Vai trò quản lý của nhà nước tác động tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương và cá nhân tham gia thực hiện:
1. Tiến sĩ Trần Tiến Khoa
2. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Ân
3. Thạc sĩ Võ Kim Chung
4. Thạc sĩ Mai Thế Kiên
5. Thạc sĩ Phan Thụy Kiều
6. Cử nhân Nguyễn Đình Khôi
7. Cử nhân Bùi Thanh Thúy Vân
8. Cử nhân Đặng Hiền Xuân Nhi
9. Cử nhân Phan Hoàng Phương Uyên
10. Sinh viên Ngô Đăng Hoàn Thiện
11. Sinh viên Phạm Bích Uyên
d. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Sau khi tách tỉnh Sông Bé vào tháng 01/2007, tỉnh Bình Dương chỉ còn 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 4.033 ha, đến cuối năm 2015, bằng những chính sách mời gọi đầu tư, tỉnh Bình Dương đã phát triển và hình thành 28 KCN và 08 cụm công nghiệp tập trung với diện tích trên 10.000 ha. Chiếm 9,5% về số lượng và 11,3% về diện tích KCN cả nước. Theo số liệu lũy kế đến 31/12/2015, tính theo số liệu tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI thì Bình Dương đứng thứ IV trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Hà Nội) với số dự án đã được cấp phép là 2,731 tương ứng với tổng số vốn đầu tư là 24,02 tỷ USD (trích số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài). Riêng giai đoạn (2010 - 2015) tỉnh Bình Dương đã thu hút 9,2 tỷ USD, vượt 3,7 tỷ USD so với kế hoạch.
Có thể thấy, chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư của tỉnh đã và đang đạt được nhiều thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tỉnh về nhiều mặt như kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, để có thể duy trì và nâng cao khả năng thu hút FDI, vai trò quản lý và chính sách quản lý của các sở ngành tỉnh Bình Dương đóng vai trò then chốt. Một vai trò quản lý nhà nước mang tính hiệu quả cao có thể nâng cao những lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả các dự án đăng ký, góp phần tích cực các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại tỉnh và giảm thiểu những rủi ro liên quan đến những dự án đầu tư kém hiệu quả về mặt kinh tế xã hội cũng như gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, vai trò quản lý nhà nước của tỉnh Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều bất cập như: Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, pháp luật còn nhiều kẻ hở và chưa hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp FDI; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập huấn nghiệp vụ còn sơ sài, chưa có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt nội dung; các chính sách thực thi pháp luật thiếu sự thống nhất giữa các địa phương và sở ngành, chưa có nhiều hỗ trợ về mặt thông tin pháp luật cho các doanh nghiệp FDI; những quy định mới chưa quan tâm đến yếu tố thời gian để đảm bảo doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị thực thi đúng pháp luật; còn nhiều bất cập khác trong các quy định về văn bản, chứng từ, thủ tục liên quan đến xuất xứ hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, đủ điều kiện nhập khẩu và xác định giá đầu vào của hàng hóa… Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành đề xuất thực hiện đề tài “Vai trò quản lý của nhà nước tác động tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương” nhằm khắc phục những hạn chế trong các đề tài nghiên cứu trước đây, nghiên cứu và xem xét vai trò quản lý nhà nước một cách cụ thể, mang tính khoa học nhưng cũng gắn liền với thực tiễn.
Mục tiêu nhiệm vụ: Tập trung làm rõ vai trò quản lý nhà nước thông qua các công cụ, xác định mức độ ảnh hưởng của các công cụ, chính sách đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại tỉnh Bình Dương; kết quả nghiên cứu cung cấp một cái nhìn tổng quan về vấn đề hiện tại về mức độ ảnh hưởng của từng nhóm chính sách quản lý nhà nước, và việc chấp hành các quy định pháp luật đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI tại tỉnh Bình Dương, từ đó đề xuất các giải pháp giúp cho các cơ quan quản lý của tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng những đòi hỏi thiết thực của doanh nghiệp FDI nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.
Nội dung nghiên cứu được xây dựng trên nguyên tắc: Chọn lọc kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có qua công tác thu thập, xác định nội dung cần cập nhật, bổ sung bằng công tác điều tra, khảo sát và bằng tư liệu phỏng vấn điều tra, khảo sát doanh nghiệp; kiểm định mô hình nghiên cứu sử dụng các phương pháp định lượng trong nghiên cứu khóa học xã hội kinh tế như phân tích mô hình hồi quy, phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính; đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi, thích hợp với tình hình hiện tại của tỉnh Bình Dương.
Sau 15 tháng nghiên cứu, đề tài đã triển khai hoàn thành các nội dung nghiên cứu chính như sau:
- Nghiên cứu xác định tiêu chí, chọn lọc, kế thừa các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế theo mục tiêu khám phá vai trò của quản lý nhà nước và tác động của chúng lên hoạt động doanh nghiệp FDI;
- Đánh giá thông tin thu thập và cập nhật, bổ sung bằng công tác điều tra, khảo sát phỏng vấn các doanh nghiệp FDI;
- Xây dựng mô hình nghiên cứu thích hợp và thang đo cho các biến trong mô hình;
- Kiểm định mô hình nghiên cứu sử dụng các phương pháp định lượng trong nghiên cứu khoa học xã hội kinh tế như phân tích mô hình hồi quy, phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính trên cơ sở dữ liệu thu thập được trong cuộc khảo sát đại trà các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Bình Dương;
- Nhận xét và đánh giá kết quả nghiên cứu dựa trên những hiện trạng về quản lý nhà nước và đầu tư FDI tại Bình Dương;
- Đề xuất các chính sách cải thiện các vấn đề từ kết quả nghiên cứu.
Kết quả của đề tài là cơ sở cho tỉnh Bình Dương tham khảo thực hiện chiến lược từng bước hoàn thiện vai trò quản lý nhà nước theo hướng cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu và tạo niềm tin cậy cho nhà đầu tư, tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng nhất để Bình Dương vừa có cơ hội sàng lọc nhưng vẫn thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư FDI, đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
e. Thời gian thực hiện:
- Thời gian bắt đầu: Tháng 02/2015
- Thời gian kết thúc: Tháng 05/2016
f. Kinh phí thực hiện: 387.370.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)