a. Tên luận văn: Thơ Huỳnh Văn Nghệ trong dòng chảy của thơ kháng chiến ở Nam Bộ giai đoạn 1945 - 1954
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trần Thị Mai
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Bình An
d. Tên viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Thủ Dầu Một
e. Mục tiêu nghiên cứu: Đưa đến một hướng nghiên cứu mới khi đặt thơ Huỳnh Văn Nghệ trong dòng chảy của thơ kháng chiến ở Nam Bộ, từ đó thấy được những nét tương đồng, khác biệt trong nội dung cũng như cách thức thể hiện của một nhà thơ, chiến sĩ được mọi người ưu ái với tên gọi "Thi tướng rừng xanh" với các nhà thơ khác cùng thời. Qua đó, thấy được đóng góp của thơ Huỳnh Văn Nghệ trong nền thơ văn kháng chiến chống Pháp nước nhà.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Văn học kháng chiến nói chung và thơ ca kháng chiến ở Nam bộ nói riêng không chỉ là tiếng nói phản ảnh khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến mà thơ văn kháng chiến còn là vũ khí sắc bén để tuyên truyền cũng như động viên, cổ vũ tinh thần, tạo niềm tin, sự hứng khởi cho hàng triệu trái tim đấu tranh vì sự bình yên cho dân tộc.
Đến với Huỳnh Văn Nghệ, ta bắt gặp một hồn thơ gần gũi, bình dị. Từng lời thơ được tác giả viết ra như những lời tâm tình, phản ánh chân thực những gì đang diễn ra nơi mảnh đất quê hương, những gì người chiến sỹ Huỳnh Văn Nghệ đã tận mắt chứng kiến trong cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc… Trong 09 năm kháng chiến chống Pháp, thơ Huỳnh Văn Nghệ từ 1945 - 1954 đã ghi lại những vẻ đẹp tuyệt vời của con người Việt Nam anh hùng, dũng cảm giữa tột cùng gian khổ, hy sinh vẫn tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Do vậy, tác giả Trần Thị Mai đã lựa chọn đề tài “Thơ Huỳnh Văn Nghệ trong dòng chảy của thơ kháng chiến ở Nam Bộ giai đoạn 1945 - 1954” làm nhiệm vụ nghiên cứu luận văn thạc sỹ, với mong muốn đưa đến một hướng nghiên cứu mới khi tìm hiểu thơ Huỳnh Văn Nghệ trong cái nhìn tương quan đối sánh với các nhà thơ Nam bộ cùng thời khác. Từ đó, nhận thấy được những đóng góp của thơ Huỳnh Văn Nghệ trong dòng thơ kháng chiến ở Nam bộ nói riêng và thơ kháng chiến của dân tộc nói chung.
Bằng cách vận dụng các phương pháp nghiên cứu phân tích, cấu trúc - hệ thống, so sánh, tổng hợp,… tác giả đã thực hiện nghiên cứu tìm hiểu diện mạo thơ kháng chiến ở Nam Bộ giai đoạn 1945 - 1954; tìm hiểu một cách ngắn gọn về con người, cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ; nghiên cứu những cảm hứng chính trong thơ của Huỳnh Văn Nghệ giai đoạn 1945 - 1954; nghệ thuật thơ của Huỳnh Văn Nghệ trong dòng chảy của thơ kháng chiến ở Nam Bộ giai đoạn 1945 - 1954;…
Kết quả cho thấy, cuộc đời và sự nghiệp của Huỳnh Văn nghệ là cuộc đời của một người chiến sỹ. Bên cạnh việc cầm súng đánh giặc còn là những vần thơ chan chứa tình yêu đời, yêu người, yêu quê hương, đất nước. Và khi đặt thơ ông trong dòng chảy của thơ dân tộc ta thấy những nét tương đồng về nội dung thể hiện, tuy nhiên xét ở một khía cạnh nào đó thì thơ ông là một cõi riêng. Và cõi riêng ấy mang tên “thi tướng rừng xanh” thấm đậm cốt cách của một con người Nam Bộ giản dị, thật thà, chất phác, ẩn đằng sau một trái tim nung nấu yêu thương.
g. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn - luận án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).