a. Tên luận văn: Liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trần Thị Hồng
c. Tên cơ quan cử đi học: Trường THPT Dầu Tiếng
d. Tên viện trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Thủ Dầu Một
e. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu yếu tố văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, tập trung khảo sát một số phương diện của tính liên văn bản trong tiểu thuyết của nhà văn đất Thái.
d. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Trong luận văn này, tác giả Trần Thị Hồng đã đem đến cho người đọc một bức tranh về liên văn bản trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Qua đó cho thấy, với hơn 30 năm bén duyên cùng văn chương nghệ thuật, Nguyễn Bình Phương đã đều đặn cho ra đời chín tiểu thuyết. Dù được nhận xét là “khó đọc”, song tiểu thuyết của ông vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với độc giả, không chỉ bởi nhà văn đã phả vào đó hơi thở ngồn ngộn của cuộc sống đương đại mà còn ở sự đổi mới kĩ thuật viết mang đậm cảm quan hậu hiện đại mà nổi bật nhất là kĩ thuật liên văn bản. Với tài năng và bản lĩnh của người cầm bút, Nguyễn Bình Phương đã thực sự khẳng định được vị trí xứng đáng của mình trong dòng chảy văn chương đương đại Việt Nam với một lối đi riêng không thể trộn lẫn.
Lý thuyết liên văn bản chính thức ra đời từ những năm 60 của thế kỉ XX, cho đến nay, nó đã có một lịch sử hơn nửa thế kỉ. Kể từ khi ra đời, lý thuyết liên văn bản đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc dịch thuật các bài báo về lý thuyết liên văn bản mà còn có các bài nghiên cứu về việc vận dụng lý thuyết này trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy văn học.
Cũng như các nhà văn trẻ cùng thời, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Thuận, ... Nguyễn Bình Phương đã nỗ lực, bứt phá để tìm hướng đi mới cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, ta thấy một lối viết lạ, mới mẻ, từ cách nhìn hiện thực, tiếp cận nhân vật, sáng tạo cốt truyện, xây dựng không - thời gian nghệ thuật cho đến việc sử dụng ngôn từ. Chính sự lạ hóa ấy đã thu hút một lượng lớn độc giả và giới nghiên cứu phê bình văn học.
Là một cây bút được đánh giá là có nội lực sáng tạo dồi dào, văn chương nói chung và tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nói riêng đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều công trình khoa học có tính chất chuyên sâu. Nhiều khóa luận tốt nghiệp đại học và luận văn cao học đã đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu về Nguyễn Bình Phương cùng với tiểu thuyết của ông.
Trong khi nghiên cứu yếu tố liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, tác giả tập trung khảo sát một số phương diện của tính liên văn bản trong tiểu thuyết của nhà văn đất Thái, mà theo chúng tôi là cơ bản, như: sự ảnh hưởng, trích dẫn, pha trộn thể loại và sự dung hợp văn hóa. Với đề tài này, tác giả tiến hành nghiên cứu yếu tố liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thông qua việc khảo sát chín tiểu thuyết: Vào cõi (1999, NXB Thanh niên), Bả giời (2004, NXB Quân đội nhân dân), Những đứa trẻ chết già (2013, NXB Trẻ), Người đi vắng (2013, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), Trí nhớ suy tàn (2013, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), Thoạt kỳ thủy (2005, NXB Trẻ), Ngồi (2006, NXB Đà Nẵng), Mình và họ (2015, NXB Trẻ) và Kể xong rồi đi (2017, NXB Hội nhà văn).
Từ góc nhìn chủ quan, tác giả nhận thấy, đây là công trình đầu tiên nghiên cứu hệ thống, chuyên sâu về biểu hiện của tính liên văn bản và chỉ ra được những hiệu quả thẩm mĩ của tính liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Vì vậy, nếu thực hiện thành công đề tài này, luận văn sẽ có những đóng góp cơ bản sau đây: Chứng minh được sự ảnh hưởng của lí thuyết liên văn bản đến tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương nói riêng và văn học đương đại Việt Nam nói chung; chỉ ra được một trong những nét đặc trưng mang đậm dấu ấn hậu hiện đại của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, đó chính là tính liên văn bản; khẳng định được những đóng góp của Nguyễn Bình Phương trong dòng chảy văn xuôi đương đại Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
e. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn – luận án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).