Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại vào năm 2030
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường.
Công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế công nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.
Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học của nước ta, trong những năm qua Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”; Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030 với mục tiêu Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp sinh học, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học (gọi tắt là doanh nghiệp công nghiệp sinh học) trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng (gọi tắt là các ngành, lĩnh vực) và trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng. Có thể thấy trong Quyết định này, Chính phủ luôn đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm để phát triển:
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm trong nông, lâm, thủy sản với các nhóm chủ yếu: sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi...; sản phẩm sinh học phục vụ bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản; vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi; thuốc thú y sinh học; kít sử dụng cho chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản và kiểm soát dư lượng các chất cấm; thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong lĩnh vực y dược, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực y dược với các nhóm: Các loại vắc-xin phòng bệnh cho người trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và các vắc-xin khác phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản phẩm giống dược liệu, hoạt chất từ dược liệu, sản xuất và bảo quản dược liệu; thuốc sinh học, thuốc kháng sinh, sản phẩm sinh học, sản phẩm kháng thể phục vụ điều trị bệnh ở người; Kít phục vụ sàng lọc, chẩn đoán, giám định bệnh ở người; các loại thực phẩm chức năng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực y dược.
Trong lĩnh vực công thương, sẽ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực công thương với các nhóm: Các chế phẩm vi sinh và sản phẩm thứ cấp từ công nghiệp vi sinh, các chất bảo quản, phụ gia, màu thực phẩm, axit hữu cơ, axit amin, protein..., sản phẩm enzyme (bao gồm cả enzyme tái tổ hợp); các loại sản phẩm đồ uống lên men, nhiên liệu sinh học; các a xít amin, a xít hữu cơ, nguyên liệu hóa dược; thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực công thương.
Lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các nhóm: Các chế phẩm xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt; thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực an ninh quốc phòng, sẽ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực an ninh quốc phòng với các nhóm: Thẻ ADN nhận dạng cá thể người và các bộ kít chẩn đoán chuyên dụng khác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng; các sản phẩm, thiết bị sử dụng trong an ninh, quốc phòng.
Quyết định số 553/QĐ-TTg là dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình chuyển biến từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong nước và cũng chính hướng đi này đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, phù hợp và hiệu quả của nước ta đối với việc phát triển, đưa khoa học và công nghệ vào đời sống nói chung cũng như thúc đẩy công nghệ sinh học tại Việt Nam theo cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Công nghệ sinh học có vai trò phục vụ cho phát triển công nghiệp sinh học. Để phát triển công nghiệp sinh học, đòi hỏi phải tạo các sản phẩm theo quy mô công nghiệp. Với vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp sinh học, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công thương đến năm 2030” với mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp; nâng cao tiềm lực, hiệu quả nghiên cứu, làm chủ công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ sinh học trong ngành công thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp công nghệ sinh học và sản xuất sản phẩm mới, an toàn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Công nghệ sinh học có 3 cấp độ khác nhau:
- Công nghệ sinh học truyền thống như các hoạt động chế biến thực phẩm (rượu, giấm, sữa chua, dưa chua, cà muối, pho-mát, tương, nước mắm, men bánh mì...), ủ phân, phơi ải đất, diệt khuẩn và ức chế vi sinh vật có hại...
- Công nghệ sinh học cận đại với việc sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm của công nghệ lên men, công nghệ vi sinh vật (cồn, bia, dung môi hữu cơ, bột ngọt và các acid amin khác, acid citric và các acid hữu cơ khác, chất kháng sinh, nhiều vitamin, các loạin vaccin, kháng độc tố, các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học...).
Công nghệ sinh học hiện đại chỉ mới xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây. Công nghệ sinh học hiện đại sử dụng các kỹ thuật trao đổi, sửa chữa, tổ hợp hoặc cải tạo vật chất di truyền ở mức độ phân tử để tạo ra những loại vi sinh vật mới hoặc bắt các sinh vật này tạo ra các protein hay các sản phẩm khác mà vốn dĩ chúng ta không tạo ra được.
Công nghệ sinh học hiện đại bao gồm các lĩnh vực Công nghệ di truyền (Genetic engineering, Công nghệ tế bào (Cell engineering), Công nghệ vi sinh vật/Công nghệ lên men (Microbial engineering/Fermentation engineering), Công nghệ enzym/protein (Enzym/Protein engineering) và CNSH môi trường (Environmental biotechnology).
Hiện nay trên thế giới công nghệ sinh học đang có tốc độ phát triển vượt bậc với nhiều nghiên cứu mang tính cách mạng, hướng tới việc bảo đảm sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Một số hướng phát triển đang dành được nhiều sự quan tâm như: cảm biến sinh học, nhựa sinh học, năng lượng sinh học và nghiên cứu về gene và protein tái tổ hợp... và nhìn sang các nước khác chúng ta thấy công nghệ sinh học Việt Nam còn đi sau một khoảng cách khá xa. Do đó, chúng ta cần phải tăng tốc hơn nữa trong các hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ, tăng cường tiềm lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại.
Ngọc Trang