Nông nghiệp: Thúc đẩy các chuỗi cung ứng trong bối cảnh Covid-19
Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, ngành nông nghiệp đóng góp 10,82% vào GDP của Việt nam, tổng sản lượng của ngành đạt 29,6%. Kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ giảm 1,9%. Tổng sản lượng toàn ngành đạt 680,8 nghìn tỷ đồng.
Dù là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản nhưng nhìn chung, Việt Nam chỉ tham gia vào giai đoạn giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu, như xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sản phẩm sơ chế. Trong làn sóng đầu tiên, giá một số mặt hàng nông sản đã giảm trên 10% do đơn đặt hàng giảm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngành nông nghiệp là ngành có tiềm năng đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế hơn các ngành khác và dự báo ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 10% mỗi năm cho đến năm 2022.
Trong chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc, bao gồm nguyên liệu đầu vào, sản xuất và phân phối. Tuy nhiên, vấn đề này được xem là thách thức đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao giá trị, thông qua việc phân phối đến các kênh thương mại hiện đại và xuất khẩu, trong khi các thị trường có yêu cầu chất lượng nhập ngày càng khắt khe, đặc biệt là dưới tác động của dịch covid-19.
Ngoài ra, hệ thống mạng lưới logistics kém phát triển dẫn đến tình trạng giảm giá bán và tăng chi phí phân phối cho sản phẩm nông sản; các kênh phân phối không chính thức dễ bị gián đoạn và dẫn đến sự không ổn định trong kinh doanh. Trong thời kỳ đại dịch, thương mại biên giới bị gián đoạn gây khó khăn lớn cho các nhà xuất khẩu trên thị trường không chính thức.
Một số giải pháp được khuyến nghị dựa trên phân tích chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp trong Báo cáo Kết quả phân tích chuỗi cung ứng các ngành trong bối cảnh covid-19 tháng 8/2021 cho thấy có thể chia làm 3 giai đoạn: Hỗ trợ thanh khoản cho nông dân và an ninh lương thực cho người tiêu dùng; gia tăng giá trị; phát triển bền vững và lợi ích dài hạn.
Trong thời gian ngắn hạn, cần thành lập các Trung tâm dịch vụ chia sẻ (CFC) cho nông nghiệp, xác định vùng sản xuất nông nghiệp là bước đầu tiên cần được thực hiện, là quan trọng và cần thiết bao gồm các thông tin về nguồn cung cấp, các cơ sở chế biến nông sản hiện tại, cũng như khoanh vùng được các vị trí thuận lợi; thành lập Trung tâm dịch vụ chia sẻ tạm thời và thí điểm nên được phát triển cho toàn bộ các mặt hàng dễ hư hỏng, dễ gặp rủi ro gián đoạn thị trường do dịch bệnh…; tạo nền tảng kết nối người bán - người mua B2B có thể làm giảm tác động của việc gián đoạn thị trường khi các giao dịch trực tiếp bị hạn chế trong thời gian bùng phát dịch covid-19…
Trong giai đoạn trung hạn, đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp. Việc xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng đạt chuẩn sẽ là yếu tố then chốt giúp đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp. Liên quan đến truy xuất nguồn gốc, phải định các tiêu chuẩn toàn cầu về truy xuất nguồn gốc cùng với việc xác định công nghệ phù hợp với khả năng tài chính để hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các côn gngheej được phát triển trên nền tảng ứng dụng…; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ưu tiên nghiên cứu giống, thúc đẩy hợp tác giữa các trường Đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu và ứng dụng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản, xây dựng thương hiệu phải được gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc phù hợp.
Với giải pháp dài hạn, sẽ xây dựng kho hàng không chuyên dụng phục vụ cho việc giao thương hàng hóa dễ hỏng như hoa, trái cây và rau quả; tạo nền tảng thương mại điện tử B2B, thiết lập nền tảng thương mại trực tuyến với cơ chế thanh toán trực tuyến và đấu giá điện tử giúp kết nối nông dân, nhà sản xuất với ngành công nghiệp thực phẩm và người mua ở thị trường quốc tế.
Dịch covid-19 ảnh hưởng đến giá của một số mặt hàng nông sản nhưng mang lại lợi ích tiềm năng cho doanh nghiệp trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, đặc biệt là phương thức sản xuất và kinh doanh nông sản và thực hiện tham vọng mở rộng sang các thị trường mới.
Ngà Nguyễn