a. Tên luận văn: Ảnh hưởng của giá thể, nồng độ đạm, kali đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng cây dưa lê (Cucumis melo L.) trồng trong nhà màng tại tỉnh Bình Dương
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Lê Thị Trà My
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Chuyên Hùng Vương
d. Tên viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh
đ. Mục tiêu nghiên cứu:
- Xác định ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng, năng suất và phẩm chất của ba giống dưa lê trồng trong điều kiện nhà màng.
- Xác định nồng độ đạm, kali trong dung dịch tưới đến sự sinh trưởng năng suất và phẩm chất cây dưa lê trồng trong nhà màng
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Ở Việt Nam diện tích dưa lê ngày càng tăng do cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các giống sử dụng phổ biến trên thị trường hầu hết là giống lai nhập nội có xuất xứ ở Nhật Bản, Thái Lan, Israel, Trung Quốc, Nga, Đài Loan. Ngoài ra còn có một số giống sản xuất trong nước như Khang Nguyên, AB sweet gold, TL3, TL1, Chu phấn. Vì vậy việc chọn được giống dưa lê có năng suất và chất lượng, thích hợp với điều kiện canh tác, sinh thái và thị hiếu của người tiêu dùng là rất cần thiết.
Tác giả Lê Thị Trà My đã thực hiện đề tài này trong hai vụ với ba giống dưa lê có nguồn gốc Việt Nam, Nhật Bản, Israel và khảo sát ba giá thể, ba nồng độ đạm và bốn nồng độ kali. Thí nghiệm được tiến hành trong nhà màng từ tháng 6/2018 - 12/2018 tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Theo báo cáo, giá thể trồng cây gồm: phần rắn, phần rỗng, nước hữu hiệu và nước dư, trong đó quan trọng nhất là phần rỗng, tạo cho giá thể thông thoáng, giúp bộ rễ cây hô hấp đồng thời giúp các vi sinh vật có ích phát triển, nước hữu hiệu giúp cây hút dễ dàng. Khi sử dụng giá thể thay cho đất thì việc bổ sung thêm các chất dinh dưỡng và điều chỉnh pH thích hợp là cần thiết để cây trồng phát triển tốt. Hiện nay trong canh tác không đất có rất nhiều loại giá thể, tuy nhiên mỗi giá thể có một đặc điểm riêng như: khả năng giữ nước, độ thông thoáng, thời gian sử dụng, có hoặc không có khả năng tái sử dụng. Tùy đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng vùng, điều kiện cây trồng mà có thể chọn loại giá thể phù hợp.
Giá thể sử dụng thường dùng ở nước ta là các phụ phẩm nông nghiệp như: vỏ trấu, xơ dừa, mùn cưa, than bùn, rễ lục bình. Tùy vào cây trồng cụ thể, mục đích sử dụng mà đưa ra công thức phối trộn khác nhau từ 2 - 3 nguyên liệu. Trong các nguyên liệu sử dụng làm giá thể thì xơ dừa là giá thể được sử dụng rộng rãi nhất. Để giảm chi phí đầu tư và lợi dụng các nguồn vật liệu khác có sẵn tại địa phương người ta thường phối hợp xơ dừa với các loại vật liệu khác để tạo thành một giá thể trồng thích hợp cho từng địa phương.
Đạm là thành phần bắt buộc của protit chất đặc trưng cho sự sống. Đạm có trong thành phần men, trong màng tế bào, trong diệp lục tố mang chức năng cấu trúc. Thừa đạm làm cây sinh trưởng quá mạnh, do thân lá tăng trưởng nhanh mà mô nâng đỡ kém hình thành nên cây rất yếu, dễ lốp đổ, dễ bị sâu bệnh tấn công. Thiếu đạm ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển của rễ, thân, lá, hoa và quả.
Kali làm gia tăng quá trình quang hợp và thúc đẩy sự vận chuyển gluxit từ phiến lá vào các cơ quan. Kali còn tác động rõ rệt đến trao đổi protit, lipit, đến quá trình hình thành các vitamin. Như vậy hiện nay những kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng nồng độ đạm và kali đối với cây dưa lê còn hạn chế. Vì vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của nồng độ đạm và kali đối với sinh trưởng phát triển của cây dưa lê, để đưa ra được quy trình quản lý phân bón phù hợp cho cây dưa lê tại vùng trồng.
Trong khuôn khổ đề tài này, tác giả đã thực hiện 2 thí nghiệm kế thừa nhau, thí nghiệm 1 là thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên. Thí nghiệm 2 là thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô sọc. Kết quả thí nghiệm 1 cho thấy giống AB sweet gold trồng trên giá thể 75% MD + 25% VĐP có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt về chiều cao, số lá, các chỉ tiêu về năng suất và chất lượng quả, hiệu quả kinh tế đạt cao nhất (năng suất thực thu đạt 3,43 tấn/1.000 m2 mang lại lợi nhuận cao nhất 55.250.000 đ/1.000 m2 tỉ suất lợi nhuận 0,85). Kết quả thí nghiệm 2 cho thấy giai đoạn từ lúc trồng đến cây ra hoa sử dụng nồng độ đạm 200 ppm và giai đoạn từ đậu quả đến thu hoạch sử dụng nồng độ kali 370 ppm giúp cây phát triển tốt về chiều cao, số lá, diện tích lá, các chỉ tiêu năng suất và chất lượng quả và hiệu quả kinh tế tăng (năng suất thực thu đạt 3,60 tấn/1.000 m2, lợi nhuận 60.970.000 đồng/1.000 m2, tỉ suất lợi nhuận 0,94).
f. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn - luận án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)