Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh kỹ thuật cao
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh kỹ thuật cao; cải cách thủ tục hành chính, đăng ký bốc số thứ tự khám bệnh tại nhà không cần phải đến bệnh viện; việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử rất khoa học…
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị: ngày 18/10/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT về việc “Phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025”. Đề án được phê duyêt dựa trên cơ sở pháp lý của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện, vào năm 2018 Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm Y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020 tại Quyết định số 611/QĐ-BYT.
Với tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, từng bước cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, các cơ sở khám chữa bệnh tại các tuyến được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế, đưa vào áp dụng nhiều tranh thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao phục vụ công tác khám chữa bệnh như chụp CT, MRI, máy oxy cao áp, máy tạo nhịp tim tạm thời trong cấp cứu tim mạch, đặt Stent mạch vành… Nhiều bệnh viện còn được đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, khám chữa bệnh và phòng bệnh. Từ đó, chất lượng hoạt động của các đơn vị đã được nâng cao, hiệu quả công việc được phát huy hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm chỉ đạo thực hiện đáp ứng yêu cầu trong triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân và các nhiệm vụ tin học hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh và y học dự phòng. Bước đầu thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh trong lĩnh vực y tế; hầu hết các bệnh viện đều đạt tiêu chí mức 3 (trong tiêu chí chất lượng bệnh viện) về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ sở khám chữa bệnh; một số cơ sở đạt tiêu chí ở mức 4 và 5 (đặc biệt là các đơn vị y tế ngoài công lập) để tiến tới thực hiện bệnh án điện tử. Đầu năm 2020, triển khai đánh giá thực trạng công nghệ thông tin trong xây dựng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế Thuận An, đang trong giai đoạn tiến hành việc kết nối dữ liệu giữa các đơn vị cung cấp phần mềm khác (HIS, LIS, PACS) về bệnh án điện tử.
Các đơn vị khám chữa bệnh trong tỉnh đều đạt các yêu cầu thời gian khám chữa bệnh quy định tại Quyết định 1313 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện. Tuy nhiên thực tế hiện nay, do tình trạng quá tải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên vẫn chưa đáp ứng sự hài lòng hoàn toàn của người dân trong khám, chữa bệnh. Ngành y tế đã làm việc với các đơn vị cung ứng các tiện ích trong khám chữa bệnh như thanh toán điện tử, đăng ký khám chữa bệnh từ xa để giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, qua đánh giá bước đầu cho thấy khi triển khai các dịch vụ này cần chi phí lớn về đầu tư hạ tầng và người dân phải đóng lệ phí khi sử dụng.
Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai sử dụng phần mềm thống kê y tế điện tử (từ năm 2018), hiện đang tiến hành các giải pháp liên thông, trích xuất dữ liệu tiến tới không sử dụng báo cáo giấy. Phần mềm “Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân” chuyển giao từ Bộ Y tế. Trong đó, đã khởi tạo hơn 2 triệu hồ sơ hành chính cho người dân (chiếm khoảng 86% dân số). Hiện tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh của người dân và hồ sơ sức khỏe điện tử và tuyến y tế cơ sở đang xây dựng kế hoạch cập nhật các dữ liệu về tiền sử bệnh, tình trạng tiêm chủng… để hoàn thiện hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh (hiện khoảng 50% hồ sơ điện tử đã được cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh).
Các đơn vị công lập và ngoài công lập đều thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện việc giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; các phần mềm quản lý khám chữa bệnh góp phần phục vụ hoạt động khám chữa bệnh như quản lý bệnh nhân, quản lý thuốc, viện phí, thanh quyết toán bảo hiểm y tế… Bên cạnh đó, ngành y tế còn sử dụng nhiều phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành về tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, quản lý hành nghề đáp ứng một phần cơ bản các yêu cầu trong quản lý và điều hành. Phần mềm quản lý Dược đi vào hoạt động phục vụ công tác quản lý hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều phần mềm chưa liên thông, do vậy còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ báo cáo…
Đã tích hợp hệ thống điều hành cấp cứu thông minh dựa trên định vị GPS trong Hệ thống xử lý đường dây nóng 1022 của tỉnh. Việc tiếp nhận các ca gọi cấp cứu 115 bước đầu được phân vùng tự động, xử lý linh hoạt, nhanh chóng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong công tác cải cách hành chính, phục vụ quản lý điều hành, Sở Y tế tiếp tục áp dụng triển khai các phần mềm quản lý vản bản liên thông của Bộ Y tế và của tỉnh; cập nhật thông tin, hoạt động của ngành đến các đơn vị thông qua hệ thống website và email, thực hiện chữ ký điện tử trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục triển khai các dịch vụ hành chính công mức 3, mức 4 theo quy định.
Hiện tại, ngành Y tế đang phối hợp cùng với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống viễn thông phục vụ công tác khám, chẩn đoán bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến và hỗ trợ công tác quản lý điều hành của ngành y tế.
Tại phiên chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh về an sinh xã hội hồi tháng 5/2020, đại diện Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới ngành Y tế tiếp tục từng bước triển khai và hoàn thiện các chương trình, nội dung về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế; làm cơ sở, nên tảng để triển khai y tế điện tử, y tế thông minh, nhằm phục vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân, trong đó chú trọng:
- Tiếp tục hoàn thiện về hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực đáp ứng triển khai Y tế thông minh; trước mắt ưu tiên các dịch vụ tiện ích cho người dân như thanh toán điện tử, đăng ký khám chữa bệnh từ xa…
- Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, khám chữa bệnh thông minh: tiếp tục hoàn thiện hồ sơ sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh tin học hóa hoạt động ở tuyến cơ sở; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế; tiếp cận, triển khai thực nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh: Hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng kết hợp chặt chẽ và thực hiện tức thời (real-time) cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử. Hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ phẫu thuật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các chuyên ngành sâu như chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thông minh trong phòng bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phòng chống HIV/AIDS...
Xây dựng hệ thống quản trị y tế thông minh trong quản lý, cơ sở dữ liệu...
Hy vọng trong thời gian tới, với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến và thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm được thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh sẽ góp phần giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện, giảm thiểu tối đa các lỗi bất cẩn của con người. Góp phần xây dựng hình ảnh mới của bệnh viện: văn minh, hiện đại, hết lòng vì bệnh nhân. Quản lý, khai thác thông tin bệnh viện nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện.
Ngọc Trang