Vấn đề thiếu hụt lao động tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách quan trọng về lao động việc làm tập trung theo hai hướng: thu hút lao động chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương nói chung và tại các cơ quan Nhà nước nói riêng; ký liên kết cung cấp lao động với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chủ thể sử dụng lao động cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tìm kiếm, tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu lao động.
a/ Tên nhiệm vụ: Vấn đề thiếu hụt lao động tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ KHCN
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: GS.TS Lê Ngọc Hùng
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, Bình Dương với cơ cấu kinh tế: công nghiệp – dịch vụ- nông nghiệp là điểm đến có sức hút lớn về việc làm đối với người lao động.
Nhìn tổng quan, có thể thấy rằng, các khu công nghiệp ở Bình Dương không hấp dẫn lao động trong tỉnh. Nền kinh tế Bình Dương phụ thuộc nhiều vào nguồn cung lao động ngoại tỉnh, đại đa số lao động công nghiệp tập trung ở ngành công nghiệp chế biến. Trong khi đó, xu hướng phát triển chung của các doanh nghiệp hiện nay là đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh vốn; giảm quy mô bình quân về lao động. Thực tế này đặt ra vấn đề về sự thiếu hụt lao động đăc biệt là lao động có chất lượng cao trên địa bàn tỉnh ở các cấp độ: cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, các ngành kinh tế và cả tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách quan trọng về lao động việc làm tập trung theo hai hướng: thu hút lao động chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương nói chung và tại các cơ quan Nhà nước nói riêng; ký liên kết cung cấp lao động với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chủ thể sử dụng lao động cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tìm kiếm, tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu lao động. Mặc dù các biện pháp này đã phần nào giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động của tỉnh tuy nhiên định hướng thực tiễn để góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động luôn là vấn đề trọng điểm, cần được quan tâm và giải quyết.
II. Kết quả thực hiện
Tổng quan
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đi sâu tìm hiểu đánh giá thực trạng và nhu cầu thiếu hụt lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đánh giá cách giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động của tỉnh trong thời gian qua. Đề tài cũng làm rõ mặt mạnh, mặt yếu; cơ hội và thách thức đối với việc giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động của tỉnh. Trên cơ sở những điều đã trình bày, đề tài đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020. Phạm vi của đề tài chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến với ba nhóm ngành chính:
- Ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm, đồ uống.
- Ngành công nghiệp chế biến cao su, hóa chất và sản xuất kim loại.
- Ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Thực trạng vấn đề thiếu hụt lao động ở tỉnh Bình Dương
Vấn đề thiếu hụt lao động ở tỉnh Bình Dương thể hiện rõ qua nhu cầu tuyển dụng; cách tiếp cận, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng như qua số lượng, nhu cầu và hành vi tìm kiếm việc làm của người lao động.
Vấn đề thiếu hụt lao động diễn ra thường xuyên với mức độ và hình thức biểu hiện khác nhau, tùy thuộc thời gian, mùa vụ trong năm cũng như tùy vào từng doanh nghiệp, loại doanh nghiệp, loại ngành nghề. Nhìn chung các doanh nghiệp thiếu hụt lao động phổ thông nhiều hơn là thiếu hụt lao động tay nghề cao với quy mô, số lượng tăng dần theo các năm.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chủ yếu là do doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh và do một bộ phận lao động thay đổi việc làm, nghỉ việc để tìm việc khác. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng giữa cung và cầu lao động do không tương đồng về số lượng giữa hai bên cung, cầu; mong muốn, kỳ vọng của người lao động không phù hợp với người sử dụng lao động cũng là một nguyên nhân. Người lao động luôn mong muốn tìm được việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn tay nghề cao trong khi đó người sử dụng lao động lại có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông.
Đánh giá cách giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động ở tỉnh Bình Dương
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động và thường xuyên áp dụng các giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tuy nhiên không phải giải pháp nào cũng mang lại hiệu quả.
Các giải pháp đào tạo nguồn lao động được tiến hành thực hiện tuy nhiên không đạt hiệu quả như mong muốn.
Các giải pháp thu hút lao động phát huy hiệu quả trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng đến với doanh nghiệp một cách tự nhiên và lâu dài. Tuy nhiên cần cân đối giữa chính sách của doanh nghiệp với chính sách của địa phương, cần có sự đầu tư cụ thể và gắn liền với lợi ích của người lao động để đảm bảo hiệu quả bền vững.
Các doanh nghiệp đã đề ra và sử dụng giải pháp sử dụng, phát triển lao động theo hai hướng chính: cải tiến chế độ tiền lương và nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là giải pháp đúng đắn, mang lại hiệu quả thực tiễn cao.
Ngoài các biện pháp chính trên, đa phần các doanh nghiệp tập trung vào giải pháp tìm cách tuyển dụng và thu được những kết quả bước đầu. Hai giải pháp thực hiện biện pháp hợp đồng tuyển lao động với cơ sở đào tạo và hợp đồng tuyển dụng lao động với địa phương không đạt hiệu quả như mong muốn, cần được xem xét, cân nhắc kĩ trước khi thực hiện.
Từ thực tế này, thiết nghĩ cần phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của các giải pháp đã thực hiện; đồng thời cần tìm hiểu, tham khảo các giải pháp mới mang tính chiến lược.
Một số điểm mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức trong việc thực hiện một số giải pháp về thiếu hụt lao động
Điểm mạnh và hạn chế
Điểm mạnh:
- Xu hướng thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp.
- Tạo được môi trường thuận lợi, kết nối giữa nhà doanh nghiệp và người lao động thông qua các kênh việc làm đa dạng và chính thức.
- Sự quan tâm sâu sát của các cấp ngành tại địa phương, sự quản lý chặt chẽ của các cấp ngành lãnh đạo về tình hình lao động của địa phương.
- Bình Dương có những định hướng lâu dài về nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hoạt động động đẩy mạnh phát triển giáo dục.
Hạn chế: Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế.
Cơ hội và thách thức: Các yếu tố kinh tế và xã hội một mặt đem đến cơ hội, một mặt tạo ra thách thức đối với vấn đề lao động. Cần tính đến môi trường sản xuất phát từ địa phương cũng như xuất phát từ các nguồn khác ngoài địa phương, môi trường giáo dục nơi có các cơ sở đào tạo nghề đang hoạt động, cơ chế thị trường.
Dự báo nguồn lao động và đề xuất giải pháp trong giai đoạn 2011- 2020 của tỉnh Bình Dương
Trong thời gian từ nay tới năm 2020, nhu cầu lao động ở Bình Dương vẫn ở mức cao. Chính vì vậy cần có các giải pháp hợp lý, thiết thực để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.
Có nhiều giải pháp cần được thực hiện liên quan tới cả doanh nghiệp, người lao động, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các cơ quan chức năng có liên quan trong đó tập trung vào các điểm chính sau đây:
- Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh theo chiều sâu để giảm mức thiếu hụt lao động nói chung và giảm mức thiếu hụt lao động phổ thông.
- Về phía người lao động và các cơ sở đào tạo: tăng cường hoạt động đào tạo nghề nhất ;à đào tạo lao động có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn kĩ thuật, đáp ứng yêu cầu của doanh ngiệp sử dụng công nghệ cao.
Các giải pháp ngắn hạn trước mắt là:
- Đổi mới và nâng cao tiền lương, chế độ đãi ngộ.
- Người lao động cần tích cực, chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề.
- Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm.
III. Kết luận
Sau thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đã đưa ra những kết quả khả quan, đạt được mục tiên nghiên cứu đã đề ra. Đề tài đã tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân của vấn đề thiếu hụt lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đặc biệt là thiếu hụt lao động trong công nghiệp chế biến; hiệu quả của các giải pháp đã được thực hiện để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động ở tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đó, nhóm thực hiện đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho tới năm 2020. Đây là một đề tài có tính khoa học cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của tỉnh Bình Dương trong việc giải quyết vấn đề lao động, phát triển kinh tế.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 12/2011
- Thời gian kết thúc: 01/2013
Trúc Mai