Vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (Chiến lược); ngày 31/10/2019, Bộ KH&CN đã có công văn số 3490/BKHCN-SHTT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược; ngày 03/3/2020 Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 508/BKHCN-SHTT ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch được xây dựng dựa trên việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ KH&CN tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg.
Từ những văn bản trên, các địa phương đã tiến hành xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược của địa phương. Cách thức triển khai Chiến lược ở các địa phương không bắt buộc theo một khuôn mẫu chung và do các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng tùy theo tình hình hoạt động và định hướng, kế hoạch phát triển của mình, để khai Chiến lược được thuận lợi, tại Hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN năm 2020, Cục SHTT cho rằng, các Sở KH&CN cần quan tâm đến một số vấn đề sau khi tổ chức triển khai:
Ở địa phương, Sở KH&CN là đầu mối triển khai Chiến lược theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần xác định rõ SHTT không chỉ là vấn đề của ngành KH&CN mà có sự gắn kết mật thiết với các ngành, lĩnh vực khác. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Chiến lược thông qua nhiệm vụ “Lồng ghép chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực” và một loạt các nhiệm vụ khác. Do vậy, Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các Sở ban ngành khác trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược chung của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Khoản 8 Điều 2 Quyết định số 1068/QĐ-TTg có nêu: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Do vậy, một số địa phương băn khoăn khi Chiến lược SHTT đến năm 2030 được ban hành trước khi có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Về cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chiến lược đều đi theo xu thế phát triển chung của thế giới và phù hợp với định hướng chung của Việt Nam (như kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý tài sản trí tuệ; đẩy mạnh thực thi quyền SHTT…).
Riêng một số nội dung về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm/chủ lực… sẽ phụ thuộc vào định hướng, quy hoạch phát triển các ngành, địa phương nói riêng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Bên cạnh đó, một số ngành đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, ví dụ Chiến lược phát triển công nghiệp, Chiến lược phát triển du lịch…, đây cũng là cơ sở để các địa phương tham khảo khi xây dựng kế hoạch chi tiết.
Từ góc độ quản lý nhà nước của các Sở KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng có một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây cần được chú trọng đẩy mạnh: Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về SHTT theo hướng kiến tạo và hiệu quả; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về SHTT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số…; cung cấp dịch vụ thông tin SHTT cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các chương trình khoa học, công nghệ, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT, trong đó tăng cường sử dụng công cụ SHTT để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền SHTT; Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT…
Trong các nhiệm vụ nêu trên, có những nhiệm vụ sẽ do Sở KH&CN chủ trì thực hiện, nhưng cũng có những nhiệm vụ Sở KH&CN chỉ đóng vai trò phối hợp, ví dụ nhiệm vụ về tăng cường sử dụng công cụ SHTT để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh như phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển ngành du lịch với những địa phương có ngành du lịch phát triển; về phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao… Vì vậy, Sở KH&CN có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp chặt chẽ với các Sở ban ngành, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu (Viện, trường) thực hiện các hoạt dộng cụ thể để triển khai Chiến lược SHTT.
Ánh Nguyệt