Cùng nhìn lại 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trên thế giới để thấy được sự phát triển vượt bậc và những thành tựu của ngành khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực trong cuộc sống được công bố trên internet:
1. Tàu vũ trụ Trung Quốc đổ bộ thành công vùng tối của mặt trăng
Ngày 3/1, Tàu thăm dò Hằng Nga 4 đáp thành công xuống vùng trũng Nam Cực - Aitken trên mặt trăng và gửi bức ảnh đầu tiên chụp cận cảnh phần tối của mặt trăng về trái đất. Trước đây có nhiều tàu vũ trụ đã chụp ảnh của khu vực này nhưng chưa hề đáp xuống khu vực đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng, vùng trũng Aitken là kết quả của một vụ va chạm lớn với thiên thạch khi mặt trăng mới hình thành. Chuyến thám hiểm thu thập dữ liệu chi tiết về địa hình và thành phần khoáng chất của Mặt Trăng. Đồng thời, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khám phá phần tối không quay về phía trái đất của mặt trăng và là bước tiến quan trọng trong tham vọng trở thành siêu cường quốc về khám phá vũ trụ của Trung Quốc bên cạnh Mỹ và Nga.
2. AI: Điểm sáng hiếm hoi
Điểm sáng hiếm hoi của khoa học và công nghệ trong năm 2019 là sự tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào AI với số tiền hơn 70 tỷ đô la Mỹ. Hơn 10.000 công ty về AI được thành lập từ năm 2015 và các startup trong năm 2019 nhận được 37 đô la Mỹ đầu tư. Xe tự hành, một trong những ứng dụng khả thi nhất của AI với nhiều mẫu xe đã và đang được thử nghiệm trên thế giới.
3. Thành công ngăn chặn EBOLA và tiến gần đến chữa khỏi HIV
Sau đợt bùng phát Ebola tại Congo, các nhà khoa học tìm ra hai phương pháp điều trị và ngăn chặn ebola đó là vacxin phòng ngừa và kháng sinh giúp tăng khả năng sống sót. Trong khi đó, một bệnh nhân HIV ở Anh đã được chữa khỏi hoàn toàn. Đây là dấu hiệu cho thấy loài người tiến dần đến khả năng loại trừ căn bệnh thế kỷ.
Vaccine do Johnson & Johnson sản xuất, không giống như vaccine Merck tiêm trong một liều, vaccine này yêu cầu tiêm nhắc lại sau 56 ngày kể từ lần tiêm đầu tiên. Tại Congo, nó sẽ được tiêm cho những người có nguy cơ mắc bệnh Ebola, chẳng hạn như nhân viên chăm sóc sức khỏe, ở những khu vực mà virus chưa xuất hiện.
Vaccine này được cấp bằng sáng chế đầu tiên vào năm 2003, được sử dụng khẩn cấp trong cuộc bùng phát dịch tại Congo. Nó cũng được sử dụng thử nghiệm tại Guinea năm 2015. Trong đợt bùng phát năm 2018 tại Congo, hàng trăm ngàn người đã được tiêm vacxin, trong đó hơn 60.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe tại quốc gia này và cả các quốc gia lân cận.
4. Bức ảnh đầu tiên chụp hố đen
Sử dụng hệ thống 8 kính viễn vọng vô tuyến, nằm ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới từ Nam cực cho tới Tây Ban Nha và Chile. Trong dự án quy tụ hơn 200 nhà khoa học, lần đầu tiên chụp được ảnh một hố đen nằm ở trung tâm thiên hà M87. Hố đen của M87 có đường kính 40 tỷ km, lớn gấp ba triệu lần Trái Đất. Các nhà khoa học EHT gọi đó là hố đen "quái vật". Bức ảnh cung cấp nhiều thông tin về bản chất của những vật thể hấp dẫn hố đen M87 và cho phép các nhà khoa học đo được khối lượng khổng lồ của nó.
5. Phi hành nữ đầu tiên trong lịch sử
Vào tháng 10, Jessica Meir và Christina Koch lái phi thuyền không gian đầu tiên hoàn toàn là nữ để thực hiện nhiệm vụ sửa chữa pin bị lỗi trên trạm vũ trụ quốc tế ISS. Sự kiện này được xem là dấu mốc quan trọng trong 61 năm hoạt động của NASA. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một phi hành đoàn toàn là nữ tự mình thực hiện nhiệm vụ bên ngoài trạm vũ trụ quốc tế. Đây là khoảnh khắc đột phá và sẽ truyền cảm hứng cho các nữ phi hành gia.
6. Công nghệ chỉnh sửa gene chữa ung thư
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Pennsylvania, Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR trong việc điều trị ung thư. Các bác sĩ lấy ra tế bài miễn dịch từ máu của người bệnh chỉnh sửa gen của chúng bằng kỹ thuật CRISPR để những tế bào này có thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Với công nghệ này, tác dụng phụ có thể được giảm tối đa và có thể kiểm soát. Các tế bào sau khi chỉnh sửa sẽ được trả lại cơ thể bệnh nhân, số lượng của chúng sẽ nhân lên và hoạt động như một loại thuốc.
Kết quả ban đầu cho thấy phương pháp điều trị ung thư bằng chỉnh sửa gene "an toàn" để sử dụng trên người. Phương pháp điều trị này cũng xóa bỏ luôn những gen có thể cản trở khả năng tấn công bệnh ung thư của tế bào miễn dịch và bổ sung thêm một tính năng mới giúp chúng làm tốt công việc bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
7. Tàu NASA phát hiện động đất trên sao hỏa
Vào tháng 4/2019, lần đầu tiên thiết bị đo địa chấn do trạm đổ bộ InSight lắp đặt trên sao Hỏa phát hiện rung động nhẹ. Các nhà khoa học cho rằng, đây là hiện tượng động đất, không phải nhiễu loạn do các nguyên nhân nào khác. Lý do là hiện tượng này có nhiều điểm tương tự động đất trên Mặt Trăng mà các tàu vũ trụ Apollo từng ghi lại.
8. Các công nghệ nghe lén người dùng
Bảo mật dữ liệu cá nhân luôn nóng trong cộng đồng mạng. Một số công ty lớn thuê đối tác nghe và đánh giá các ghi âm thu được từ trợ lý ảo và văn bản hóa các hội thoại âm thanh mà người dùng không hề hay biết, làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư. Tất cả đều giải thích họ thực hiện điều này nhằm phân tích, đánh giá khả năng phản hồi của các phần mềm tương tác như Siri, Assistant. Cortana, Alexa.
9. Phát hiện loài người tiền sử mới cao gần một mét ở Philippines
Một nghiên cứu mới cho thấy, hóa thạch xương và răng trong hang Callao, đảo Luzon, Philippines thuộc về một loài người thấp bé chưa rõ nguồn gốc. Loài người này được đặt tên là Homo luzonensis, sống cách đây 50.000 - 67.000 năm. Phát hiện mới hé lộ thêm thông tin về sự tiến hóa của con người, đặc biệt là ở châu Á, nơi quá trình con người tiến hóa phức tạp và thú vị hơn những gì các nhà khoa học từng nghĩ.
10. Phát hiện lục địa thứ 8 ẩn sâu 1.500 km dưới châu Âu
Các nhà nghiên cứu phát hiện lục địa thứ 8 tách ra từ Gondwana có tên Greater Adria, lớn tương đương Greenland. Kết quả nghiên cứu giúp tái hiện lịch sử địa lý của thế giới, đồng thời giúp xác định và khai thác khoáng sản có giá trị. Tái tạo địa chất cũng giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự hình thành các mỏ khoáng sản và quặng kim loại hiện nay.
Nguyễn Ngà