a. Tên luận văn: Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết “Giữa dòng chảy lạc” và “Cuộc đời ngoài cửa” của Nguyễn Danh Lam
b. Họ và tên cá nhận thực hiện luận văn: Lê Thị Kim Liên
c. Tên đơn vị công tác: Trung tâm GDTX - GDNN Tân Uyên
d. Tên viện, trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Thủ Dầu Một
đ. Mục tiêu nghiên cứu:
- Khái quát những đặc trưng trong "Lối viết tiểu thuyết" của nhà văn. Đồng thời khẳng định vị thế và đóng góp của tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam vào sự phong phú cũng như sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam đương đại
- Đây sẽ là tài liệu tham khảo về văn học Việt Nam qua việc tìm hiểu những thành công trong nghệ thuật tự sự của một nhà văn Việt Nam đương đại.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, tiểu thuyết phát triển thực sự sôi nổi với sự xuất hiện của nhiều cây viết trẻ có ý thức rất rõ trong việc cách tân, đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết. Từ đây hình thành làn sóng thứ ba với tên tuổi của các nhà văn mang tinh thần “phản vấn” như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Đình Tú, Vũ Đình Giang… Trong làn sóng đổi mới tiểu thuyết đó, Nguyễn Danh Lam nổi lên là một gương mặt trẻ có những đóng góp đáng kể cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Nhà văn Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972. Tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện làm biên tập viên tại báo Mực Tím - Khăn Quàng Ðỏ - Nhi Ðồng Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Danh Lam là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, và là Uỷ viên Ban Nhà văn trẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8. Là gương mặt nhà văn trẻ có nhiều tìm tòi, thể nghiệm trong lối viết mới, tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam là đối tượng quan tâm của khá nhiều bài viết ở những mức độ, tầm cỡ khác nhau.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài một tập thơ và hai tập truyện ngắn, Nguyễn Danh Lam đã cho ra đời thêm bốn tiểu thuyết. Nếu như hai tiểu thuyết đầu tay (Bến vô thường; Giữa vòng vây trần gian) còn chưa tạo được ấn tượng với bạn đọc bởi sự khó đọc thì hai tiểu thuyết sau (Giữa dòng chảy lạc và Cuộc đời ngoài cửa) đã thể nghiệm sự sáng tạo mới, đánh dấu bước đột phá trong cách tân nghệ thuật để đến gần với công chúng.
Xuất phát từ đó, năm 2018, tác giả Lê Thị Kim Liên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp Tân Uyên đã chọn chủ đề “Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết "Giữa dòng chảy lạc" và "Cuộc đời ngoài cửa" của Nguyễn Danh Lam” làm đề tài luận văn thạc sĩ cho mình. Công trình nghiên cứu đã khái lược về tự sự học và hành trình sáng tác; nghệ thuật tự sự qua tổ chức cốt truyện, thời gian, không gian trần thuật; nghệ thuật tự sự qua phương thức trần thuật của nhà văn Nguyễn Danh Lam.
Tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu để chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam với một số tác phẩm của các nhà văn cùng thời. Từ đó thấy được đặc điểm sáng tạo riêng của Nguyễn Danh Lam trong văn học Việt Nam đương đại; Dựa vào lý thuyết tự sự, tác giả đã thống kê và phân tích các kiểu người kể chuyện và điểm nhìn, các lớp ngôn ngữ và sắc thái giọng điệu, các cách tổ chức cốt truyện, thời gian, không gian trần thuật trong Giữa dòng chảy lạc và Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam. Ngoài ra, tác giả còn thống kê tần suất xuất hiện của một số hình ảnh, biểu tượng có ý nghĩa trong hai tiểu thuyết này.
Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng phương pháp cấu trúc xem xét văn bản nghệ thuật trong một chỉnh thể giữa nội dung và hình thức, từ đó làm sáng tỏ giá trị mối quan hệ giữa chúng và đi đến giải mã ý nghĩa văn bản. Ngoài ra, luận văn còn vận dụng lý thuyết tự sự học và thi pháp học kết hợp các thao tác phân tích, tổng hợp và đánh giá vấn đề để tìm hiểu tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam.
Thông qua nghiên cứu, Luận văn đã khái quát những đặc trưng trong “lối viết tiểu thuyết” của nhà văn, đồng thời khẳng định vị thế và đóng góp của tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam vào sự phong phú cũng như sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Luận văn cũng sẽ là một tài liệu tham khảo về Văn học Việt Nam qua việc tìm hiểu những thành công trong nghệ thuật tự sự của một nhà văn Việt Nam đương đại.
f. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).