Tuyên truyền hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên Báo Bình Dương
Hiện nay, khoa học và công nghệ đang phát triển trong thời kỳ quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi quốc gia, dân tộc. Trên thế giới, tốc độ phát minh khoa học ngày càng gia tăng, khoảng cách từ phát minh đến ứng dụng đang ngày càng được rút ngắn.
Đối với nước ta, đẩy mạnh sự phát triển KH&CN không chỉ bắt nguồn từ đòi hỏi bức xúc của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn bắt nguồn từ yêu cầu phát triển đất nước. Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức là một trong những yếu tố quan trọng để đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội; góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hướng đến xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tri thức và nền kinh tế xanh. Tại Bình Dương, trong phần phương hướng, nhiệm vụ của Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cũng đã nêu rõ: Phát triển mạnh mẽ, ứng dụng KH&CN, thông tin truyền thông làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, tạo niềm tin, đồng thuận trong xã hội.
Bình Dương hiện là tỉnh phát triển mạnh công nghiệp, được coi là thủ phủ “khu công nghiệp”, đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2016 đến năm 2020 tăng gần 2,5 lần, từ trên 20.000 lên 49.028. Tỉnh đang đẩy mạnh tiến trình xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Đặc biệt, vừa qua tỉnh Bình Dương được vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu nhất Thế giới 02 năm liên tiếp (2019, 2020) theo tiêu chí ICF, là khu vực duy nhất của Việt Nam, thứ 2 của ASEAN (sau Singapore) có tên trong danh sách này; từ đó mở rộng hợp tác với mạng lưới các đô thị thông minh, thịnh vượng thuộc cộng đồng quốc tế này, cùng hòa mình với những xu thế phát triển mới của thế giới. Cũng trong năm 2018, Bình Dương trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị Khoa học Công nghệ Thế giới (WTA)... Các thành quả trên đã tạo ra danh tiếng quốc tế, niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần gia tăng vượt bậc trong thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như các viện trường nghiên cứu trên thế giới.
Việc tăng cường truyền thông, phổ biến tri thức KH&CN sẽ góp phần nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua công tác tuyên truyền trên truyền thông mà cụ thể là tuyên truyền trên Báo Bình Dương (báo gồm nhật báo và truyền hình trên Bình Dương điện tử) về giới thiệu, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh trật tự. Qua đó, người dân cũng như các cấp quản lý nhận thức đúng đắn được vai trò của khoa học và công nghệ có tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế. Không chỉ dừng lại ở mức nhận thức, việc tuyên truyền trên báo Bình Dương sẽ góp phần tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống. Tuyên truyền sẽ góp phần cho nhiều ngành khoa học, công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, trong đó, nhiều thành tựu KH&CN mới được ứng dụng.
Ngành KH&CN được tuyên truyền thông qua các thông điệp: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Khát vọng, kiến tạo và phát triển tương lai, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương: gắn kết “ba nhà”, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; Đẩy mạnh triển khai khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực, đặc biệt ứng dụng vào thực tiễn, đời sống, sản xuất; Đẩy mạnh triển khai các dự án ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở huyện thị, thành phố và trong doanh nghiệp; Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hành trình khởi nghiệp - Đường tới thành công; Sở hữu trí tuệ: nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và nông thôn; Tăng cường công tác bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân; Thông tin KH&CN: nguồn lực quan trọng để phát triển. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các lĩnh vực:
- Nội dung tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đầu tư tiềm lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; hoạt động hỗ trợ triển khai dự án và ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp huyện; hiệu quả triển khai và ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp huyện; việc đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN ở các sở ban ngành, huyện thị xã thành phô trong thời gian qua.
Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ: Phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN, tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đánh giá trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN; năng lực hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; hợp tác quốc tế về KH&CN.
An toàn bức xạ hạt nhân: Quản lý các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn; triển khai kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ.
Sở hữu trí tuệ: Triển khai các chính sách trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; hoạt động hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục về sở hữu công nghiệp; các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ; các quy định mới về sở hữu trí tuệ trong các FTAs thế hệ mới.
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Tuyên truyền về những chính sách, đề án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; khai thác không gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; các phòng Fablab…; triển khai hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về tận cơ sở; hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; huy động nguồn lực đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.
Thông tin và thống kê khoa học và công nghệ: Hoạt động cung cấp thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; hoạt động thu thập, đăng ký lưu giữ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, luận văn - luận án sau đại học; hoạt động các chợ công nghệ - thiết bị, các trung tâm, sàn giao dịch thông tin công nghệ trực tiếp và trên mạng Internet; xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin KH&CN; phát triển các nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương; xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương; khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; thông tin KH&CN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động phát triển sản xuất của doanh nghiệp; dịch vụ trong lĩnh vực thông tin, thư viện, thống kê, cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ; in ấn, số hóa; tổ chức các sự kiện KH&CN.
Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, địa phương, tiêu chuẩn Quốc gia, tiêu chuẩn Quốc tế, tiêu chuẩn khu vực…; các chương trình tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương theo quy định của pháp luật; hoạt động thông báo và hỏi đáp về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là TBT) cho doanh nghiệp để hỗ trợ xuất khẩu; hoạt động đăng ký mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tuyên truyền các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo; thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ: Hoạt động triển khai ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; các mô hình trình diễn về ứng dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật tiến bộ và phổ biến nhân rộng tại địa phương; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm; xây dựng và cung cấp dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Huỳnh Anh