Ứng dụng di truyền phân tử trong chọn giống gia súc
Kỹ thuật di truyền phân tử cho phép so sánh sự đa dạng di truyền giữa các giống nhằm nâng cao hiệu quả lựa chọn giống vật nuôi so với các kỹ thuật truyền thống.
Ở nước ta, các nhà khoa học đã sử dụng nhiều biện pháp như thay đổi điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, năng cao chất lượng thức ăn cũng như các chương trình lai tạo và chọn giống dựa trên các đặc điểm về ngoại hình và các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa. Các biện pháp này cũng đạt được nhiều kết quả nhưng còn nhiều biến động do tốn kém thời gian, độ chính xác không cao, khó kiểm soát các đặc điểm ngoại hình. Chọn lọc di truyền là phương pháp hiệu quả và chính xác để cải thiện nguồn giống vật nuôi nhằm nâng cao năng suất sản xuất.
Duy trì sự đa dạng di truyền là một yêu cầu quan trọng trong chiến lược chăn nuôi tương lai vì vật nuôi phải phù hợp với hệ thống chăn nuôi và thích ứng được với thay đổi của môi trường. Đặc tính di truyền phân tử của các quần thể chăn nuôi đã trở thành một lĩnh vực hoạt động nghiên cứu để cho biết tổ tiên của các loài hoang dã và nơi đã diễn ra sự thuần hóa đầu tiên của loài? Thời gian, đặc điểm giống cha mẹ và đa dạng nhiễm sắc thể thể hiện được điều gì về lịch sử tiến hóa và số lượng bầy đàn trong chăn nuôi? Gen nào có liên quan đến kiểu hình? Quản lý sự đa dạng di truyền của giống vật nuôi như thế nào?...
Trên thế giới, xu hướng ứng dụng di truyền phân tử trong chọn giống vật nuôi được nghiên cứu và ứng dụng từ cuối thập niên 80. Ở Việt Nam, áp dụng kỹ thuật di truyền chủ yếu trên heo và bò trong khoảng 40 năm qua. Trong công tác chọn giống bò, các nhà nghiên cứu chủ yếu chọn lọc qua kiểu hình dựa trên các tính trạng như tăng trọng, tỷ lệ xẻ thịt hay năng suất, chất lượng sữa và một tính trạng sinh sản. Trong công tác chọn giống heo, việc ứng dụng di truyền phân tử trong chọn giống mới đang được thử nghiệm và chưa thực sự triển khai như các công ty sản xuất giống nước ngoài.
Đã có một số đề tài nghiên cứu về di truyền phân tử trong chọn giống gia súc cũng đã được tiến hành trong những năm gần đây ở nước ta như: Phân tích đa hình ADN trong một số ứng gen kháng bệnh ở lợn nuôi nội Việt Nam và phát triển chỉ thị di truyền phân tử hỗ trợ chọn giống lợn kháng bệnh - PGS.TS Nguyễn Văn Cường thuộc Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật di truyền trong chọn giống, tạo giống vật nuôi năng suất cao - PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Viện Chăn Nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thái Tân