TS. Nguyễn Hoàng Sỹ - nhà khoa học trẻ đam mê công nghệ
TS. Nguyễn Hoàng Sỹ (1983)
Hướng nghiên cứu chính: Mạng không dây (wireless communications); Thu thập năng lượng (energy harvesting); Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence); Thị giác máy tính (computer vision); máy học (machine learning);
- Chỉ số ảnh hưởng cộng đồng khoa học quốc tế (h-index): 5
- Tổng số lần trích dẫn nghiên cứu hiện nay: 72 lần.
- Thành viên ban biên tập và phản biện nhiều tạp chí thuộc SCI/SCIE/Scopus.
- Danh sách các công bố hiện nay tham khảo tại: ResearcherID: K-5701-2016; ORCiD:0000-0002-1547-8416; RG score > 15 ResearchGate.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Dương năng động, sáng tạo, trong khi bạn bè học chung tại trường THPT Chuyên Hùng Vương - Bình Dương chọn các ngành về kinh tế để theo học, thì ông Nguyễn Hoàng Sỹ quyết định theo học khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Công Nghệ Thông Tin - thành phố Hồ Chí Minh, hay nói khác hơn là ông quyết định đi theo con đường khoa học - vốn dĩ lặng thầm và nhiều chông gai hơn.
Ra trường năm 2001, đến nay ông đã nhận bằng tiến sĩ về chuyên ngành công nghệ truyền thông, với tên luận án “Energy harvesting enable relaying networks: Design and Performance analysis”, từ Khoa Kỹ thuật điện và Khoa học máy tính trường Đại học Kỹ thuật Ostrava (VSB-Technical University of Ostrava) tại Cộng hòa Séc, năm 2019. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, có thể áp dụng nhiều vào thực tiễn trong việc phân tích và đánh giá hiệu năng của những hệ thống vô tuyến nhận thức.
Nghiên cứu khoa học không hề dễ dàng
Trong đôi mắt nhiều người, người nghiên cứu khoa học thường là những người có sự thông minh bẩm sinh, thế nhưng trong quan điểm của TS. Nguyễn Hoàng Sỹ thì “Nếu không có lòng đam mê, nhiệt huyết thì không có đủ động lực để thực hiện nghiên cứu khoa học, cần phải kiên trì mới dẫn đến thành công”. Nhờ sự kiên trì, đến nay, ông đã có công bố 31 bài báo khoa học (tác giả chính) trên các tạp chí/hội thảo quốc tế có chỉ số IF (Impact factor) thuộc danh mục tạp chí có uy tín (ISI/SCIE/Scopus), trong đó 15 bài tạp chí và 16 bài hội thảo nằm trong danh mục WoS (Web of Science).
Bên cạnh đó, ngày nay, để các nghiên cứu khoa học kịp thời cập nhật các tiến bộ của thế giới, có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, người làm khoa học cũng cần mạnh dạn trong chủ động tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học. Nhận thức được điều đó, ông đã chủ động liên hệ đến các nguồn quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học để tài trợ và thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu của mình như nguồn quỹ của Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava - Cộng hòa Séc và một phần của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, phát triển thử nghiệm và đổi mới sáng tạo của Bộ Giáo dục Cộng hòa Séc (IT4Innovations National Supercomputing Center). Cũng chính vì vậy, khi tiếp xúc với ông, người ta vừa thấy vóc dáng của một người làm nghiên cứu nhưng đồng thời cũng thể hiện rõ nét năng động, sáng tạo của một người làm chủ được công việc của mình.
Bên cạnh nỗ lực của cá nhân, người làm nghiên cứu khoa học phải có sự đồng thuận của gia đình, bản thân ông đã có những đêm thức trắng để nghiên cứu, những ngày làm việc trong phòng nghiên cứu từ sáng sớm khi ra khỏi nhà và về nhà lúc chiều đã tối khi con đã say giấc ngủ, hay là những ngày phải xa gia đình lâu ngày để nghiên cứu tại nước Cộng hoà Séc. Nếu không có sự ủng hộ lặng thầm của gia đình và nhất là người bạn đời thì chắc chắn người làm nghiên cứu như ông không thể làm tốt được.
Đem kiến thức khoa học đến cộng đồng
Không chỉ là một nhà khoa học ngồi trong phòng thí nghiệm, với tâm huyết của mình, TS. Nguyễn Hoàng Sỹ tham gia nhiều hoạt động nhằm truyền lại ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho các bạn sinh viên. Trên cương vị là Trưởng khoa - Khoa Công nghệ thông tin, Robot và Trí tuệ nhân tạo - Đại học Bình Dương, với định hướng đào tạo đưa trí tuệ nhân tạo vào tất cả chuyên ngành, mang tính ứng dụng, kỹ năng thực hành, hướng nghiệp - khởi nghiệp trong hệ sinh thái giáo dục nhằm cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Với những nỗ lực đạt được TS. Nguyễn Hoàng Sỹ là điển hình tiên tiến tiêu biểu của Đại học Bình Dương, đã nhận được các bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương năm 2017, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở Trường Đại học Bình Dương năm 2018. Khi chia sẻ về “bí quyết” thành công, ông thẳng thắn trả lời: Là một nhà khoa học trẻ đồng thời cũng là một giảng viên đứng trên bục giảng, tôi tự đặt ra cho mình những mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Có như vậy, bản thân mình mới không ngừng nỗ lực khai phá công nghệ, đổi mới phương pháp giảng dạy để những kiến thức khoa học đến được với sinh viên, truyền lửa nghiên cứu, kỹ năng sáng tạo cho các em ứng dụng vào đời sống xã hội, phục vụ cộng đồng./.