng lưới chặt chẽ, mang lại lợi ích chung cho mỗi doanh nghiệp.
Tiếp cận thị trường, không thể thiếu thông tin
Ngày nay, để đưa sản phẩm ra thị trường và tiếp cận thị trường một cách nhanh nhất, người dân, doanh nghiệp thường sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, youtube). Bên cạnh đó, những người trong cùng ngành, lĩnh vực cũng có thể kết nối chia sẻ thông tin, kỹ thuật cũng như hợp tác để cùng phát triển ra thị trường lớn hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là thông tin thị trường, thông tin kỹ thuật mà họ tiếp cận để ứng dụng, chia sẻ phải đến từ một kênh thông tin chính thống thì mới có hiệu quả.
Với anh Tô Văn Quốc, chủ trang trại Ba Quang, hàng ngày anh thường đọc báo xem tin tức và lên Youtube để xem giá cả nông sản, những mô hình làm kinh kế mang lại hiệu quả cao liên quan đến các lĩnh vực mà trang trại của anh đang triển khai như cây có múi, cây ăn trái... Anh Quốc cho biết, đối với các kênh truyền thông hiện nay thì anh thường sử dụng mạng xã hội để PR sản phẩm, kênh truyền thông này giới thiệu sản phẩm và đưa thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng rất nhanh.
Trong việc phát triển sản phẩm ra nước ngoài, thì kênh thông tin chính thống lại được người dân và doanh nghiệp rất quan tâm. Anh Lê Văn Huệ, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng là chủ trang trại nuôi cá kiểng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, anh Huệ cho biết, “trên thế giới, thương hiệu “Cá Ông Tiên Ai Cập - Việt Nam” rất nổi tiếng, nhu cầu của người tiêu dùng rất cao, mà khách hàng chỉ biết tìm đến Việt Nam để mua. Vì cá “hoang dã” nay bị cấm đánh bắt và tỷ lệ sống lại thấp, nên khách hàng hạn chế mua”. Với loại cá này, anh Huệ lai giống, nuôi và bán cho thị trường thế giới chiếm 90% sản lượng, còn lại 10% bán cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, hiện nay anh Huệ gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài do anh Hiếu còn thiếu nguồn thông tin chính thống để cung cấp về thủ tục, quy trình thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận C/O đối với loại cá mà anh đã nhân giống này.
Truyền thông đa phương tiện trên các nền tảng tác động sâu sắc tới hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là vừa nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá khởi nghiệp sáng tạo, vừa truyền tải những thông điệp, mô hình hay, công nghệ mũi nhọn giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp thu và ứng dụng hiệu quả. Truyền thông không chỉ hiểu là các cơ quan ngôn luận như báo, đài, mà còn là các trang thông tin ngành và trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube... Chính vì vậy, việc chọn lọc thông tin như thế nào là điều hết sức quan trọng đối với người dân nói chung, và những starup nói riêng.
Hỗ trợ truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Là một trong những cơ quan đầu mối về phổ biến thông tin khoa học và công nghệ, thống kê khoa học và công nghệ của địa phương, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh đưa tri thức khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo đến với mọi đối tượng từ các đợt đào tạo, tập huấn cho các đối tượng: cán bộ, giáo viên, sinh viên… trên địa bàn tỉnh trên các kênh thông tin của Sở KH&CN; các Cuộc thi về khởi nghiệp, tìm kiếm ý tưởng, cho đến xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương; Báo Bình Dương.
Đặc biệt, gần đây Trung tâm đã chủ trì tổ chức nhằm tuyên truyền phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật và kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là các quy định pháp luật mới, các kiến thức cơ bản trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên, học sinh, đồng thời phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2021, Trung tâm cũng đã phối hợp Kênh truyền hình Netviet - VTC10 thực hiện nội dung truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh với tiêu đề: Bình Dương đẩy mạnh xây dựng cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện phim phóng sự về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Dương.
Đồng thời, kết nối các startup với các sở, ban, ngành, trường đại học thông qua việc hỗ trợ không gian làm việc cho các startup, không gian tổ chức sự kiện về khởi nghiệp cho các sở, ban, ngành, trường đại học, doanh nghiệp trên địa tỉnh nhằm khẳng định vai trò của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp trong cộng đồng khởi nghiệp.
Ông Trần Trọng Tuyên, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì kết nối cho việc truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa tỉnh. Truyền thông về khoa học đổi mới sáng tạo là sự kết hợp của rất nhiều đơn vị từ nhà nước, viện trường, doanh nghiệp, các cơ quan báo đài… Truyền thông về khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo mang tính tương tác cao giữa đơn vị truyền thông và cộng đồng”.
Trong truyền thông có các kênh truyền thông chính thống và không chính thống, các nhóm khởi nghiệp, cộng đồng cần kiểm chứng thông tin trước khi chính thức vận dụng, tránh khỏi những thông tin sai lệnh, không chính xác về chính sách hỗ trợ của nhà nước. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh, nguồn thông tin chính thống về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ, cổng thông tin khoa học và công nghệ Bình Dương, cổng thông tin và fanpage của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ngoài ra còn có Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương… ông Tuyên cho biết.
Hiện nay, nhiều nông dân khởi nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn thông tin về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nông dân khởi nghiệp sản xuất ra sản phẩm chất lượng nhưng chưa tạo được thương hiệu, dấu ấn trên thị trường. Họ cũng cần vốn, cần được hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn. Song, để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng, cũng như làm giàu nói chung, startup và người dân cần chọn lọc những kênh thông tin chính thống từ các cơ quan ngôn luận thuộc cơ quan báo chí nhà nước, các ngành, Đoàn, Hội… để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng và thu hút nhà đầu tư một cách thông minh, hiệu quả.