Ứng dụng công nghệ tưới khoa học cho phát triển cây trồng trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn
Những năm gần đây, diễn biến xâm nhập mặn ở đồng bằng sông cửu long phức tạp, bất thường, năm sớm, năm muộn so với cùng kỳ nhiều năm. Tại một số tỉnh ven biển đồng bằng sông cửu long, nước biển xâm nhập sâu vào các sông rạch khiến các dòng sông bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại đồng bằng sông cửu long được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua và dự báo còn diễn biến xấu hơn trong những năm tiếp theo.
Tình trạng nhiễm mặn trong nước làm tăng áp suất thẩm thấu của môi trường nước quanh rễ làm rễ không hấp thụ được nước. Chỉ trong khoảng 1 giờ sau khi bị nhiễm mặn cây trồng sẽ có triệu chứng thiếu nước. Khi thiếu nước, lá non của lúa cuộn tròn, lá già mo lại. Ở cây ăn trái, thiếu nước làm lá bị mềm và hơi rủ xuống, thiếu nước làm cho tiến trình biến dưỡng trong cây bị rối loạn. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ tưới khoa học, tưới nhỏ giọt cho phát triển cây trồng trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn là một trong những giải pháp khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay.
Tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước đến mức tối đa, giảm đến mức tối thiểu các mức tổn thất lượng nước tưới do bốc hơi, thấm… rất phù hợp cho các vùng có nguồn nước hạn chế. Cung cấp ượng nước cần thiết nhưng tránh được hiện tượng tập trung muối trong nước tưới và trong đất, khắc phục hiện tượng bạc màu, rửa trôi đất trên đồng ruộng. Cung cấp nước thường xuyên, duy trì độ ẩm thích hợp theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Nhờ đó, cây sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, đạt năng suất cao. Vùng rễ của cấy luôn được thoáng khí, tơi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ. Đảm bảo năng suất tưới, năng suất lao động được nâng cao không ngừng vì có khả năng cơ khí hóa, tự động hóa nông nghiệp ở khâu tưới. Góp phần ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh vì lượng nước chỉ cung cấp làm ẩm gốc cây.
Tưới nhỏ giọt không gây ra hiện tượng xói mòn đất, không tạo nên váng đất đọng trên bề mặt và không phá vỡ cấu trúc đất. Tưới nhỏ giọt phụ thuộc rất ít vào các yếu tố thiên nhiên như độ đốc của địa hình, thành phần và cấu trúc đất tưới, mực nước ngầm nông hay sâu, ảnh hưởng của sức gió....
Lợi ích của tưới nhỏ giọt áp dụng ở vùng khô: Giảm sự phát triển của cỏ dại, tiết kiệm nhân công và chi phí diệt cỏ dại.Tạo điều kiện cho nhân công và máy móc cơ giới di chuyển dễ dàng. Ngăn chặn sự xói mòn của đất giữa các cây trồng.
Lợi ích của tưới nhỏ giọt áp dụng ở vùng ướt: Duy trì độ ẩm liên tục dọc theo rễ cây, cho phép duy trì không khí trong vùng ướt. Tập trung bộ rễ trong vùng ướt, phát triển khối lượng rễ tích cực. Ngăn chặn sự phát triển độ mặn của đất trong vùng ướt.
Trong vùng đất ẩm cục bộ tạo ra bởi dây nhỏ giọt, bộ rễ tích cực của cây sẽ phát triển với khối lượng tập trung dày đặc nhờ ẩm độ đất duy trì ổn định, đất xốp nhiều oxy, dinh dưỡng đưa qua nước tưới thường xuyên. Qua đó giúp cây trồng hút nước và hấp thu phân bón hàng ngày như tiêm thuốc bổ vào tĩnh mạch.
Hệ thống tưới nhỏ giọt có khả năng ứng dụng cho vùng đất nhiễm mặn và nước bị xâm nhập mặn: Bộ rễ phát triển tập trung giúp cho thể tích (khối lượng) đất cần xử lý nhỏ, việc đảm bảo duy trì ẩm độ phù hợp và kiểm soát độ mặn của đất được thực hiện dễ dàng. Hệ thống tưới có công suất nhỏ và có thể vận hành tưới toàn bộ vườn trong một thời điểm, giúp cho chúng ta có thể chờ lúc nước lớn, độ mặn trong nước không đáng kể để bơm tưới cho cây, và tưới với một lượng nhỏ nhưng duy trì tưới hàng ngày. Sử dụng các phân bón có tính acid qua hệ thống tưới để kiểm soát pH đất. Sử dụng các phân bón hữu cơ chuyên dụng qua hệ thống tưới để tăng sức khỏe bộ rễ giúp chống chọi tốt hơn với đất nhiễm mặn. Lên líp để tạo điều kiện tốt cho rửa mặn tự nhiên trong mùa mưa.
Trần Phước (Tổng hợp từ Internet)