10 sự kiện khoa học và công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2019
Năm 2019, đánh dấu nhiều sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam. Từ những thành tựu mà ngành khoa học và công nghệ đạt được, Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ Việt Nam đã bình chọn ra 10 sự kiện nổi bật nhất năm 2019 thuộc các lĩnh vực cơ chế, chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam:
1. Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời
Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 27/9/2019 với nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
2. Việt Nam phóng thành công vệ tinh MicroDragon
Đây là sự kiện nổi bật trong lĩnh vực khoa học và tự nhiên. Sự kiện phóng thành công vệ tinh MicroDragon đã cho thấy các chuyên gia nước ta đã làm chủ được công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, ngành khoa học và công nghệ nước ta đánh dấu bước tiến quan trọng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp hiện nay. Vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo đã được phóng thành công lên quỹ đạo tại Nhật Bản vào ngày 18/01/2019.
3. Gạo ST25 được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới”
ST25 là giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm Anh hùng lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển. ST25 đã được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines vào tháng 11/2019. Gạo ST25 thuộc giống lúa có đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo, có mùi dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng từ hai đến ba vụ trong một năm.
4. Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia
Quyết tâm hướng đến một Chính phủ điện tử, ngày 9/12/2019 Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) chính thức được khai trương đi vào hoạt động, góp phần nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Cổng dịch vụ công có 6 phần chính: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
5. Techfest Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế
Năm 2019, ngoài sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2019 diễn ra tại Quảng Ninh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các sự kiện Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ vào tháng 9; Hàn Quốc và Singapore vào tháng 11 để quảng bá các start-up và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.
6. Mạng 5G được Viettel kết nối chính thức tại Việt Nam
Lần đầu tiên mạng 5G được Viettel kết nối chính thức ở Việt Nam bằng thiết bị của Ericsson. Đánh dấu bước ngoặc Việt Nam sánh vai cùng thế giới trong việc làm chủ công nghệ để sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoạt động kết nối này cũng nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam.
7. Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động. Sự kiện này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần thực hiện hiệu quả công tác giám định hài cốt liệt sĩ, tri ân gia đình liệt sĩ có công với cách mạng.
8. Vaccine cúm mùa do Việt Nam tự sản xuất chính thức được lưu hành
Đây là vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B. Vaccine được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm dùng cho người (ở độ tuổi từ 18 đến 60). Quy mô và công suất sản xuất vaccine IVACFLU-S của IVAC khoảng 1,5 triệu liều/năm.
9. GS. Phạm Hoàng Hiệp nhận Giải thưởng Ramanujan
Từ những đóng góp tích cực cho sự phát triển toán học ở Việt Nam, GS.TS Phạm Hoàng Hiệp - Viện toán học - VAST vinh dự được nhận Giải thưởng Ramanujan do Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết (ICTP) trao. Giải thưởng lấy tên nhà toán học thiên tài Srinivasan Ramanujan (1887-1920), một nhà toán học Ấn Độ tự học nhưng đã có những phát hiện rất quan trọng khi còn rất trẻ. Giải Ramanujan được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ và Quỹ Abel của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Na Uy với sự cộng tác của Liên đoàn Toán học quốc tế (IMU).
10. Hội thảo “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại”
Đây là hội thảo khoa học quốc gia do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Hội thảo nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, nhất là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Đánh giá về 10 sự kiện KHCN tiêu biểu nêu trên, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định khẳng định: 6 lĩnh vực con người, sự kiện tiêu biểu được lựa chọn đã phản ánh bức tranh rất hoàn thiện về hoạt động khoa học và công nghệ của nước ta trong năm vừa qua. Thể hiện được chính sách đột phá về khoa học và công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết quả mà chúng ta tiếp cận đến công nghệ cao để giúp cho việc nghiên cứu quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. Ở đó cũng bao gồm những công trình cải tiến mạnh mẽ. Và quan trọng nhất là những kết quả khoa học và công nghệ đã đi vào đời sống.
Mỹ Linh