Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành y tế
Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Với thời đại số, y tế là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất. Chuyển đổi số trong ngành y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
Vào ngày 29/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 54/2017/TT-BYT về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm 08 nhóm tiêu chí về: Hạ tầng, phần mềm quản lý điều hành, HIS, RIS-PACS, LIS, phi chức năng, bảo mật và an toàn thông tin, EMR (Hospital Information System (HIS): Hệ thống thông tin bệnh viện; Laboratory Information System (LIS): Hệ thống thông tin xét nghiệm; Radiology Information System (RIS): Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh; Picture Archiving and Communication System (PACS): Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh; Electronic Medical Record (EMR): Bệnh án điện tử; Clinical Data Repository (CDR): Kho dữ liệu lâm sàng; Clinical Decision Support System (CDSS): Hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng).
Trong thời gian qua, Ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng CNTT, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh biện; hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS); phát triển ứng dụng bệnh án điện tử; hệ thống khám và chữa bệnh từ xa; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot trong phẫu thuật, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư…
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ... sản sinh những công cụ sản xuất hội tụ giữa thế giới thực và thế giới số. Những thành phần điển hình của nền công nghiệp cách mạng lần thứ 4 bao gồm các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Thing) và công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt, thực tế ảo, in 3D.
Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế theo ba nhóm nội dung chính: (1) tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số; (2) tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi; (3) tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.
Ngày 22/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 5316/QĐ-BYT ban hành Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025, trong công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt 100% người dân được định danh y tế; 100% cán bộ y tế (Bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế) được định danh; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế. Trong khám chữa bệnh: 15% (khoảng 210) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT- BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
Đến năm 2030, 100 % dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng; 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại.
Duy trì phát triển xã hội số trong y tế theo các chỉ tiêu đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025. Duy trì các chỉ tiêu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; trong khám bệnh, chữa bệnh, 50% (khoảng 700) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT- BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
Ngành y tế đặt ra nhiệm vụ chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số y tế; phát triển dữ liệu số y tế; phát triển nền tảng số trong y tế; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực.
Với những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong thời gian qua, việc chuyển đổi số trong ngành y tế vẫn còn nhiều thách thức đó là tư duy thay đổi công nghệ, chấp nhận các giải pháp hiện tại; bảo mật và an ninh hệ thống thông tin; quyền riêng tư cá nhân của bệnh nhân và các vấn đề về y đức. Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành y tế cũng có nhiều cơ hội như số hóa ngành y tế là chủ trương từ chính phủ; cơ hội cho nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực công nghệ trong y tế (phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); phần mềm bệnh án điện tử (ẺM); phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã (HCIS); giải pháp chuyển đổi số cho cơ quan, đơn vị y tế; ứng dụng tìm bác sĩ, đặt lịch khám và thanh toán tiền viện phí trực tuyến…); cơ hội hợp tác giữa các đươn vị: Trường đại học – bệnh biện - công ty…
Để chuyển đổi số ngành y tế được nhanh và hiệu quả, cần có các giải pháp cho các tổ chức có mối quan hệ liên quan: Ngành y tế: cung cấp những vấn đề thực tế, cung cấp những dữ liệu y khoa và nhận các ý kiến phản hồi từ bệnh nhân; Các công ty: ứng dụng AI để giải quyết vấn đề cho ngành y tế, cung cấp các giải pháp công nghệ và hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu; đối với Trường đại học: Phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu, cung cấp nguồn nhân lực tiềm năng và thực hiện nghiên cứu theo đơn đặt hàng; Với cơ quan nhà nước, sẽ là nơi cung cấp chuyên gia, phát triển nhân lực công nghệ cao và chính sách hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi số ngành y tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuyết Mai