Xu hướng ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp trên cơ sở sáng chế quốc tế
Trên thế giới, xu hướng ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp đã được quan tâm từ thập niên 60 và cho dến nay có khoảng 1376 sáng chế đăng kí bảo hộ về vấn đề này. Năm 1969 có một sáng chế nộp đơn đăng kí bảo hộ về ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp. Năm 2013, số lượng sáng chế đăng kí bảo hộ về vấn đề này là nhiều nhất, được 199 sáng chế.
Số lượng sáng chế đăng kí bảo hộ trong giai doạn 2000-2009 tăng nhanh chóng so với thập niên 90 và giai đoạn 2010-2015 tăng gấp đôi so với giai đoạn 2000-2009 do ở các quốc gia bắt đầu có nhiều triển khai ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp.
Hiện nay có khoảng 50 quốc gia nhận đơn đăng kí bảo hộ sáng chế về ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp, trong đó 10 quốc gia nhận nhiều đơn bảo hộ nhất là Trung Quốc: 589 sáng chế, Braxin: 92 sáng chế, Hàn Quốc: 88 sáng chế, Mỹ: 72 sáng chế, Mexico: 61sáng chế, Tây Ban Nha: 60 sáng chế, Nhật: 56 sáng chế, Ấn Ðộ: 30 sáng chế, Nga: 20 sáng chế, Úc: 18 sáng chế. Nhật Bản là quốc gia có các sáng chế nộp đơn đăng kí bảo hộ về công nghệ nano trong nông nghiệp từ những năm 70, 80.
Theo bảng phân loại sáng chế quốc tế IPC, ta nhận thấy số luợng các sáng chế về ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp tập trung chủ yếu vào các hướng nghiên cứu sau: Hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong các chế phẩm sinh học dùng dể ức chế sự sinh sản và phát triển của sâu bọ 27,3%; hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong phân bón 26,76%; hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong các hợp chất dinh dưỡng giúp kích thích tăng trưởng 23,82%; hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong các hợp chất hoá học dùng dể xua đuổi và diệt trừ sâu bọ 10,97% và các hướng nghiên cứu khác lf 11,15%.
Tại Việt Nam, các đề tài nghiên cứu và ứng dụng nano trong nông nghiệp cũng đã được tiến hành trong những năm gần đây như: Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất phân bón lá ứng dụng công nghệ vật liệu nano phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, do Lê Hữu Bảo Dương, Th.S Ðỗ Thanh Sinh - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thực hiện; Tổng hợp vật liệu Nano kẽm – bạc ứng dụng chế tạo thuốc bảo vệ thực vật diệt nấm hồng cho cây cao su, do Th.S Võ Quốc Khương - TT Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ thực hiện; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nano trong phòng trừ bệnh hại cây trồng nông nghiệp nhằm hạn chế sử dụng thuốc hóa học, do TS. Phạm Hữu Nhượng - Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh thực hiện; Nghiên cứu ứng dụng dầu vỏ hạt điều hấp thu trên vật liệu Nano LDH trong phòng chống sâu bệnh, do Th.S Nguyễn Thị Như Quỳnh - Viện Sinh học Nhiệt đới thực hiện; Nghiên cứu chế tạo vật liệu nanochitosan ứng dụng trong dược phẩm và trong nông nghiệp, do Ðỗ Trường Thiện - Viện Hóa học-Hà Nội thực hiện…
Châu Nam (Nguồn: CESTI)