Yếu tố dân gian trong sơn mài ứng dụng tại Bình Dương
Nghề sơn mài - một trong những ngành nghề thủ công, truyền thống đặc sắc tiêu biểu của Việt Nam. Sơn mài được xem là một trong những nghề đặc trưng nhất của tỉnh Bình Dương với lịch sử hơn 200 năm hình thành và phát triển. Sơn mài trở thành niềm tự hào chứa đựng trí tuệ sáng tạo, tình cảm và tâm hồn của con người Bình Dương.
Trong nghiên cứu “Yếu tố dân gian trong sơn mài ứng dụng tại Bình Dương” tác giả Huỳnh Đức Hiếu cho thấy, lịch sử phát triển của lưu dân vùng đất mới gắn liền với tiến trình văn hóa vật chất đồng thời đáp ứng nhu cầu thị hiếu trong xã hội, nghề sơn mài truyền thống cùng với sự ra đời của trường Bá nghệ Bình Dương (1901) đã đào tạo nhiều thế hệ thợ thầy nổi tiếng. Các xưởng sơn mài lần lượt được thành lập như: Trần Hà, Lương Định Của, Sông Gianh… đặc biệt là xưởng Thành Lễ. Thông qua đó, họ đã tạo dựng uy tín và đưa các làng nghề sơn mài trong tỉnh nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh, và vươn xa tận nước ngoài. Đó là những thành quả đóng góp vô cùng to lớn từ các lớp thế hệ nghệ nhân, họa sĩ tỉnh nhà, đưa chất liệu sơn mài ứng dụng Bình Dương lên một tầm cao mới, xứng đáng là một di sản văn hóa đáng trân trọng.
Sơn mài ứng dụng Bình Dương cũng khẳng định giá trị ở chất lượng cao của các sản phẩm trong khâu làm cốt, vóc với quy trình xử lý chất liệu nghiêm ngặt, đủ và đúng các công đoạn kỹ thuật. Toàn bộ đều được sử dụng bằng sơn ta đặc trưng của Bình Dương - loại sơn kết hợp từ sơn ta Phú Thọ với sơn Nam Vang, nhanh khô mà vẫn bảo đảm được độ dẻo, trong và sâu của chất liệu, đặc biệt là màu sắc luôn tươi sáng nhưng không lòe loẹt. Nét độc đáo hơn hết trong các sản phẩm sơn mài ứng dụng Bình Dương chính là những yếu tố dân gian được các nghệ nhân, họa sĩ lâu năm từng sống và gắn bó mật thiết với những lối sống chân quê, mộc mạc, những hình ảnh sinh hoạt hết sức đời thường như: cày, cấy, chăn trâu, thả diều, cánh cò, bờ ao, ruộng lúa, lũy tre làng… lồng ghép đưa vào trong từng chủ đề, nội dung để thể hiện lên tranh, sản phẩm bình phong, bàn ghế, giường, tủ đến bình hoa, tráp… đã tạo cho các tranh, sản phẩm ấy trở nên lôi cuốn và có sức rất đặc trưng.
Trong sơn mài ứng dụng Bình Dương yếu tố dân gian đã có sự ảnh hưởng rất lớn qua tư tưởng sáng tác của các nghệ nhân, họa sĩ. Có sự tiếp thu những tinh hoa vật chất, lại có sự tiếp thu từ quan niệm về cách tạo hình về tư tưởng. Trong vai trò là một họa sĩ tạo hình của thế hệ sau, điều rút ra được của tác giả chính là phải biết kết hợp giữa vốn tư duy tạo hình đã được đào tạo từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường với thực tiễn cuộc sống một cách gần gũi nhất có thể.
Xem toàn văn tại: Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Bình Dương