a. Tên luận văn: Biên soạn bộ công cụ để hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS tại Bình Dương
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Đinh Huy Thạch
c. Tên đơn vị công tác: Trường trung cấp Kỹ thuật Phú Giáo
d. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu biên soạn bộ công cụ để hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Giúp học sinh có định hướng đúng đắn trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Đây là luận văn của tác giả Đinh Duy Thạch thực hiện vào năm 2015. Đề tài này nhằm mục đích đưa ra một số công cụ để định hướng cho học sinh cuối cấp trung học cơ sở những tiêu chí liên quan đến việc lựa chọn nghề nghiệp, cung cấp cho học sinh những thông tin ngành nghề, tạo điều kiện và khuyến khích để học sinh có sự định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của từng em trong tương lai, cũng như góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.
Hướng nghiệp là định hướng phát triển trong nghề nghiệp để con người đó có khả năng phát triển bản thân một cách tốt nhất, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực của xã hội, đóng góp toàn diện nhất cho gia đình, xã hội. Việc định hướng sai trong nghề nghiệp sẽ mang đến nhiều bất lợi trong cuộc sống tương lai của con người.
Việc học sinh phổ thông được hướng nghiệp ngay trong khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường là một điều vô cùng quan trọng. Lựa chọn ngành nghề phù hợp để đạt được kết quả cao trong học tập và hoạt động nghề nghiệp là mong ước lớn nhất của mọi gia đình. Vì vậy làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông góp phần đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình có con em đi học, đồng thời tránh được tình trạng lãng phí tiền của của gia đình và xã hội, tránh được tình trạng học sinh chán học, bỏ học, bỏ việc do việc chọn nhầm hướng học, ngành học.
Bộ công cụ hướng nghiệp là những tư liệu, thiết bị và phần mềm ứng dụng tham gia vào quá trình hoạt động hướng nghiệp, nhằm hỗ trợ cho người học nhanh chóng tìm hiểu sự định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Bộ công cụ hướng nghiệp đầu tiên trên thế giới là do nhà tâm lý học người Mỹ John Holland (1919 - 2008) đã dày công xây dựng dựa trên lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp của ông. Ở Việt Nam, để tạo thêm thuận lợi cho học sinh định hướng nghề nghiệp một cách khoa học hiệu quả và chọn trường - ngành thi phù hợp với khả năng của từng học sinh, từ năm 2002, Bộ Giáo dục đào tạo đã cho phép ứng dụng phần mềm “Hỗ trợ tư vấn hướng học” và “Hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp” thông qua Dự án Trung học phổ thông, đây có thể được gọi bộ công cụ hướng nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và đã được sử dụng tại nhiều trường học trong toàn quốc.
Ngoài ra, cũng có một số công trình nghiên cứu liên quan đã đưa ra được một số giải pháp về định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông ở một số tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên công tác hoạt động hướng nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều bất cập chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy tác giả đã tập trung đi vào tìm hiểu giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở bậc học THCS trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Kết quả, thông qua nghiên cứu, tác giả đã biên soạn được bộ công cụ hướng nghiệp bao gồm: phần mềm trắc nghiệm tính cách, xu hướng, sở thích chọn nghề của học sinh THCS và 3 chuyên đề hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời đã đánh giá được thực trạng của việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh và công tác hướng nghiệp của các trường THCS ở tỉnh Bình Dương; góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THCS của tỉnh Bình Dương trong thời gian sắp tới.
g. Năm tốt nghiệp: 2015
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).