Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phú Giáo
Ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý và khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Phú Giáo; về chiến lược lâu dài, bệnh viện sẽ tiến tới điện toán hóa toàn bộ các khâu hoạt động bệnh viện, trong đó bao gồm quản lý chuyên môn và quản lý hành chính; tạo nên mẫu hình về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện để mở rộng ứng dụng đến các bệnh viện khác.
a/ Tên nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phú Giáo
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty TNHH Phát triển điện toán Y khoa Hoàng Trung
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: BSYK. Phan Xuân Trung
và đồng chủ nhiệm: CN. Lê Thị Phương Mai
Người tham gia chính:
1. CN. Võ Trường Phong
2. CN. Sỳ Phương Lâm
3. KS. Đỗ Trung Nguyên
4. KS. Nguyễn Thanh Tâm
5. KS. Tạ Ngọc Hà
6. KS. Nguyễn Thành Trung
7. KS. Nguyễn Đức Phi
8. KS. Lại Huy Việt
9. KTV. Phan Tấn Hải Nam
10. KTV. Trần Thị Thu Trang
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý và khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Phú Giáo; về chiến lược lâu dài, bệnh viện sẽ tiến tới điện toán hóa toàn bộ các khâu hoạt động bệnh viện, trong đó bao gồm quản lý chuyên môn và quản lý hành chính; tạo nên mẫu hình về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện để mở rộng ứng dụng đến các bệnh viện khác.
đ/ Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Trung tâm Y tế Phú Giáo (TTYT) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Đa khoa Phú Giáo và TTYT Phú Giáo, trong đó Bệnh viện Đa khoa Phú Giáo được đưa vào hoạt động từ năm 2005, đây là bệnh viện trung tâm trong việc củng cố và phát triển mạng lưới y tế từ huyện đến xã. Từ khi sáp nhập, ngoài việc mở rộng các phòng chức năng và các khoa, TTYT Phú Giáo còn chú trọng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Từ nhu cầu thực tiễn
Do bệnh viện là một loại hình cơ quan có tổ chức và hoạt động phức tạp so với các cơ quan, tổ chức khác nên số liệu hằng ngày phát sinh rất lớn và phân tán theo đơn vị chức năng. Công tác quản lý việc khám chữa bệnh chủ yếu quản lý bằng giấy tờ, bên cạnh đó, người dân tới khám chữa bệnh phải chờ đợi, xếp hàng khá lâu do các thủ tục hành chính phải hoàn tất trước khi được hưởng các dịch vụ y tế.
Trước yêu cầu đòi hỏi phải có nắm được một cách nhanh chóng, chính xác số liệu của từng đơn vị và giảm thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính cho người dân khi khám chữa bệnh, thông qua Dự án “Ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại BVĐK Phú Giáo (nay là Trung tâm Y tế Phú Giáo)” được triển khai và đem lại hiệu quả cao từ công tác quản lý, báo cáo cho đến kiểm soát hiệu quả bệnh án của bệnh nhân.
Bác sĩ Phan Xuân Trung, Giám đốc công ty TNHH Phát triển điện toán y khoa Hoàng Trung (Tp.Hồ Chí Minh), chủ nhiệm dự án cho biết, “Qua kiểm tra thực tế thì hệ thống mạng nội bộ của TTYT được trang bị nhưng chủ yếu để cập nhật thông tin và xuất báo cáo, dữ liệu khám chữa bệnh không được quản lý tập trung. Bên cạnh đó, nhiều nhân sự bệnh viện còn đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, một số bác sĩ có chuyên môn nhưng phải làm thêm các công việc hành chính, báo cáo, thống kê, điều này gây ra sự lãng phí nhân sự. Với việc triển khai Dự án thì sẽ giải quyết được các khâu từ nhập, xuất số liệu, quản lý hồ sơ bệnh án của bệnh nhân thông qua hệ thống máy tính và nhất là giảm thời gian chờ đợi của người dân”.
Hiệu quả bước đầu triển khai
Dự án được triển khai tại TTYT Phú Giáo từ tháng 09/2013, bước đầu đã đem lại hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của TTYT một cách toàn diện, tạo được sự minh bạch tài chính, giảm thiểu được thời gian chờ đợi của bệnh nhân khi khám chữa bệnh; kiểm tra được số lượng thuốc trong kho, thống kê, giám sát được kinh phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế... Ngoài ra, còn đem lại lợi ích kinh tế trong việc tiết kiệm được giấy tờ in ấn, phim ảnh...
Bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc TTYT Phú Giáo đánh giá, “Từ khi triển khai việc ứng dựng CNTT thì công tác khám chữa bệnh tại TTYT đã có bước chuyển biến tích cực, thời gian khám chữa bệnh cho người dân giảm xuống đánh kể, tránh được việc chờ đợi kéo dài như trước đây. Đồng thời, sự liên thông thông tin của bệnh nhân giữa các phòng, ban được diễn ra theo thời gian thực nên việc giải quyết từ chuẩn đoán bệnh, viện phí, phát thuốc rất thuận lợi”.
Anh Lành (xã An Linh) cho biết, “Trước đây khi đưa con đi khám bệnh mất nhiều thời gian, nhất là chờ để giải quyết các thủ tục hành chính, đi khám phải cầm theo hồ sơ. Nhưng giờ chỉ đọc tên, lấy số thứ tự và chờ gọi, tất cả hồ sơ đã lưu trong máy tính trong lần khám trước của con mình đã lưu trong máy tính, nên thời gian khám bệnh và lấy thuốc rất nhanh”.
Từ khi áp dụng CNTT thì công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của TTYT ngay tại bàn làm việc, theo thời gian thực, không cần chờ báo cáo của các đơn vị. Các thông tin dù nhỏ cũng được lưu trữ giúp làm bằng chứng khoa học và pháp lý, lãnh đạo TTYT có thể truy nguyên nhân sai sót nhanh chóng. Ngoài ra, thông qua internet, lãnh đạo TTYT có thể truy cập vào máy chủ của bệnh viện từ xa để theo dõi, kiểm tra hoạt động của TTYT theo thời gian thực.
Kỹ sư tin học Lê Thị Phương Mai, công ty TNHH MTV Tin học y tế Khôi Nguyên (Tp.Hồ Chí Minh), đồng chủ nhiệm dự án, cho biết, “Qua thực tế triển khai, dự án đã phát huy được hiệu quả và khả năng kết nối, mở rộng mô hình nhất là trong việc trao đổi dữ liệu giữa các bệnh viện, xây dựng được mô hình chuẩn, tiến tới báo cáo chuẩn để thống nhất về dữ liệu báo cáo tập trung”.
Qua thực tế triển khai, về cơ bản dự án đã phát huy được hiệu quả và khả năng kết nối dữ liệu trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, mang tính quản lý nội bộ và cần thiết phải xây dựng được hệ thống quản lý từ TTYT huyện đến các Trạm y tế tuyến xã, để việc trao đổi dữ liệu, quản lý được thông suốt.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 11/2012
- Thời gian kết thúc: 02/2015
g/ Kinh phí thực hiện: 1.188.405.000 đồng
Hải Sư