Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) hay còn gọi là "Nông nghiệp thông minh" là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học,…để làm ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao.
Một trong những tiêu chí cơ bản của nông nghiệp CNC là phải áp dụng hệ thống nhà màng - nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động. Với nền nông nghiệp thông minh thì còn biết áp dụng điện toán đám mây để kiểm soát đầy đủ và chặt chẽ quá trình sản xuất, nhằm tiết kiệm thời gian, nhân công
Tại Hội thảo về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao năm 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh: Canh tác nhà màng được xem như một giải pháp công nghệ, chìa khóa trong phát triển nông nghiệp CNC. Theo các chuyên gia, nhà màng nông nghiệp CNC là loại hình nhà màng ứng dụng các công nghệ cao, hiện đại để tạo lập ra một môi trường sinh thái thuận lợi nhất có thể cho cây trồng sinh trưởng phát triển. Từ đó, thực hiện các công nghệ thâm canh cao, hạn chế và loại trừ các yếu tố ngoại cảnh bất lợi cho sản xuất. Ngoài ra, áp dụng nhà màng còn có thể sản xuất nông sản trái vụ, để tối đa hóa năng suất chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, giảm chi phí sản xuất và đặc biệt là để tiết kiệm nước.
Trên thực tế, canh tác nhà màng đã tạo ra một cuộc cách mạng về năng suất cho các loại cây trồng. Nhờ canh tác nhà màng mà năng suất cây trồng có thể tăng gấp chục lần so với canh tác truyền thống. Canh tác nhà màng còn tạo ra nông sản sạch, chất lượng đồng đều do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, có thể canh tác các loại cây hoa màu đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao như: dưa lưới, cà chua, ớt, hành, tỏi,.. Việc sử dụng các loại nhà màng để trồng, cũng như hệ thống tưới nhỏ giọt đã được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, không chỉ các khu nông nghiệp CNC, trang trại lớn mà ngay cả các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng đã và đang ứng dụng nhà màng.
Việc ứng dụng nhà màng cũng như ứng dụng các thành tựu công nghệ khác đã giúp người trồng chủ động được kế hoạch sản xuất của mình cũng như khắc phục được tính mùa vụ. Do không phụ thuộc mùa vụ và thời tiết nên có thể cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn và do đó đạt lợi nhuận cao hơn các sản phẩm chính vụ. Cách thức tổ chức sản xuất trong nhà màng còn giúp tiết kiệm đất trồng. Cây được trồng trong các túi giá thể, nền đất lót bạt, không tiếp xúc trực tiếp với đất. Việc chăm sóc, bón phân, tưới nước tiết kiệm thực hiện theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Hệ thống tưới nhỏ giọt được lập trình sẵn, phân bón được hòa cùng với nước trong bồn chứa, tự động tưới cho cây khi đến giờ. Ngoài việc đảm bảo kết cấu bền vững, nhà màng còn có thể kiểm soát “tiểu khí hậu nhà màng”; kiểm soát “sinh học nhà màng”; kiểm soát “dịch hại” nhà màng; và thực hiện các biện pháp điện toán điều chỉnh các yếu tố môi trường sinh thái nhà màng.
Ở Bình Dương, ngoài Khu CNC An Thái (Phú Giáo), nhiều bà con nông dân, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã và đang chọn hướng đi ứng dụng CNC vào trồng trọt. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới của gia đình bà Vũ Thị Huê (An Bình, Phú Giáo); mô hình trồng rau thảo mộc của anh Lưu Văn Tuyên (Tân Bình, Dĩ An), mô hình cà chua, dưa lưới của anh Nguyễn Thanh Hùng (Trang trại Xanh, Thuận An )….Theo anh Hùng: Trồng dưa lưới hay rau trong nhà màng hạn có tác dụng chống sâu bệnh tốt, bảo đảm độ che nắng, nhiệt độ ổn định, năng suất cao, sản phẩm an toàn. Trung bình 1.000m2 sẽ phải đầu tư khoảng 250 - 300 triệu đồng, bao gồm tiền xây dựng nhà lưới và đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là công nghệ giúp tiết kiệm nước, phân bón vì cung cấp chất dinh dưỡng và lượng nước đến tận gốc, phù hợp với nhu cầu trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Hệ thống điều khiển tự động của nhà lưới giúp giảm bớt chi phí thuê nhân công chăm sóc, hạn chế được dịch hại vì lá cây không bị ướt. Tuy chi phí đầu tư khá cao nhưng bù lại chi phí sản xuất giảm vì tiết kiệm nhân công, nước, thuốc bảo vệ thưcj vật và phân bón. Nhà màng thường có tuổi thọ khoảng 7 - 8 năm. Hiện nay, với giá bán dưa lưới thu mua tại vườn 30 ngàn đồng/kg, nếu trồng trên 1.000m2 dưa lưới, sau 65 ngày sẽ cho thu hoạch khoảng 3 - 4 tấn trái. Trung bình, một năm có thể trồng từ 3 - 4 vụ dưa. Như vậy, nông dân đầu tư cho hệ thống tưới và nhà màng sẽ rất nhanh lấy lại được vốn đầu tư.
Cùng với việc ứng dụng nhà màng, hiện nay, nhiều nông dân đã biết kết hợp với áp dụng điện toán đám mây vào trồng trọt. Với công nghệ này, nông dân có thể tự quản lý toàn bộ các khâu sản xuất với diện tích canh tác hàng chục hecta mà không cần phải trực tiếp làm việc ngoài vườn. Theo đó, chỉ cần một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa sẽ giúp nông dân biết vườn cây nào cần bón phân gì, số lượng bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa. Căn cứ vào các dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nông dân biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào và mọi hoạt động đều được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh.
Theo các chuyên gia, thu nhập của một nông dân có thể đạt tới 5.000 USD/năm nếu thực hiện đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, với 1ha trồng cà chua ứng dụng CNC thì năng suất có thể đạt 250 - 300 tấn/ năm, tăng hơn 10 lần so với cách sản xuất truyền thống. Cũng như vậy, 1ha trồng dưa lưới có thể cho năng suất từ 70 - 80 tấn/năm. Không những vậy việc ứng dụng khoa học công nghệ cao còn giúp nhà sản xuất tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường. Chính những lợi ích như vậy mà sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta.
Thu Huyền