Viện Phát triển Ứng dụng và hành trình đưa khoa học đến với cộng đồng
Lê Duy Khánh
Viện Phát triển Ứng dụng - Trường Đại học Thủ Dầu Một
Với thế mạnh về kỹ thuật và tối ưu hóa quy trình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo nói riêng và các loại nấm dược liệu nói chung, Viện Phát triển Ứng dụng đã cho ra đời Cao chiết nấm Đông trùng hạ thảo - Linh chi trở thành sản phẩm tiêu biểu của Trường Đại học Thủ Dầu Một
Đôi nét về lịch sử hình thành và phát triển
Việc tiếp cận yêu cầu về khoa học để tạo ra các sản phẩm nhằm kịp thời nâng cao sản xuất của doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng là rất cần thiết. Nhiều giá trị khoa học được tạo ra từ các Trường đại học và Viện nghiên cứu và để các giá trị này tiếp cận được với doanh nghiệp cần có sự kết nối chặt chẽ và mạnh mẽ theo mô hình 4 nhà: Nhà nước - Trường viện - Doanh nghiệp - Cộng đồng.
- Trường đại học nghiên cứu ở mức độ ứng dụng công nghiệp được
- Doanh nghiệp tìm được các đơn vị nghiên cứu có kinh nghiệm uy tín
- Các hợp đồng chuyển giao công nghệ hiệu quả và đúng giá trị
- Sự hợp tác bền vững Nhà trường-Doanh nghiệp trong Nghiên cứu sản phẩm, đào tạo nhân lực, kỹ năng thực hành tại nhà máy.
Nhằm mạnh mẽ đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thành lập Viện Phát triển Ứng dụng với chức năng và nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý tổ chức hoạt động phòng thí nghiệm, hoạt động giảng dạy các môn thực hành thực nghiệm, các khóa bổi dưỡng tập huấn các chuyên đề liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm;
- Thiết lập mở rộng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học và thực nghiệm với đối tác trong và ngoài nước;
- Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống đội ngũ nghiên cứu viên phục vụ nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ;
- Phối hợp với doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng từ các loại nấm dược liệu phục vụ cộng đồng.
Tiền thân của Viện Phát triển Ứng dụng là Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm được thành lập vào ngày 21/10/2016 theo quyết định số 1761/QĐ-ĐHTDM của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Đến ngày 04/12/2019, theo quyết định số 1873/QĐ-ĐHTDM của Lãnh đạo Trường Đại học Thủ Dầu Một về việc hợp nhất Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm và Viện Phát triển Khoa học Công nghệ thành Viện Phát triển Ứng dụng theo đó nâng tầm chức năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm, kết quả mang lại lơi ích và giá trị phục vụ cộng đồng.
Thông qua quyết định số 140/QĐ-HĐTr ngày 01/03/2021 của Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một sáp nhập Khoa Công nghệ Thực phẩm vào Viện Phát triển Ứng dụng. Theo đó, Viện
Phát triển Ứng dụng có chức năng đào tạo và nghiên cứu - ứng dụng - chuyển giao. TS. Nguyễn Thị Liên Thương giữ nhiệm vụ Giám đốc Viện.
Những thành tựu đạt được
Trong suốt thời gian hoạt động Viện Phát triển ứng dụng đã đạt được những thành tựu trong cả lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng:
- Hoạt động chuyển giao công nghệ:
Từ năm 2015, Viện Phát triển Ứng dụng đã bắt đầu ứng dụng những kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ sinh học tiêu biểu là kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng Hạ thảo theo hướng dược liệu được phát triển từ công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Liên Thương. Theo đó, các quy mô sản xuất lớn hơn được tiển khai tại trường Đại học Thủ Dầu Một và sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo Đại học Thủ Dầu Một đã trở thành sản phẩm tiêu biểu của trường.
Tại chương trình truyền thông - khảo sát sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao do Viện chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn tổ chức năm 2015, sản phẩm Đông trùng hạ thảo Đại học Thủ Dầu Một đã dành được chứng nhận huy chương vàng và danh hiệu sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao.
Với thế mạnh về kỹ thuật và tối ưu hóa quy trình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo nói riêng và các loại nấm dược liệu nói chung, chất lượng sản phẩm đã tạo nên ưu thế, vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, Viện Phát triển Ứng dụng đã bước thêm một bước tiến nữa trong lĩnh vực sản xuất thực nghiệm, bước đầu định hình các sản phẩm mang thương hiệu của nhà Trường. Các kỹ thuật, công nghệ chiết suất được nghiên cứu, tối ưu hóa nhằm chiết tách các hợp chất mang hoạt tính trong các loại nấm dược liệu từ đó sản phẩm Cao chiết nấm Đông trùng hạ thảo
- Linh chi được ra đời. Đây là một sản phẩm mang tính bước ngoặc, nó đã tạo nên một sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng, đặt nền móng cho sự hợp tác bền vững giữa Công ty cổ phần MHD INOCARE và trường Đại học Thủ Dầu Một.
Với thế mạnh nghiên cứu của đơn vị, Viện luôn luôn mong muốn tạo ra những giá trị mang lợi ích đến cộng đồng, sự đón nhận đối với các sản phẩm ứng dụng của cộng đồng luôn là sức mạnh để Viện tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tính đến thời điểm tháng 01/2021 Viện đã có 11 hợp đồng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quy trình công nghệ nuôi trồng và chế biến nấm dược liệu với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng.
- Hoạt động vì cộng đồng:
Là một đơn vị trực thuộc Nhà trường, Viện Phát triển Ứng dụng đã tích cực kết nối doanh nghiệp hợp tác với Trường, trong thời điểm đại dịch Sars - Covi xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay, Viện cũng đã theo sát, hỗ trợ hết mình chung tay cùng cộng đồng vượt qua khó khăn dịch bệnh. Theo đó các sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo được cũng được tặng đến tận tay các chiến sĩ và người cách ly tại trung tâm vùng dịch.
- Các doanh nghiệp lớn đang cộng tác:
Đến thời điểm hiện tại, Viện đã có trên 30 công trình nghiên cứu bao gồm các quy trình công nghệ và sản phẩm ứng dụng cụ thể hướng tới phục vụ cộng đồng, và trên 10 đối tác chiến lược là các doanh nghiệp hợp tác phát triển mạnh mẽ các sản phẩm ứng dụng như : Công ty cổ phần TAKAHIRO (Nhật Bản), Công ty cổ phần Đại Nam, Công ty cổ phần dược thảo VINA RESHI, Công ty cổ phần MHD INOCARE, Công ty TNHH công nghệ và kỹ thuật VŨ MÔN, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng THAMIFOOD, và một số cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn cả nước.
Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản:
Trong năm 2019 - 2020 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ của đơn vị, với sự sáp nhập của Viện khoa học công nghệ Trường Đại học Thủ Dầu Một, hoạt động nghiên cứu cơ bản diễn ra sôi nổi.
Trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ vật liệu nano, nhiều đề tài hợp tác nghiên cứu đã được xúc tiến mạnh mẽ, trong đó tiêu biểu là sự hợp tác giữa Viện Phát triển Ứng dụng và Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (INOMAR).
Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Trường Đại học Thủ Dầu Một, các nhóm nghiên cứu mạnh thuộc các chuyên ngành khác nhau trực thuộc Viện được thành lập với mục tiêu khai thác hiệu quả lực lượng nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu cơ bản hướng mô phỏng ngành vật lý, sinh học; nhóm nghiên cứu cơ bản hướng đánh giá hoạt tính kháng ung thư từ nấm dược liệu và các loại thực vật bản địa.
Kết quả tổng kết 2019 - 2020 Viện đã công bố 45 bài, 18 báo khoa học quốc tế ISI (4 bài tác giả chính), 03 bài scopus và 24 bài báo trên tạp chí và hội thảo khoa học trong nước.
Định hướng phát triển khoa học công nghệ
Hướng nghiên cứu cơ bản:
- Các nghiên cứu cơ bản hướng mô phỏng ngành vật lý, sinh học…
- Các nghiên cứu cơ bản đánh giá hoạt tính kháng ung thư từ nấm dược liệu và các loại thực vật bản địa.
Hướng nghiên cứu ứng dụng:
- Công nghệ nuôi trồng và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu.
- Công nghệ nuôi trồng và chế biến tảo trong thực phẩm và dược phẩm.
- Công nghệ chiết xuất hoạt chất ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chăm sóc sức khỏe; mỹ phẩm;…
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong mỹ phẩm và dược phẩm;
- Nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng từ phế phụ phẩm nông nghiệp.
Dịch vụ
- Đẩy mạnh hoạt động đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học cho thanh thiếu niên.
- Tư vấn phát triển sản phẩm mới;
- Tư vấn thiết kế các trại nuôi trồng nấm dược liệu;
- Chuyển giao các quy trình chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng;
- Các chương trình tập huấn phổ biến kiến thức về nấm dược liệu cho các cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu;
- Phân tích thí nghiệm;
- Sản xuất thử nghiệm sản phẩm ứng dụng.
Cá nhân tiêu biểu
TS Nguyễn Thị Liên Thương - Giám đốc Viện Phát triển Ứng dụng, Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Tốt nghiệp tiến sỹ chuyên ngành sinh học phân tử trường Đại học Ulsan, Hàn Quốc, năm 2012, TS. Nguyễn Thị Liên Thương về công tác tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Sau khi lần lượt nhận các nhiệm vụ khác nhau, từ năm 2016 đến nay giữ vị trí Giám đốc Viện Phát triển ứng dụng thuộc nhà trường.
Trong quá trình công tác, theo yêu cầu đặt ra về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng, trong đó nhà trường đóng vai trò cung cấp giải pháp công nghệ trong liên kết 3 nhà (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp), TS. Nguyễn Thị Liên Thương cùng nhóm nghiên cứu đưa các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao đến các nhà sản xuất nông nghiệp, đem lại công nghệ sạch, kỹ thuật chế biến, và tăng giá trị chuỗi nông sản. Việc chuyển giao công nghệ đến cộng đồng đã đem lại hiệu quả rõ rệt như sản xuất sạch, chế biến sau thu hoạch, tinh chế và tạo sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nông sản/dược liệu. Ngoài ra, TS. Nguyễn Thị Liên Thương còn đóng góp vai trò kết nối thúc đẩy liên kết doanh nghiệp với nhà nhà trường trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
Trong quá trình công tác tại trường Đại học Thủ Dầu Một, TS. Nguyễn Thị Liên Thương đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua, giải thưởng, như: Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 2 - 2019; đạt giải thưởng “Sản phẩm tin cậy 2015” với sản phẩm của đề tài cấp trường “Nghiên cứu nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên môi trường nhân tạo tại Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương”, của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam; 8 bằng khen của UBND tỉnh về thành tích trong nghiên cứu khoa học và công tác, hỗ trợ cộng đồng từ năm 2015- 2019. ¨