Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu của sinh viên
Đi cùng với xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước ngày càng sâu rộng trên thế giới, công tác giáo dục trong các trường đại học đã và đang đứng trước những thời cơ và thách thức không nhỏ. Đây là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển rất nhanh và các thành tựu của công tác nghiên cứu đã và đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Quá trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên trong các trường đại học là một quá trình trí tuệ giúp sinh viên vận dụng phương pháp luận và phương pháp NCKH trong học tập vào thực tiễn. Trong đó, sinh viên bước đầu vận dụng một cách tổng hợp những tri thức đã học để tiến hành quá trình nhận thức có tính chất nghiên cứu, bước đầu góp phần giải quyết những vấn đề khoa học do thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp đặt ra để từ đó có thể đào sâu, mở rộng và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình (Vũ Cao Đàm, 2007)
Không những thế, quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên còn đóng vai trò rất quan trọng đối với các trường đại học, nó giúp thúc đẩy chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu của nhà trường và hơn thế nữa, thông qua các quá trình nghiên cứu này còn giúp mở rộng hình ảnh của nhà trường. Tuy nhiên, động lực tham gia nghiên cứu của sinh viên hiện nay vẫn còn rất hạn chế.
Với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng NCKH độc lập của sinh viên và hình thành năng lực tự học cho sinh viên, nhóm tác giả đã đề xuất thực hiện đề tài “Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên tại trường Đại học Thủ Dầu Một” của Thạc sỹ Đỗ Thị Ý Nhi - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một làm chủ nhiệm.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Phân tích thực trạng hoạt động NCKH của sinh viên; xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu của sinh viên; đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động NCKH của sinh viên tại trường Đại học Thủ Dầu Một.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu dựa trên các lý thuyết mong đợi của Vroom; thuyết ba nhu cầu của David I.McClelland; tháp nhu cầu của Maslow; thuyết hai nhân tố Herzberg… cùng các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam để làm cơ sở, nền tảng cho quá trình thực hiện nghiên cứu. Đồng thời, thực hiện nghiên cứu sơ bộ bằng kỹ thuật phỏng vấn bán cấu trúc 10 chuyên gia về quá trình NCKH của sinh viên nhằm xác định, điều chỉnh các nhóm nhân tố có thể tác động đến tham gia nghiên cứu.
Kết quả, tác giả đã xác định được 05 nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu của sinh viên gồm: Môi trường nghiên cứu; phần thưởng hấp dẫn; giảng viên hướng dẫn; đề tài nghiên cứu; lợi ích nghiên cứu.
Thực hiện điều tra và các thủ tục trong phân tích dữ liệu dựa trên 610 sinh viên tại trường thuộc 04 lĩnh vực đào taọ (Kinh tế, Sư phạm, Kỹ thuật và Xã hội nhân văn) bằng phương pháp kiểm định sự ổn định của dữ liệu đối với mô hình; dùng kiểm định Cronbach Alpha, kết hợp với phương pháp phân tích nhân tố, hồi quy thông thường OLS và các kiểm định liên quan cho thấy yếu tố môi trường nghiên cứu có ảnh hưởng mạnh nhất, đứng thứ hai và thứ ba là yếu tố giảng viên hướng dẫn và đề tài nghiên cứu và đứng thứ 5 là yếu tố phần thưởng đề tài và lợi ích nghiên cứu.
Thông qua kết quả phân tích thực trạng và phân tích định lượng, nhóm tác giả nhận thấy, quá trình nghiên cứu, sinh hoạt học thuật của sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một ngày càng mở rộng và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ năm học 2012 đến nay, Trường đã giao 785 đề tài cho sinh viên, trong đó có 565 đề tài đã được nghiệm thu hoàn chỉnh. Và các đề tài đạt Giải thưởng cấp trường cũng đã được giới thiêụ tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh, sinh viên tỉnh Bình Dương; Cuộc thi lập trình thành phố thông minh Hackathon; Cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Internet of Thing”; giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” Cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo”…
Dựa trên kết quả đạt được, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu trong sinh viên được dành cho sinh viên các trường đại học nói chung và đại học Thủ Dầu Một nói riêng. Cụ thể, nhà trường cần cải tiến chương trình đào tạo theo định hướng tích hợp kế hoạch học tập và quá trình nghiên cứu của sinh viên trong các chương trình đào tạo; phát triển mạnh các quá trình NCKH thông qua việc mở các chương trình hội thảo về NCKH, phối hợp với các Hiệp hội khoa học, câu lạc bộ NCKH của các trường giúp sinh viên nhận thức về NCKH và có thể ứng dụng/phát triển một công trình nghiên cứu đối với xã hội, kinh tế, văn hóa như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, trao đổi về thông tin nghiên cứu, cuộc thi NCKH... từ đó, phát động cuộc thi NCKH giữa các lớp, các ngành, các khoa trong toàn trường. Đồng thời, tổ chức các buổi tham quan thực tế tại trung tâm nghiên cứu/ doanh nghiệp và phát triển các chính sách khuyến khích sinh viên NCKH… nhằm khơi dậy đam mê, tìm tòi, khám phá, sáng tạo trong sinh viên.
Tiến Phúc (Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu “Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên tại trường Đại học Thủ Dầu Một”)