Vận dụng những nghiên cứu về bản sắc văn hóa vùng đất Nam bộ của Sơn Nam trong xây dựng văn hóa và lối sống đô thị ở Bình Dương hiện nay
TS Nguyễn Hoàng Huế, Đại học Thủ Dầu Một
Nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày (1926 – 2008), sinh ra tại vùng U Minh Hạ thuộc huyện An Biên, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và sống, sáng tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là nhà văn có biệt tài viết về vùng đất, con người Nam Bộ. Sơn Nam có hơn 44 đầu sách, trong đó nhiều tập khảo cứu quý giá ở Nam Bộ như: Ðất Gia Ðịnh Xưa, Chuyện xưa tích cũ, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Nguyễn Trung Trực - người anh hùng dân chài; cùng hơn 400 truyện ngắn, hàng chục tiểu thuyết và truyện vừa, 20 biên khảo về Nam bộ, đất và người đã được in nhiều năm nay.
Bạn đọc ở miền nam quen gọi là ông nhà văn hóa, Nhà Nam bộ học, một cuốn từ điển sống về Nam Bộ đầy chân chất, hiền lành và tính cách khoa học như thuở đất trời Nam Bộ trong Hương rừng Cà Mau trước năm 1961. Ông là người nghiên cứu, khảo cứu có nhiều công trình văn hóa, địa chí về Nam bộ, để lại dấu ấn sâu nặng trong lòng công chúng [2, tr4].
Những nghiên cứu của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam về bản sắc văn hóa vùng đất Nam bộ không chỉ là những tác phẩm có giá trị văn chương và khảo cứu mà còn có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi khái quát những nội dung nổi bật về cảm quan văn hóa vùng đất Nam bộ trong sáng tác của Sơn Nam, từ đó liên hệ vận dụng, phát huy những giá trị đó trong quá trình xây dựng văn hoá và lối sống đô thị ở Bình Dương hiện nay.
1. Khái quát về cảm quan văn hóa vùng đất Nam Bộ trong sáng tác của Sơn Nam
Được mệnh danh là nhà văn của vùng đất Nam bộ, những tác phẩm của Sơn Nam luôn phản ánh đời sống chất phác về con người nơi đây. Nếp văn hóa thấm đẫm trong máu đã làm nên một nhà văn giản dị, dễ gần nhưng cương trực. Không dừng lại ở vốn kiến thức sẵn có, tích lũy qua sách vở, Sơn Nam còn tự tra cứu, tìm tư liệu và trải nghiệm thực tế qua những bước chân rong ruổi từ vùng quê Miệt Thứ của ông đến tận Sài Gòn đô thị và nhiều vùng đất khác.
Theo nghiên cứu của tác giả Lê Thị Ngân Trang trong công trình “Cảm quan văn hóa trong sáng tác của Sơn Nam” trên Tạp chí VHNT số 377, 11/2015, có thể nhận thấy một số nét đặc trưng văn hóa vùng đất và con người Nam Bộ trên những nội dung chủ yếu sau đây:
- Văn hóa ứng xử: Tác phẩm của Sơn Nam cung cấp cho người đọc những kiến thức về văn hóa ứng xử của người bình dân Nam bộ. Đó là cách cư xử giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. Văn hóa ứng xử thể hiện trong ngôn ngữ, giọng điệu, nét mặt, cử chỉ, hành động…
Tác phẩm của Sơn Nam cung cấp cho người đọc những kiến thức về văn hóa ứng xử của người bình dân Nam bộ. Đó là cách cư xử giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. Văn hóa ứng xử thể hiện trong ngôn ngữ, giọng điệu, nét mặt, cử chỉ, hành động… Trải qua một quá trình đấu tranh sinh tồn gian nan, bền bỉ, họ đã hình thành nên một mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Họ sống gần gũi với thiên nhiên và thuận theo lẽ tự nhiên để có cuộc sống bình yên, chan hòa tình cảm.
Trong văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên, cư dân Nam bộ là những người khẩn hoang phải tìm phương cách để thích ứng với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Đồng thời, người dân Nam Bộ tìm cách chinh phục thiên nhiên, buộc thiên nhiên phục vụ con người. Người dân Nam bộ sống nhờ vào thiên nhiên nên có mối quan hệ mật thiết với chim muông, cây cỏ, sông nước...
Trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người, cung cách của người Nam bộ có sự thống nhất trong đa đạng. Nét chung của họ là bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, kiệm lời, không hoa hòe, giả tạo, không quá quỵ lụy… Tính hiếu khách, phóng khoáng, rộng lượng là đặc trưng tính cách của người miền Nam. Khi có khách, họ sẵn sàng đón tiếp chu đáo.
- Văn hóa tín ngưỡng: Trong quá trình đi mở cõi, những người đến miền Nam đều mang theo tôn giáo, tín ngưỡng, lâu dần những tôn giáo, tín ngưỡng ấy được dung hòa trên vùng đất mới. Họ là những người ít học, đa số không thấm nhuần các triết lý tôn giáo, tin tất cả thần thánh. Họ dung nạp rất nhiều văn hóa tín ngưỡng của người Việt, người Hoa, người Khơme… Niềm tin của họ chất phác và hồn nhiên.
- Văn hóa nghệ thuật: Sống trên một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân Nam bộ không lo lắng nhiều về vấn đề cơm áo. Cái nghèo của họ là cái nghèo phong lưu, thời gian nhàn rỗi nhiều, ăn chơi thỏa sức. Một số vùng đất đai phì nhiêu, không cần bón phân, mãn mùa lúa, đến mùa dưa hấu trồng ngay trên ruộng. Một vốn bốn lời nên họ tha hồ ăn xài suốt tháng giêng cờ bạc, đờn ca vọng cổ lai rai đến lúc tháng ba sa mưa. Hát hò trở thành một hình thức vui chơi giải trí những lúc nhàn, cốt để khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Ở đây, có nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ, nhưng phổ biến nhất là ca vọng cổ, hát huê tình, hát bội, hát cải lương… [5].
Bên cạnh đó, qua những sáng tác của Sơn Nam, chúng ta cũng có những hiểu biết rất phong phú về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của vùng đất và con người Nam bộ. Văn hóa vật thể ở đây gồm: Văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông... Còn văn hóa phi vật thể là tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, nghệ thuật. Tất cả cho thấy nhà văn Sơn Nam tận lực trong việc ghi nhận và phổ biến nét đẹp trên nhiều phương diện của người miền Nam. Chúng không chỉ mang giá trị văn học mà còn mang giá trị văn hóa, với các phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói được phản ánh chân thực, độc đáo.
2. Những yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng văn hoá và lối sống đô thị ở bình dương hiện nay
Cùng với cả nước, Bình Dương đang bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế. Trước các tác động của tiến trình toàn cầu hoá, tốc độ đô thị hoá đang diễn ra khá nhanh, làm biến đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh, trong tiến trình đó, văn hoá và lối sống đô thị ở Bình Dương đang có những thay đổi theo hướng hiện đại.
Trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của tỉnh Bình Dương, việc xây dựng và phát huy văn hóa và lối sống đô thị trở thành một trong những nội dung cơ bản của sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đúng như Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Văn hóa đô thị có thể hiểu là tổng thể các giá trị vật chất, tinh thần và cả các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, làm sản sinh, truyền bá và thực hành các giá trị chân, thiện, mỹ, nhằm làm giàu tính người trong đời sống đô thị. Văn hóa đô thị là một thực thể tồn tại khách quan trong mối quan hệ với đời sống thành thị, nó bao hàm các yếu tố văn hóa tĩnh (sản phẩm văn hóa vật thể, các thiết chế văn hóa…) và các yếu tố văn hóa động (bao gồm cách thức sản xuất, hình thức sinh hoạt văn hóa của cư dân đô thị) như phong tục tập quán, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao,… Và thông qua các phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà chúng ta có thể xác định lối sống, nếp sống của các giai tầng cư dân đô thị.
Văn hoá đô thị chủ yếu là sự tập trung số đông dân cư phi nông nghiệp, quan hệ cư trú - ứng xử có kết cấu giản đơn hơn ở nông thôn: gia đình - đường phố - xã hội. Ở nông thôn quan hệ cư trú kết cấu phức tạp hơn, theo kiểu: gia đình - dòng họ - làng xóm, láng giềng - xã hội. Điều này có nghĩa: người dân ở thành thị khi bước chân ra khỏi nhà đã hoà mình với xã hội còn ở nông thôn để hoà mình vào xã hội mỗi cá nhân phải trải qua tuần tự các kết cấu ứng xử giao tiếp đặc trưng của nó. Ngoài quan hệ gia đình, dòng tộc, hàng xóm người dân ở đô thị còn có nhiều mối quan hệ khác như quan hệ đồng nghiệp, đồng hương, đối tác…Văn hoá ứng xử của người dân đô thị có phần thiên về quan hệ trên cơ sở luật pháp và thị trường nhiều hơn, mang đậm văn hóa, xã hội công dân hơn.
Tuy vậy, văn hóa đô thị có mối quan hệ mật thiết với văn hóa nông thôn, nó được hình thành trên cơ sở văn hóa nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển. Xét ở bình diện chung, nếu văn hóa nông thôn gắn liền với nông dân, nông nghiệp thì văn hóa đô thị gắn liền với công nghiệp, công nhân và đội ngũ trí thức. Bởi vậy, văn hóa nông thôn thường in đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc còn văn hóa đô thị lại in đậm yếu tố hiện đại của nền văn hóa dân tộc. Văn hóa đô thị có mối quan hệ hữu cơ với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội đô thị, nó bị tác động, chi phối, ảnh hưởng của kinh tế thành thị. Cho nên, tuỳ thuộc vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà các phương thức sinh hoạt văn hóa và sự biểu hiện của nó cũng có sự phát triển tương ứng.
Đặc trưng của văn hoá đô thị là sự tập trung dân cư phi nông nghiệp, hình thành những quần thể kiến trúc theo kiểu bàn cờ, với quan hệ cư trú - ứng xử kết cấu giản đơn hơn ở nông thôn rất nhiều đó là: Gia đình - đường phố - xã hội. Nhu cầu tiêu dùng của người đô thị thường cao hơn, đa dạng hơn và hướng tới sự khá giả. Vì vậy, dịch vụ công không thể thiếu đối với cư dân đô thị. Đây có thể được xem như là một nét văn hoá đô thị. Hơn nữa, người dân đô thị ngày càng chú trọng đến chất lượng các loại hình dịch vụ văn hoá, có nhiều điều kiện để chọn lựa cách thức hưởng thụ giá trị văn hoá khác nhau. Trong tổ chức đời sống văn hoá, cộng đồng cư dân đô thị đã cơ bản khắc phục được tác phong sản xuất nhỏ, trì trệ, luộm thuộm, manh mún; hình thành nên tác phong công nghiệp hiện đại; xây dựng được ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân và ý thức cá nhân.
Một trong những đặc trưng nổi bật nếu so sánh với văn hóa nông thôn, thì văn hóa đô thị là một thực thể văn hóa phức hợp có tính biến đổi cao, nhất là ở đô thị hiện đại.
Rõ ràng, việc xây dựng văn hoá đô thị sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển văn hoá xã hội đất nước nói chung và các đô thị nói riêng được bền vững.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống ở Bình Dương, đưa đến những biến đổi của các giá trị văn hoá truyền thống và hình thành một số giá trị văn hóa mới gắn liền với văn hóa và lối sống đô thị của con người nơi đây. Vấn đề đặt ra là phải bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống cũng như xây dựng văn hóa và lối sống đô thị phù hợp của con người Bình Dương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
3. Vận dụng những nghiên cứu về bản sắc văn hóa vùng đất Nam bộ của Sơn Nam trong xây dựng văn hoá và lối sống đô thị ở Bình Dương hiện nay
Trước những thách thức về kinh tế và văn hoá đối với những giá trị văn hoá truyền thống của người Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đồng thời xây dựng văn hóa và lối sống đô thị phù hợp, thiết nghĩ những giá trị văn hóa vùng đất Nam Bộ trong sáng tác của Sơn Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn để vận dụng và phát huy trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều đó, theo chúng tôi các cơ quan có thẩm quyền cần phải lưu tâm giải quyết cho được một số vấn đề cơ bản:
- Phải sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết về bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử và môi trường cảnh quan của các đô thị.
- Gắn việc tu bổ di tích với giải tỏa dân cư, chuyển đổi chức năng, điều chỉnh lại một số vùng dân cư chưa phù hợp nhằm khai thác tốt các dịch vụ phục vụ du lịch, hướng người dân đi vào các hoạt động sản xuất, các hoạt động dịch vụ du lịch có chất lượng cao, các trung tâm sản xuất và các trung tâm du lịch...
- Có chính sách định rõ những việc khuyến khích nên làm, những việc ngăn không cho làm, có những khuyến cáo để các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân hiểu rõ định hướng quy hoạch phát triển của các đô thị để bản thân những tổ chức và từng người dân tự giác thực hiện, xử lý ngay từ đầu đối với những trường hợp vi phạm.
- Việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể không phải chỉ dựa vào trí tuệ một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là công việc một sớm một chiều, mà phải có sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghê sĩ, các nhà quản lý và của tất cả mọi người.
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của con người Nam bộ nói chung và người Bình Dương nói riêng, đồng thời xây dựng được văn hoá và lối sống đô thị của người dân Bình Dương, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, các cấp chính quyền cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:
Một là: Quy hoạch bền vững nên được ưu tiên đi trước một bước để định hướng và đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng phát triển cũng như cải tạo chỉnh trang đô thị của Bình Dương. Quy hoạch bền vững phải là quy hoạch đúng mức bao gồm tiêu dùng đúng mức, sử dụng nguồn tài nguyên đúng mức, khai thác sử dụng cảnh quan thiên nhiên đi đôi với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, điều chỉnh quy mô dân số và mật độ dân số thích hợp.
Hai là: Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đến 2030 và các năm tiếp theo phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển đô thị phải coi trọng bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, các công trình kiến trúc và danh lam thắng cảnh, phát triển đô thị theo kiến trúc hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống.
Ba là: Nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong việc đề ra chiến lược xây dựng đời sống văn hoá đô thị. Phải tạo ra được các thiết chế văn hoá - thông tin của các cơ quan hà nước và xã hội trong một không gian văn hoá hợp lý. Tập trung đầu tư xây dựng hơn nữa để hoàn chỉnh các công trình văn hóa theo hướng hiện đại, có quy mô tương ứng với sự phát triển của xã hội và trở thành những điểm nhấn trong kiến trúc đô thị như: Các trung tâm Văn hóa, thông tin, triển lãm; Bảo tàng, thư viện, tượng đài, di tích; Trung tâm thể thao, nhà thi đấu; công viên, vườn hoa....
Bốn là: Tổ chức và quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, chú trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết với các tệ nạn xã hội và những hiện tượng tiêu cực, ngăn chặn và đẩy lùi các sản phẩm văn hoá độc hại nhất là các loại hình kinh doanh như văn hoá phẩm băng đĩa, Internet nhằm lành mạnh hoá môi trường văn hoá... Đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, kiên quyết phản bác các luận điệu sai trái phản cách mạng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Năm là: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động, để nâng cao nhận thức về thực hiện Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hoạt động văn hoá nhất là giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh đô thị, phát huy tính cần cù sáng tạo, tinh thần hiếu học, tinh thần thi đua yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm nâng cao nguồn lực lao động, với tác phong công nghiệp, có đầy đủ năng lực, trí tuệ để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương.
Tóm lại, dưới tác động của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đã dẫn đến sự biến đổi sâu sắc về đời sống, lối sống văn hóa của cư dân đô thị ở Bình Dương. Mặt khác, trong điều kiện hội nhập quốc tế, sự liên kết và hợp tác phát triển kinh tế của Bình Dương ngày càng được đẩy mạnh đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài, người lao động, học sinh, sinh viên đến sinh sống, học tập và làm việc đã tạo cho bức tranh văn hóa của Bình Dương trở nên sinh động và đa dạng.
Trong quá trình này, Bình Dương cũng phải “vươn vai” cùng với khu vực cũng như cả nước để tăng tốc phát triển. Phát triển gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát huy giá trị của một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ những yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển, việc chúng ta trân trọng và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống có một ý nghĩa hết sức quan trọng để Bình Dương, Nam bộ và cả nước “hội nhập” mà không “hòa tan”. Những nghiên cứu về bản sắc văn hóa vùng đất Nam Bộ trong đó có vùng đất và con người Bình Dương của Sơn Nam thật sự có ý nghĩa để chúng ta vận dụng và phát huy trong xây dựng văn hoá và lối sống đô thị hiện nay. Chính những di sản sáng tác, biên khảo biên soạn của nhà văn Sơn Nam là nguồn tư liệu quan trọng để chúng ta vận dụng vào quá trình xây dựng văn hoá và lối sống đô thị ở tỉnh Bình Dương cho phù hợp với xu thế phát triển, phát huy được những mặt mạnh và khắc phục những hạn chế để người dân Bình Dương nâng cao được đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội mà vẫn giữ được nét đẹp của “người Bình Dương”.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Vũ Dũng (1999), Nhận diện mấy vấn đề văn hoá, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
2. Phạm Hà (2011), Sơn Nam - Nhà Nam Bộ học, Báo Nhân dân, ngày 25/07.
3. Ngô Minh Sang. 2012. Biến đổi đời sống văn hoá Bình Dương từ góc nhìn đương đại, Thông tin sử học Bình Dương.
4. Võ Văn Thành (2013), Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam, Nxb Trẻ, Hà Nội.
5. Lê Thị Ngân Trang (2015), Cảm quan văn hóa trong sáng tác của Sơn Nam, Tạp chí VHNT số 377, tháng 11/2015.
6. Thanh Trung (2012), Những biến đổi của các giá trị văn hóa truyền thống dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Bình Dương – Thực trạng và giải pháp, Trang tin Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, ngày 26/06/2012.
7. Nguyễn Hữu Từ (2015), “Bình Dương vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa”, báo Bình Dương, số ra ngày 26/03/2015 và 28/03/2015.