Xây dựng kế hoạch cho bài giảng theo mô hình “BOPPPS” nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
TS.Nguyễn Hoàng Huế - Th.S Nhâm Văn Sơn
Giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một
Tóm tắt
Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra những thời cơ, vừa đặt giáo dục đại học Việt Nam trước những thách thức mới diễn ra ngày càng nhanh. Đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam phải tiên phong trong nhận thức và hành động của mình để thích ứng với cuộc cách mạng này.
Thay đổi trước tiên phải bắt đầu từ các hoạt động dạy và học cần được thiết kế phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra; Các hoạt động dạy và học thúc đẩy việc rèn luyện các kỹ năng, nâng cao khả năng học tập suốt đời của người học. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích các giải pháp kỹ thuật xây dựng kế hoạch cho bài giảng theo mô hình “BOPPPS” nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0; ISW; Mô hình “BOPPPS”.
1. Khái quát về ISW
ISW (Instruction Skills Workshop) (Chương trình về Kỹ năng giảng dạy), là một chương trình có khoảng 24 đến 30 giờ, là một cách trải nghiệm để đạt được những tiến bộ trong cách dạy và học và có thể đạt được trong nhiều dạng. ISW được đơn giản hóa bởi người dạy học và cho người dạy học. Mỗi ISW bao gồm từ 4 đến 6 người tham gia và có một đến hai cố vấn viên. Người tham gia ôn lại những quan điểm khái quát về giảng dạy, kiểm tra lại những thực nghiệm gần đây và được cơ hội thử nghiệm những cách giảng dạy mới trong môi trường phù hợp. ISW có thể bao gồm những bài học về khả năng giảng dạy, những điều học sinh cần và những chủ đề khác về dạy và học trong môi trường học.
Mục tiêu của ISW:
- Làm việc gần gũi với những đồng nghiệp để nâng cao cách giảng dạy của mỗi người.
- Thực tập về chiến lược và chuyên môn trong phạm vi rộng.
- Nâng cao tầm hiểu biết về những khái niệm trong cách giảng dạy.
- Liên hệ với đồng nghiệp ở phạm vi rộng.
- Trải nghiệm tính đa dạng của những lớp học hiện đại.
- Nhận thức tầm quan trọng của sự hình thành môi trường học hiệu quả.
- Nâng cao sự hiểu biết của giáo viên.
Các hoạt động trong ISW:
Trong ISW, mọi người tham gia đóng vai trò cả người học và người giảng dạy. Mỗi người sẽ chuẩn bị và tiến hành 3 đến 10 phút bài giảng nhỏ, và khi giảng dạy, lúc đó anh (chị) là giảng viên. Khi mà một người nào đó là giảng viên thì số còn lại là học sinh. Sau mỗi bài giảng nhỏ như thế, ngay lập tức những học sinh sẽ có ý kiến phản hồi về bài giảng đó. Ý kiến phản hồi có hai dạng: a) Phản hồi bằng cách viết, b) Phản hồi bằng cách nói và sẽ được chỉ dẫn bởi cố vấn viên. Những bài giảng nhỏ sẽ được quay hình lại, đó cũng là cách thứ 3 để phản hồi. Trong các phản hồi lại bằng miệng, những điểm quan trọng sẽ được chiếu lại và thảo luận. Mỗi người sẽ được xem lại video trong ngày kế tiếp. Trong khoảng thời gian học, mỗi người học phải đóng vai học sinh chủ động, và cho hoặc nhận ý kiến phản hồi một cách chân thật, có tính cách xây dựng và tập trung trong phần cư xử của giảng viên.
ISW là một trong những cơ hội cho giảng viên quan sát những giảng viên khác dạy và những người tham gia rất được khuyến khích để thử nghiệm các chiến lược và các kỹ thuật giảng dạy, bao gồm những gì học được từ những thành viên tham gia chương trình và từng cố vấn viên. Đây là thời gian và là nơi để thử nghiệm và lấy ý kiến phản hồi một cách hiệu quả về các chiến lược được lựa chọn. Phần Phản Hồi trong quyển sách này có những bài tập được thiết kế để giúp bạn trong quy trình nhận xét.
2. Xây dựng kế hoạch cho bài giảng theo mô hình “BOPPPS”
2.1. Những nguyên tắc lớp học cơ bản
Có rất nhiều mô hình để chuẩn bị kế hoạch cho bài giảng. Trong chương trình ISW, những nguyên tắc cơ bản được sử dụng thường được viết dưới dạng viết tắt “BOPPPS” và bao gồm 6 yếu tố sau:
Liên hệ
(Bridge-in)
|
Bắt đầu của vòng tuần hoàn lớp học nhỏ, thu hút sự chú ý của học sinh, xây dựng sự hưng phấn và giải thích tại sao bài giảng quan trọng
|
Mục tiêu/ Kết quả (Objective or Outcome)
|
Giải thích rõ ràng và cụ thể những gì sẽ làm: giải thích những gì học sinh cần biết, cần suy nghĩ và những gì họ có được sau khi khóa học kết thúc
|
Đánh giá trước giảng dạy
(Pre-assessment)
|
Trả lời câu hỏi, “Học sinh trước đây đã biết những gì về bài học?”
|
Tham gia học tập (Participatory learning)
|
Đây là phần thân bài của bài giảng. Học sinh cần phải tham gia tích cực trong bài giảng. Cần có một loạt các hoạt động giúp học sinh đạt được những mục tiêu đặt ra. Có thể sử dụng các phương tiện truyền thông trong giảng dạy
|
Kiểm tra sau giảng dạy
(Post-assessment)
|
Đánh giá học sinh đã nắm bắt bài giảng chưa, và liên hệ trực tiếp đến mục tiêu đặt ra
|
Tóm tắt/Tổng kết (Summary/Closure)
|
Tạo cơ hội cho học viên phản hồi, ôn lại ngắn gọn và tổng kết những gì đã học được |
2.2. Các bước xây dựng kế hoạch cho bài giảng theo mô hình “BOPPPS”
2.2.1. Liên hệ (Bridge-in)
Học viên có nhiệm vụ chính trong việc học tập. Đồng thời, giáo viên có nhiệm vụ xây dựng điều kiện học tập tốt nhất để giúp cho việc học trở nên dễ dàng. Bridge-in (liên hệ) có nghĩa là tạo dựng mối liên hệ với học sinh, thu hút sự chú ý và tạo mối tương quan trong bài học. Nhiều khi, liên hệ ở đây được hiểu như “động lực thúc đẩy” hoặc là “móc câu”. Liên hệ giúp học sinh biết được những gì sẽ xảy ra trong bài học.
Liên hệ hiệu quả giúp học sinh có cảm hứng và nối kết học sinh với những bài học một cách hứng thú và có hiệu quả. Trong những lớp học thiếu động lực thúc đẩy, liên hệ rất quan trọng. Những học sinh thụ động có thể “được câu” nếu quá trình liên hệ trả lời những câu hỏi như sau: “Tại sao những thứ đó quan trọng?” và “Tại sao tôi phải học nó?”
Quá trình liên hệ thường rất ngắn. Những phương án đơn giản bao gồm:
• Đưa ra những lý do nên học môn này, giải thích tại sao chương trình này quan trọng, và giải thích tại sao nó quan trọng trong tương lai.
• Kể một câu chuyện có liên kết với chủ đề bài học
• Nhắc đến những gì trong kinh nghiệm thực tiễn của học viên.
• Đặt ra những câu hỏi liên quan đến bài học cho học viên.
• Đưa ra những mệnh đề làm sửng sốt hoặc những sự thật không bình thường.
• Liên kết những đề tài hiện nay và những tài liệu đã học hoặc sẽ học.
2.2.2. Mục tiêu/ Kết quả (Objective or Outcome)
Trong ngôn ngữ hàng ngày, những từ ngữ như: mục đích, mục tiêu, đích đến, kết quả, thường được sử dụng thay thế cho nhau. Trong quá trình đào tạo và giáo dục, mỗi từ ngữ này đều có ý nghĩa cụ thể.
Mục tiêu (aim) và mục đích (purpose) là ý chỉ những ý định chung chung của chương trình hoặc khóa học. Nó thường được phát biểu bằng một hoặc hai câu. Ví dụ như, mục đích đề tài của chương trình nấu ăn có thể nói: Chương trình này chuẩn bị cho học sinh một nghề nghiệp ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.
Từ kết quả học tập (learning outcome) thường được viết trong những câu chung chung tóm tắt và tổng hợp quá trình học tập với những mục đích ở cuối khóa học. Từ này diễn đạt những gì mà học viên sẽ đạt được sau khóa học hoặc chương trình. Ví dụ như, một hoặc nhiều những kết quả của chương trình nấu ăn có thể nói như sau: Chương trình này cung cấp cho người học một cơ hội để phát triển kiến thức, khả năng, để chuẩn bị cho món tráng miệng thật đặc sắc cho những nhà hàng nổi tiếng và trong những khách sạn 5 sao.
Ngôn từ mục đích (goal) được miêu tả chính xác hơn, nhưng vẫn chung chung, về ý định của lớp học. Ví dụ như một câu trong chương trình nấu ăn có thể nói: Sau khi học khóa này, học sinh có thể chuẩn bị nhiều dạng bánh ngọt tráng miệng.
Mục tiêu học tập (learning objective) và kết quả có ý nghĩa (expressive outcome) được miêu tả chi tiết hơn sau đây.
Mục tiêu là một từ cụ thể hơn từ mục đích. Ví dụ: Một trong nhiều mục tiêu liên quan đến mục đích “chuẩn bị nhiều dạng bánh ngọt tráng miệng” là: làm món bánh táo.
Mục tiêu của các lớp học nhỏ cụ thể hơn. Ví dụ như, mục tiêu cho lớp học nhỏ có thể nói như sau: Mô tả quá trình làm bánh ngọt.
Mặc dù một khóa học có thể có nhiều mục đích chung chung (general goal) và một số kết quả học tập (learning outcome) nhưng những bài học riêng thường tập trung vào một hoặc một vài mục tiêu học tập (learning objective) cụ thể để đạt đến những mục đích (goal) hoặc kết quả đó (outcomes). Một bài giảng nhỏ thường bao gồm một mục tiêu (objective).
Trong học tập thường xuất hiện 3 lĩnh vực rộng: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Ba lĩnh vực học tập này thường đan chéo lẫn nhau và nhiều hoạt động học tập sẽ rơi vào những sự đan chéo này. Mặc dù việc học tập tổng hợp tất cả các lĩnh vực này nhưng một bài học nhỏ thường chỉ tập trung chính vào một lĩnh vực nhất định.
• Kiến thức - những kết quả về kiến thức, trí tuệ, bao gồm những yếu tố, lý thuyết, khái niệm, v.v...
• Kỹ năng - khả năng vận động thể chất mới, thực hiện, tạo mới sản phẩm.
• Cảm xúc - thái độ, giá trị, lòng tin, tình cảm.
Mục tiêu giảng dạy, học tập, hay mục tiêu biểu hiện là một sự trình bày, phát biểu cụ thể có thể quan sát và đo lường được mức độ thành công những gì học viên sẽ biết và làm được ở cuối lớp học hoặc khóa học. Mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực hiệu quả cảm xúc không dễ dàng đo lường, nhưng có thể quan sát được. Ví dụ như, mặc dù một câu biểu hiện về cảm xúc như: “mang đôi giày có mũi bằng thép để bảo vệ bàn chân” nhưng mô tả cảm xúc của học viên là tuân theo nội quy an toàn hay nói cách khác, một thái độ an toàn trên hết. Mục tiêu được định nghĩa rõ ràng thường ngắn gọn, rõ ràng và chứa những yếu tố sau:
- Biểu hiện: Nhắm vào những gì học sinh sẽ đạt được, hoặc những gì học sinh sẽ làm được. Những câu nói phát biểu về biểu hiện thường được đặt với những động từ thúc đẩy hành động. Ví dụ, thay vì nói: “Hiểu về vòng tuần hoàn máu”, có thể nói “Giải thích vòng tuần hoàn máu”.
- Những điều kiện: Xác định và thiết lập cách thức đánh giá biểu hiện của học viên, đó là, nó được đánh giá như thế nào. Ví dụ: “nộp giấy báo cáo” hay “làm việc với một thành viên khác”.
- Tiêu chuẩn: Thiết lập một tiêu chuẩn cho trình độ thành thạo, như thế nào là tốt. Ví dụ: Không có hơn 3 chỗ sai, hoặc đúng được 80%.
Mục tiêu sẽ nhấn mạnh những gì học viên sẽ làm được: Học tập có thể có nhiều kết quả quan trọng nhưng không dễ dàng quan sát được. Nhấn mạnh mục tiêu học tập sẽ khiến học viên xao lãng những kết quả đó.
Những kết quả học tập có ý nghĩa:
Kết quả học tập có ý nghĩa là nêu ra những khả năng một học viên có thể làm được cuối quá trình giảng dạy, tập trung vào sự sáng tạo và khả năng liên tưởng hoặc việc học mà chính học viên diễn đạt bằng cách nào đó. Thông thường kết quả học tập có ý nghĩa được tìm thấy trong các khóa học xã hội, nhân văn và những lĩnh vực khác trong trường đại học.
Kết quả học tập có ý nghĩa là cách để chứng minh mục tiêu chương trình mà trong đó có nhiều câu trả lời, đáp án, giải pháp cho một vấn đề. Đánh giá việc học tập bao gồm những phản hồi của học viên về quá trình học tập, những kinh nghiệm, hoạt động và/hoặc những đánh giá của giáo viên (hoặc bạn bè) về biểu hiện của học viên. Quá trình giảng dạy được mô tả bằng việc diễn đạt kết quả học tập có sự cân bằng giữa hành động và sự phản hồi.
Từ kết quả (thay vì mục tiêu) đưa ra một khía cạnh rộng hơn, chứ không giới hạn tập trung hay chủ định nào. Kết quả học tập có ý nghĩa mô tả việc học tập theo trình tự cao hơn, trong đó sự diễn đạt, sự suy nghĩ, sự sáng tạo của học viên là quan trọng hàng đầu. Kết quả học tập có ý nghĩa được sử dụng khi sinh viên phải đối mặt với một trường hợp đời thật mà họ không dự đoán trước, sinh viên phải vận dụng những kiến thức và kỹ năng mà họ học được trước đây để đi đến những kỹ năng và khả năng nghề nghiệp cao hơn. Tương tự, những kết quả học tập có ý nghĩa đạt được hiệu quả cao trong môi trường mà kết quả học tập và chiến lược kiểm tra học thuật hoàn thiện.
Nói tóm lại, một kết quả học tập có ý nghĩa là một cụm từ ngữ ngụ ý ngắn gọn kết quả dự định của việc học. Một lớp học bao gồm một kết quả có ý nghĩa bao gồm có hoàn cảnh, việc học và hoạt động học tập, hoạt động phản hồi. Hoàn cảnh bao gồm liên hệ, kết quả có ý nghĩa và có thể kiểm tra trước. Hoạt động học tập bao gồm việc tham gia học tập. Phản hồi bao gồm quá trình đánh giá, tóm tắt và tổng kết. Khóa học tập trung vào kinh nghiệm của học viên hoặc sự phân tích về nội dung chủ đề.
Quá trình cấu trúc mục tiêu và kết quả có ý nghĩa là một quá trình lặp đi lặp lại. Hoàn thành một sản phẩm cuối cùng chỉ trong một lần thử nghiệm là một việc không bình thường. Cần chú ý rằng thao tác tương tự có thể được vận dụng trong một hoàn cảnh rộng hơn trong việc kế hoạch cho một khóa học.
2.2.3. Đánh giá trước giảng dạy (Pre-assessment)
Xác định những gì học viên đã biết là một bước khởi đầu quan trọng vì nó giúp giáo viên quyết định từ đầu và như thế nào để bắt đầu với một nhóm học viên cụ thể. Vài học viên có thể đã có một lượng kiến thức đáng kể trước đây, hoặc kinh nghiệm hoặc thành thạo trong một lĩnh vực nào đó. Học viên có thể biết về một khía cạnh của khóa học hoặc đề tài được thảo luận nhưng không biết về các khía cạnh khác.
Quá trình đánh giá trước giảng dạy giúp khẳng định lớp học bắt đầu đúng nơi cho mọi học viên. Nếu học viên đã biết về tài liệu, họ sẽ cảm thấy chán nản. Nếu tài liệu đi quá xa hoặc quá cao so với những gì học viên đã biết, họ sẽ cảm thấy bối rối, lúng túng và khó có thể theo kịp bài giảng. Giáo viên có thể tìm hiểu nhiều hơn về kiến thức của học viên cho dù với những hình thức kiểm tra như trình tự trước hay trong khóa học.
Kiểm tra, đánh giá trước có thể:
- Tìm ra sở thích của học viên
- Xác định những học viên nào có thể đưa ra những tài liệu tham khảo cho lớp học
- Tạo điều kiện cho học viên trình bày nhu cầu ôn tập hoặc làm rõ của bản thân.
- Tập trung ý định và mục đích của lớp học.
- Giúp giáo viên điều chỉnh tốc độ và trình độ lớp học thích hợp với nhóm học viên cụ thể…
Những cách thức đánh giá trước bao gồm:
• Sự thử nghiệm trước khi đưa ra chỉ dẫn với những kỹ năng vận động hoặc tâm trí, hay những cụm từ cụ thể, chi tiết. Ví dụ: Hãy viết công thức hóa học của axit sulphuric.
• Tập hợp kiến thức của một nhóm học viên về một đề tài trong buổi học. Ví dụ: Bạn đã biết gì về tình hình chính trị ở Kosovo? Bạn nghĩ gì khi nghe từ “chứng viêm khớp”?
• Phác thảo. Ví dụ: Bạn cần chú ý những gì khi điều hành một trung tâm sức khỏe? Một công ty sẽ gặp phải những vấn đề gì nếu không quản lý tốt việc chi tiêu?
2.2.4. Tham gia học tập (Participatory learning)
Có hai hình thức tham gia học tập: Giữa giáo viên và học viên, giữa học viên với nhau với sự hỗ trợ của giáo viên. Học tập là một quá trình chủ động và chỉ có thể có được những kinh nghiệm, kiến thức sau khi học viên chủ động tham gia vào các hoạt động học tập và tài liệu học tập.
Bất cứ lúc nào có thể, giáo viên cần khuyến khích học viên chủ động tham gia vào việc đạt đến mục tiêu của khóa học. Học viên hiểu và nhớ được khái niệm thông qua việc liên hệ, thử nghiệm, khám phá và vận dụng những kiến thức đó. Việc này được tiến hành qua thảo luận, đối thoại. Những kỹ năng giải quyết vấn đề hoặc kỹ năng thể chất được nâng cao thông qua việc luyện tập thường xuyên và đánh giá. Thay đổi trong từng cá nhân về thái độ, niềm tin rất khó đo lường vì những thay đổi đó được bổ sung dần dần trong suốt quá trình học viên bộc lộ những quan điểm và kinh nghiệm khác nhau. Sau một khoảng thời gian, sự bộc lộ đó sẽ dẫn đến sự phân tích và tổng hợp các thông tin và khía cạnh mới.
Tham gia học tập là một khái niệm khó có thể định nghĩa được một cách chính xác. Nó không những phụ thuộc vào trình độ phát triển tư duy của học viên vào yếu tố tính cách mà còn dựa vào văn hóa học tập của từng học viên. Trong nhiều hoàn cảnh, ví dụ, giảng dạy được tiến hành trong một không khí trang trọng, giáo viên đưa ra bài giảng mà học viên không thể cắt ngang, rồi sau đó đặt câu hỏi nếu cần. Cũng có nhiều ảnh hưởng từ cách bố trí lớp học. Ghế ngồi cố định trong lớp học sẽ khiến cho việc thảo luận trong nhóm nhỏ trở nên khó khăn hơn.
2.2.5. Kiểm tra sau giảng dạy (Post-assessment)
Quá trình đánh giá sau giảng dạy trả lời 2 câu hỏi :
- Học viên đã học được gì ?
- Mục tiêu đặt ra có đạt được chưa ?
Đánh giá sau giảng dạy: Đánh giá trình độ học tập và việc học tập đặt ra trước đây lúc bắt đầu khóa học. Ví dụ, nếu lớp học là giới thiệu khái quát về từ ngữ chuyên môn, đánh giá sau giảng dạy có thể là một bài tập hoàn thành câu. Nếu lớp học tập trung vào làm một việc gì đó, đánh giá sau giảng dạy có thể liên hệ trực tiếp đến biểu hiện. Kết quả cá nhân được đánh giá chủ yếu bằng phản hồi về kinh nghiệm, của chính học viên. Nó có thể là viết một đoạn văn về «mối liên hệ giữa lớp học và tôi» hoặc sự thảo luận về những khả năng và giới hạn về một quan điểm.
Mặc dù đánh giá sau giảng dạy cho một lớp học nhỏ cần phải ngắn gọn, nhưng phương thức liệt kê dưới đây sẽ đưa ra vài gợi ý cho anh (chị).
Kiến thức cơ bản và tư duy (gợi nhớ kiến thức và sự nhận thức) được đánh giá qua một trong các hình thức như: Trắc nghiệm; Đúng/sai; Nối câu; Điền từ; Câu trả lời ngắn; Trả lời nói ngắn…
2.2.6. Tóm tắt/Tổng kết (Summary/Closure)
Nêu quá trình liên hệ giới thiệu bắt đầu cho lớp học, quá trình tóm tắt/ tổng kết kết luận và động lại kinh nghiệm học tập, tạo ra ý thức kết thúc và hoàn thành. Nó cũng giúp cho học viên phản hồi và tổng hợp việc học. Tóm tắt của giáo viên thường đưa ra việc học của những lớp học trong tương lai. Ví dụ: Bây giờ, chúng ta đã…, sau này, chúng ta sẽ…
Tóm tắt có thể bao gồm:
- Ôn lại nội dung (giáo viên hoặc học viên ngắn gọn đề cập đến những điểm chính)
- Quá trình làm nhóm (học viên thảo luận về quá trình làm nhóm của mình)
- Đánh giá (sử dụng những kỹ thuật đánh giá như «bài thi 1 phút» (Xem thêm trong tài liệu tham khảo: Cách thức đánh giá học tập ngẫu nhiên)
- Công nhận (Xác nhận sự nỗ lực và thành quả)
- Ứng dụng (làm sao để sử dụng những kiến thức đó về sau; tạo một kế hoạch cá nhân)
- Tiếng nói cá nhân (đi một vòng quanh lớp để mọi người đều có cơ hội phát biểu)
Đối với nhiều học viên, ôn lại những mục tiêu ban đầu của khóa học là một cơ hội quan trọng cho sự phản hồi cá nhân. Đối với những học viên khác, đó là cơ hội để công nhận việc học tập và đối với số khác, nó hoàn thành «hợp đồng học tập» bằng cách trả lời câu hỏi: «chúng ta đã làm được những gì chúng ta nói chưa ?»
Nếu lớp học bắt đầu bằng việc học viên xác định mục tiêu của chính mình, nó cần được kết thúc bằng việc ôn lại những mục tiêu đó. Giáo viên có thể yêu cầu họ phản hồi, đánh giá lại và phát biểu ngắn gọn về quá trình đạt đến mục tiêu của họ. Ôn lại những mục tiêu của học viên ở cuối lớp học là một phần trong quá trình «đóng lại vòng tròn» của học viên.
Kết luận
Rõ ràng, mô hình BOPPPS là mô hình đơn giản, dễ vận dụng, đặc biệt là dành cho các giảng viên mới, giảng viên không chuyên ngành sư phạm vì tính chỉ dẫn rất rõ ràng, cụ thể và dễ trở nên thuần thục. Trên thực tế, mô hình này đã được vận dụng linh hoạt trong nhiều môn học từ kỹ thuật đến phi kỹ thuật và đạt được những kết quả khả quan như làm tăng tính chủ động của người học, tạo sự hứng khởi của lớp học, điều chỉnh mức độ truyền tải kiến thức/kỹ năng của giảng viên qua từng buổi học, nhằm đạt được chuẩn dầu ra cuối củng của môn học, ngành học một cách nhẹ nhàng và dễ dàng nhất.
Quá trình vận dụng các bước thiết kế kế hoạch giảng dạy theo mô hình BOPPPS góp phần đổi mới và nâng cao hiệu qua giảng dạy cho giảng viên. Đồng thời đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Tài liệu tham khảo
1. Andrew Marchand, Instruction Skills Workshop, Tài liệu tập huấn các kỹ năng giảng dạy, 2015.
2. Nguyễn Hữu Lộc, Phạm Công Bằng, Lê Ngọc Quỳnh Lam, Chương trình đào tạo tích hợp Từ thiết kế đến vận hành, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014.