Vai trò của tổ chức Đoàn - Hội trong việc nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học sinh viên tại trường Đại học Thủ Dầu Một
Ths. Lê Văn Hải - Trường Đại học Thủ Dầu Một
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, đào tạo theo học chế tín chỉ là phương thức đào tạo tiên tiến trên thế giới. Chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ là bước chuyển tất yếu, khách quan của hệ thống giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 17/VBHN-BGDĐT về việc ban hành “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”. Bản chất của phương pháp đào tạo này là phát huy tính tích cực chủ động của sinh viên (SV) trong đó hoạt động học tập nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả học tập của SV. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, các trường đại học hiện nay cần chú trọng hơn nữa vào hoạt động học tập NCKH của SV. Vì vậy, tạo môi trường học tập và nghiên cứu cho SV là vấn đề mà các trường đại học cần quan tâm.
Trong thời gian qua, Đoàn thanh niên - Hội SV trường Đại học Thủ Dầu Một luôn quan tâm nghiên cứu, tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động tạo môi trường để SV NCKH, phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong SV như hình thành kỹ năng học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thực hành xã hội, năng lực ngoại ngữ, việc làm cho SV... để có thể thích ứng với sự chuyển động nhanh của xã hội.
2. Sinh viên với hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học
Hoạt động NCKH của SV trong các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ Thông tư này, các trường đại học, cao đẳng đã cụ thể hóa thành các quy định, quy chế của trường để triển khai thực hiện. Mục tiêu hoạt động NCKH của SV là nhằm: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng NCKH độc lập của SV, hình thành năng lực tự học cho SV; góp phần tạo ra tri thức, sản phẩm mới cho xã hội [1].
Nội dung hoạt động NCKH của SV khá đa dạng, bao gồm: Thực hiện đề tài NCKH thuộc lĩnh vực được đào tạo và các lĩnh vực khác phù hợp với khả năng của SV; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, sinh hoạt học thuật, hội thi sáng tạo khoa học công nghệ, câu lạc bộ khoa học SV, các giải thưởng khoa học và công nghệ ở trong, ngoài nước và các hình thức hoạt động khoa học và công nghệ khác của SV; tham gia triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng; công bố các kết quả NCKH của SV.
Hiện nay, hoạt động NCKH của SV được các trường đại học, cao đẳng chú trọng và đẩy mạnh bởi đây là một trong những hoạt động nhằm gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và NCKH, đặc biệt là đối với các trường đại học theo định hướng nghiên cứu; nhận thức của SV về hoạt động NCKH đã có sự chuyển biến tích cực do hoạt động này đã phần nào phù hợp và đáp ứng được nguyện vọng của SV.
3. Một số điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một
Qua gần 10 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã định hình là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển theo định hướng ứng dụng. Với chiến lược xây dựng Trường thành trung tâm nghiên cứu, tư vấn có uy tín, nhà trường đang đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Trường đang triển khai 03 đề án nghiên cứu trọng điểm là Đề án nghiên cứu về Đông Nam Bộ, Đề án nghiên cứu Nông nghiệp chất lượng cao, Đề án nghiên cứu Thành phố thông mình Bình Dương. Các đề án, công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng, giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hoạt động NCKH trong SV của Trường được định hướng và đẩy mạnh từ năm học 2012 - 2013. Theo đó, Thể lệ Cuộc thi SV NCKH và Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một”, kế hoạch triển khai Cuộc thi và xét Giải thưởng hàng năm, kế hoạch tổ chức Ngày hội Khoa học SV hàng năm,… đã được Trường ban hành. Đây là các cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực hiện hoạt động NCKH của SV toàn Trường. Đến nay, đã có gần 1.000 ý tưởng nghiên cứu của SV được đề xuất. Qua xét duyệt, thẩm định của các khoa, Trường đã giao 785 đề tài cho SV thực hiện. Trong đó, có 565 đề tài đã được nghiệm thu hoàn thành [2].
Hầu hết các ý tưởng, đề tài NCKH của SV đều xuất phát từ việc giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực được đào tạo hoặc vấn đề thực tế trong cuộc sống, phù hợp với khả năng của SV. Do đó, đây là cơ sở giúp cho SV theo đuổi và hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình.
Trong quá trình nghiên cứu, SV được Nhà trường hỗ trợ kinh phí thực hiện từ 2 - 4 triệu đồng/ đề tài (giải ngân đợt 1: sau khi có quyết định giao đề tài; đợt 2: sau khi đề tài được nghiệm thu, hoàn thành). Đặc biệt đối với những đề tài có giá trị khoa học, ứng dụng cao, Trường có thể xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện cao hơn định mức quy định (tối đa 15 triệu đồng/ đề tài, quy trình thực hiện tương tự như đề tài cấp Trường của CB, GV).
Bên cạnh đó, các khoa, đơn vị liên quan cũng đã tích cực hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn những kỹ năng thiết yếu trong NCKH cho SV. Cụ thể: Phòng Khoa học đã phối hợp với các khoa tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề như: “Ý tưởng và phương pháp NCKH”, “Kỹ năng xử lý và phân tích số liệu” và “Kỹ năng viết đề tài, trình bày và bảo vệ đề tài”; Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường tổ chức Hội nghị hướng dẫn SV NCKH; Khoa CTXH tổ chức Chương trình “Tăng cường năng lực NCKH cho SV”; Khoa Kinh tế tổ chức tập huấn chuyên đề “Thu thập và xử lý số liệu nghiên cứu khoa học”, “Ứng dụng phần mềm SPSS và Eview trong phân tích và xử lý số liệu kinh tế”; Các khoa: Khoa học Quản lý, Ngoại ngữ, Hành chính - Luật, Sử,… cũng chủ động tổ chức các buổi tập huấn, seminar học thuật phù hợp nhằm hỗ trợ cho SV trong quá trình nghiên cứu [2].
Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018, SV trường cũng đã thực hiện 1.600 đề tài khóa luận, đồ án tốt nghiệp. Từ năm 2017, các khóa luận, đồ án tốt nghiệp được hội đồng đánh giá, xếp loại xuất sắc cũng được Trường xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện như đối với đề tài NCKH của SV [2].
Trên cơ sở kết quả Cuộc thi SV NCKH, Nhà trường đã tổ chức xét tặng Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một” hàng năm nhằm ghi nhận và vinh danh các công trình nghiên cứu có chất lượng của SV. Đến nay, Trường đã xét tặng 10 Giải Nhất, 24 Giải Nhì, 67 Giải Ba và 49 Giải Khuyến khích cho SV.
Bên cạnh đó, SV Trường đã tích cực tham gia hội thảo khoa học các cấp do khoa, Trường tổ chức, đặc biệt là Ngày hội khoa học SV hàng năm nhằm tiếp cận với những kết quả NCKH mới, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm với các chuyên gia, người nghiên cứu. SV Trường cũng đã tham gia một số hội nghị, hội thảo khoa học ở ngoài Trường như: Hội nghị SV NCKH toàn quốc lần thứ IV - năm 2016 các trường đại học khối ngành Kinh tế tại Đà Nẵng (02 đề tài), Hội thảo khoa học “NCKH của SV và CB trẻ các trường đại học sư phạm toàn quốc” năm 2016 tại Tp. HCM (06 đề tài), Hội thảo “Công tác xã hội với các vấn đề xã hội của thanh thiếu niên” do Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức, Hội thảo “Công tác giáo dục trẻ em đặc biệt” do Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức,…[2]
Ngoài ra, SV Trường cũng đã tham gia các kỳ thi học thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh và đạt nhiều giải thưởng như: Olympic Toán sinh viên toàn quốc (đạt 04 Giải Nhất, 02 Giải Nhì, 06 Giải Ba, 04 Giải Khuyến khích); Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc (đạt 03 Giải Nhì, 10 Giải Ba, 06 Giải Khuyến khích cá nhân, 01 Giải Nhì tập thể); Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc (đạt 07 Giải Ba, 08 Giải Khuyến khích); Olympic Tin học sinh viên Việt Nam (đạt 03 Giải Khuyến khích); Olympic các môn Khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh cấp tỉnh Bình Dương (đạt 01 Giải Nhì và 01 Giải Ba tập thể, 02 Giải Nhất cá nhân);…
Bên cạnh việc trình bày các kết quả nghiên cứu của SV dưới dạng các báo cáo khoa học để đăng trong Kỷ yếu SV NCKH hàng năm, SV Trường cũng đã bước đầu làm quen với việc công bố khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học hoặc trên các tạp chí khoa học. Có 253 báo cáo đã được đăng trong Kỷ yếu Ngày hội Khoa học sinh viên, 01 báo cáo hội thảo cấp khoa, 02 báo cáo hội thảo cấp Trường, 01 báo cáo hội thảo cấp Quốc gia, 01 báo cáo hội thảo Quốc tế; có 10 bài báo của SV được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước.
Nhìn chung, qua 06 năm triển khai, hoạt động NCKH của SV Trường Đại học Thủ Dầu Một có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Tỷ lệ SV Trường tham gia các hoạt động NCKH tăng hàng năm, từ 4,62% năm học 2012 - 2013 lên 9,01% năm học 2013 - 2014, 11,58% năm học 2014 - 2015 và năm học 2017 - 2018 ước đạt khoảng 37%. Sở dĩ, năm học này, tỷ lệ SV tham gia khá cao so với các năm trước là do số SV đăng ký thực hiện đề tài NCKH, đề tài khóa luận tốt nghiệp cũng như tham gia hội thảo khoa học các cấp và các cuộc thi mang tính học thuật tăng cao so với những năm học trước.
4. Vai trò của Đoàn - Hội trong việc tạo môi trường để sinh viên nghiên cứu khoa học
Trong xu thế của giáo dục hiện đại luôn luôn đề cao việc SV tích cực chủ động, tự giác trong học tập, trong tư duy sáng tạo, trao dồi năng lực tự học. Vì vậy, để có động lực học tập tốt, SV cần xác định rõ mục tiêu học tập, nhận thức rõ từng yếu tố tác động tới việc học của bản thân, phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện của gia đình, đáp ứng yêu cầu xã hội. Có khát vọng, sống có trách nhiệm, luôn sáng tạo để thực hiện những ước mơ, hoài bão, những mục tiêu đề ra. Như vậy, đối với hoạt động học tập và NCKH của SV thì vai trò của của tổ chức Đoàn - Hội là hết sức quan trọng. Với ý nghĩa đó, Đoàn thanh niên - Hội SV tại trường Đại học Thủ Dầu Một xác định cần phải thực hiện một số nội dung để góp phần nâng cao chất lượng học tập, NCKH trong SV, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
4.1. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong học tập, nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Ngay từ đầu năm học, thông qua tuần “Sinh hoạt công dân SV đầu khóa”, các tân SV được chia sẻ các kỹ năng cần thiết trong học tập như phương pháp tự học, tìm kiếm thông tin trên mạng internet, tra cứu tài liệu thư viện, phân tích sự khác biệt giữa học phổ thông với học đại học....
Thông qua các câu lạc bộ chuyên môn, học thuật có cố vấn nội dung là cán bộ giảng viên nên nội dung và hình thức sinh hoạt luôn phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế.... Các cuộc thi khai thác chuyên môn, học thuật ngày càng được các cơ sở Đoàn - Hội các khoa quan tâm tổ chức. Đây vừa là sân chơi, vừa là môi trường để các bạn SV giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tích luỹ kiến thức, rèn luyện kỹ năng mềm cũng như các kỹ năng nghề nghiệp khác, phát triển năng lực bản thân
Bên cạnh đó, Chi đoàn cán bộ giảng viên đã gắn kết hoạt động của các cán bộ giảng viên trẻ với hoạt động của SV từ đó phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ trong công tác hỗ trợ SV học tập và nghiên cứu khoa học. Các buổi giới thiệu chuyên ngành, các hướng nghiên cứu, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đang triển khai, triển lãm các mô hình nghiên cứu, seminar các thông tin khoa học mới, các kỹ năng cần thiết trong NCKH, kỹ năng viết báo cáo, công bố kết quả nghiên cứu khoa học... được tổ chức thường niên theo các chuyên ngành chuyên môn khác nhau.
Công tác tuyên dương, nhân rộng điển hình cũng được các đơn vị chú trọng. Sinh viên có kết quả học tập, NCKH cũng như tham gia các phong trào thi đua tốt đều được Đoàn trường đề nghị lãnh đạo trường khen thưởng và từ đó nhân rộng thành các tấm gương điển hình tiên tiến. Đặc biệt, các năm qua Đoàn trường phối hợp phòng Khoa học công nghệ Trường tổ chức Ngày hội khoa học sinh viên và tặng Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một”. Năm học 2017 - 2018 đánh dấu lần thứ 6 Ngày hội được tổ chức. Số lượng và chất lượng đề tài năm sau luôn cao hơn năm trước, trở thành sân chơi khoa học thú vị và bổ ích dành cho tất cả SV, góp phần củng cố và hình thành đội ngũ nghiên cứu phục vụ cho các đề án nghiên cứu của Trường.
4.2. Định hướng sinh viên xây dựng kế hoạch học tập
Việc học tập, nghiên cứu của SV có đạt kết quả cao hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc lập kế hoạch và việc tự tổ chức học tập của mình. Vì vậy, Đoàn Thanh niên - Hội SV cần phải định hướng cho SV xây dựng kế hoạch học tập phù hợp và có tính khoa học. Mỗi SV dựa vào kế hoạch giảng dạy của trường để sắp xếp thời gian học tập và sinh hoạt phù hợp, xác định khối lượng công việc mà mình phải làm. Từ đó, dành một phần thời gian cho việc tự học, tự tìm tòi nâng cao trình độ và việc rèn luyện kĩ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội. Thông qua các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa, tổ chức các buổi báo cáo khoa học, chuyên đề do Đoàn tổ chức về vấn đề xây dựng kế hoạch giúp SV quan tâm và có thể định hướng trong việc xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình. Trong việc xây dựng kế hoạch học tập, SV cần chú ý việc tự việc rèn luyện các kĩ năng mềm, ngoại ngữ và tin học để khi ra trường tự tin trong việc hội nhập.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn - Hội cũng cần phải chú trọng đến vai trò của mình là phải làm sao cho SV nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của việc lập kế hoạch học tập một cách khoa học và kiên trì thực hiện theo lộ trình đã xây dựng. Qua đó, giúp SV nâng cao hiệu quả của việu tự học, chủ động sáng tạo trong học tập và rèn luyện.
4.3. Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Đoàn thanh niên, Hội SV trường thường xuyên phối hợp với Trung tâm thị trường lao động và khởi nghiệp đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong SV. Qua đó, SV được trang bị các công cụ và kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, SV cũng được hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp và trải nghiệm qua các cuộc thi về Ý tưởng khởi nghiệp, đạt kết quả tốt trong các cuộc thi như: Khởi nghiệp Quốc gia Khu vực phía Nam, Khởi nghiệp Quốc gia, giải nhất, giải nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên của Tỉnh Đoàn Bình Dương, giải khuyến khích cuộc thi IoT Startup năm 2018 do Ban Quản lý Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh tổ chức [3].
Hiện nay, Đoàn thanh niên - Hội SV xây dựng kế hoạch cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho SV trường nhằm khơi dậy niềm đam mê kinh doanh, khuyến khích hình thành ý tưởng kinh doanh trong SV toàn trường cũng như tạo sân chơi lành mạnh, cơ hội để SV giao lưu nhằm mở rộng kiến thức khởi nghiệp, các mối quan hệ và kỹ năng cần thiết trong tương lại. Phối hợp với Trung tâm Thị trường Lao động và Khởi nghiệp thực hiện các hoạt động của dự án “Tăng cường năng lực hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và phát triển kỹ năng khởi nghiệp” (V2Work/“Strengthening the Vietnamese Higher Education System to improve graduates’ employability and entrepreneurship skills”) do Quỹ Liên minh Châu Âu tài trợ. Dự án triển khai bời Trường Đại học Alicante - Tây Ban Nha với 11 trường đại học tham gia, bao gồm 3 trường Đại học Quốc tế: Đại học Alicante - Tây Ban Nha (UA), Đại học Coimbra - Bồ Đào Nha (UC), Đại học Sheffield - Vương quốc Anh, tại Việt Nam có 8 trường đại học tham gia: Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM (USSH), Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Đại học Đà Nẵng (UD), Đại học Nha Trang (NTU), Đại học Thủ Dầu Một (TDMU), Đại học Tây Nguyên (TNU), Đại học Trà Vinh (TVU), Đại học Công nghiệp Vinh (IUV) và các tổ chức: Bộ GD&ĐT (MOET), AIESEC, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) [3].
4.4. Hướng nghiệp sinh viên
Bên cạnh việc định hướng SV xây dựng kế hoạch học tập thì tổ chức Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên còn phải giữ vai trò hướng nghiệp cho SV, định hướng cho SV xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình. Thực tế chỉ ra rằng đa số SV chưa chuẩn bị tâm lý cho việc học tập, chưa an tâm với ngành nghề mình đang theo học. Vì vậy thường không có sự chuẩn bị cho việc tiếp cận công việc sau khi ra trường dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng. Do đó, vai trò của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên là định hướng cho SV nắm bắt và hiểu rõ các điểm mạnh, điểm yếu của mình trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Sau khi các bạn học xong chương trình cơ bản, tổ chức Đoàn - Hội là phải tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với SV về mục tiêu đào tạo các chuyên ngành và nhu cầu của xã hội về chuyên ngành để có thể giúp các bạn định nhướng đúng hơn. Đồng thời làm cầu nối giữa SV với xã hội, nhất là với các doanh nghiệp, giới thiệu những ngành nghề, nhu cầu ngành nghề đến với sinh viên thông qua ngày hội việc làm, ngày gặp gỡ giữa SV và doanh nghiệp.
4.5. Tạo môi trường đổi mới phương pháp học tập cho sinh viên
Thành lập, duy trì và phát triển rộng rãi loại hình hoạt động Câu lạc bộ - Đội - Nhóm học thuật trong mỗi cấp bộ Đoàn. Mỗi Chi Đoàn đều phải thực hiện Công trình thanh niên Câu lạc bộ - Đội - Nhóm học thuật, hình thành nên những cách làm, mô hình học tập hiệu quả: Câu lạc bộ (CLB) Tiếng anh Cán bộ Đoàn, CLB Nhà sử học Trẻ, CLB Sách và hành động, CLB Nhà Lãnh đạo tương lai, CLB SV 5 tốt… Tuy nhiên cần phải chú trọng đến chất lượng hoạt động tránh chạy theo hình thức.
Để đáp ứng yêu cầu học tập, NCKH theo yêu cầu của giảng viên, ngoài giáo trình chính thức, SV còn phải đọc thêm nhiều tài liệu tham khảo để mở rộng kiến thức. Và khi đó, thư viện sẽ cung cấp những nguồn tài liệu cần thiết và không gian để tìm tài liệu khi cần thiết. Những chuyên đề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về học tập, NCKH của Đoàn luôn được đông đảo SV quan tâm. Từ đó tạo nên phong trào học tập, NCKH trong tổ chức Đoàn - Hội ngày càng có sự lan tỏa nhiều hơn.
5. Những định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một trong thời gian tới
5.1. Một số định hướng hoạt động NCKH của SV
Công tác NCKH của SV Trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ hướng vào các ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp.
Tập trung nghiên cứu các đề tài phù hợp với chuyên ngành SV theo học nhằm giải quyết các vấn đề gắn liền với thực tiễn của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, hoạt động khoa học của sinh viên sẽ được gắn kết với Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương thông qua các hoạt động chia sẻ những kết quả nghiên cứu về mô hình thành phố thông minh trên thới giới, giới thiệu những phương án, lộ trình cho việc xây dựng thành phố thông minh thích ứng với điều kiện Việt Nam nói chung và ở tỉnh Bình Dương nói riêng.
Tiếp tục khuyến khích SV công bố các kết quả NCKH trên các tạp chí khoa học. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
5.2. Một số nội dung hoạt động NCKH của SV
Tiếp tục tổ chức Cuộc thi SV NCKH, xét tặng Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Đại học thủ Dầu Một” và tổ chức Ngày hội Khoa học Sinh viên hàng năm.
Các khoa chủ động tổ chức các cuộc thi, sân chơi học thuật mang tính chuyên ngành, liên ngành cho SV của đơn vị hoặc toàn Trường tham gia.
SV chủ động đề xuất các ý tưởng nghiên cứu và nỗ lực hoàn công đề tài nghiên cứu; tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, sinh hoạt học thuật, hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ, câu lạc bộ khoa học,…; chủ động công bố các kết quả NCKH trên các tạp chí khoa học; tham gia triển khai các kết quả NCKH vào thực tiễn sản suất và đời sống.
6. Kết luận
Tinh thần dân tộc, lịch sử hào hùng, quật cường của cha ông luôn là một sức mạnh to lớn, tiềm tàng mà lớp trẻ cần phát huy. Vì vậy, vai trò quan trọng hàng đầu của tổ chức Đoàn - Hội cần phải thổi bùng ngọn lên ngọn lửa truyền thống, ngọn lửa tinh thần dân tộc trong SV Trường để SV lấy đó làm sức mạnh quyết tâm vươn lên trong học tập, NCKH. Đồng thời tổ chức Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên phải tạo điều kiện cho sinh viên tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể, tạo môi trường giúp SV hoàn thiện những kỹ năng sống để hoàn thiện mình và cảm nhận được những giá trị của việc học tập trong cuộc sống./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học, Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012, Hà Nội.
2. Trường Đại học Thủ Dầu Một (2019), Báo cáo Tổng kết 06 năm hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một từ 2012 đến 2018.
3. Trường Đại học Thủ Dầu Một (2019), Báo cáo Tổng kết một số hoạt động học tập và khởi nghiệp trong sinh viên năm học 2017-2018.
4. Các trang Web:
-http://ppe.htu.edu.vn/nghien-cuu/thuc-trang-ve-moi-truong-hoc-tap-va-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-sinh-vien-gan-voi-thu-vien-o-truong-dai-hoc-ha-tinh-nhung-giai-phap-de-nang-cao-chat-luong-hoc-tap-cua-sinh-vien.html.
- http://thanhdong.edu.vn/qa/2632/1364/thuc-trang-van-de-tu-hoc-cua-sinh-vien-theo-hoc-che-tin-chi-va-de-xuat-cac-giai-phap-cai-thien.aspx
http://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/tacgia-8451/baibao-14747.html