a. Tên luận văn: Nghệ thuật sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Vương Hồng Sển
b.Họ và tên cá nhận thực hiện luận văn: Vũ Thị Việt Hà
c. Tên đơn vị công tác: Trung tâm GDTX tỉnh Bình Dương
d. Tên viện, trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Thủ Dầu Một
đ. Mục tiêu nghiên cứu: Tìm hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật sử dụng thành ngữ trong tác phẩm văn chương nói chung và trong một số tác phẩm văn chương của Vương Hồng Sển nói riêng.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Trong lời nói hằng ngày, nhân dân thường vận dụng tục ngữ, ca dao, thành ngữ để lời nói thêm bóng bẩy, hàm súc, hoặc muốn rút ngắn một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, mỗi thành ngữ mà chúng ta sử dụng lại mang rất nhiều giá trị, vì đằng sau nó là những câu chuyện hoặc là những vấn đề được cha ông ta đúc kết và truyền dạy cho nhiều thế hệ. Vì vậy, trong đời sống để hiểu được giá trị, ý nghĩa của những câu thành ngữ thì sự vận dụng càng có ý nghĩa hơn.
Thành ngữ không chỉ được sử dụng trong lời nói hằng ngày, mà còn đƣợc vận dụng nhiều trong các tác phẩm văn chương. Trong quá trình sáng tác, tác giả vận dụng thành ngữ dưới nhiều hình thức; không chỉ vận dụng nguyên dạng, mà còn vận dụng cải biến từ nội dung đến hình thức hoặc chỉ mượn ý để sáng tạo theo văn phong cũng như dụng ý của tác giả. Vì vậy, nghiên cứu thành ngữ trong văn chương, chính là nghiên cứu tiếng Việt, tìm hiểu những nét đẹp, sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ tiếng Việt. Do đó, tác giả Vũ Thị Việt Hà đã chọn chủ đề “Nghệ thuật sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Vương Hồng Sển” làm luận văn thạc sĩ của mình.
Vương Hồng Sển là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng của thế kỷ XX. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam, rất được kính trọng trong giới sử học, cũng như khảo cổ ở Việt Nam và có nhiều tác phẩm giá trị. Ngôn ngữ trong sáng tác của Vương Hồng Sển rất chân chất, mộc mạc, giản dị và mang đậm ngôn ngữ của vùng đất Nam bộ. Đặc biệt, ông đã sử dụng thành ngữ là cái vốn của văn học dân gian vào tác phẩm của mình rất thành công và tạo nên đặc trưng cho ngôn ngữ văn chương của nhà văn.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Vương Hồng Sển như: Thú chơi sách (1960); Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960, III 1992); Hồi ký 50 năm mê hát (1968); Phong lưu cũ mới (1970); Thú xem chuyện Tàu (1970); Thú chơi cổ ngoạn (1971); Chuyện cười cố nhân (1971); Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972)…
Các công trình nghiên cứu về ông chỉ mới dừng lại ở việc xem xét, đánh giá ông với tư cách là một nhà văn hóa, sưu tầm đồ cổ, chứ chưa đi sâu vào tác phẩm của ông với các giá trị văn học. Bản thân người viết mới cập nhật, đọc được một luận văn thạc sĩ của Phạm Sinh (2016), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với đề tài “Tạp bút Vương Hồng Sển dưới góc nhìn văn hóa”, chuyên ngành Văn học Việt Nam. Ở đề tài này, người viết dựa vào các phạm trù văn hóa để hiểu hơn mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, đi sâu vào tạp bút của Vương Hồng Sển để chỉ ra các yếu tố văn hóa chứa đựng trong tác phẩm cũng như cách thể hiện các giá trị văn hóa đó trong thể loại tạp bút của nhà văn. Qua đó, khẳng định phong cách, giá trị nhân văn, vị trí và vai trò của Vương Hồng Sển trong nền Văn học Việt Nam và nhất là những đóng góp của ông cho nền văn hóa dân tộc.
Thông qua nghiên cứu, Luận văn đã góp phần làm sáng tỏ những đặc trưng về hình thức và nội dung ngữ nghĩa của các đơn vị thành ngữ tiếng Việt. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc xác định cương vị, đặc điểm của các đơn vị khác nhau trong hệ thống từ vựng, bao gồm cả bản thân thành ngữ cũng như các đơn vị lân cận như từ ghép, quán ngữ, từ ngữ. Kết quả nghiên cứu cũng góp phần khẳng định thêm tầm quan trọng của thành ngữ trong việc hình thành nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm của Vương Hồng Sển nói riêng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này còn giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về phong cách của Vương Hồng Sển cũng như giá trị nhân văn trong các sáng tác của ông. Kết quả nghiên cứu của luận văn cũng góp tư liệu cho việc giảng dạy, học tập tiếng Việt nói chung và thành ngữ nói riêng trong nhà trường phổ thông cũng như trong đời sống xã hội.
g. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).