a. Tên luận văn: Truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư - Từ tác phẩm văn học sang điện ảnh
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Thị Vân
c. Tên đơn cơ quan cử đi học: Trường THPT Bình An
d. Tên viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Thủ Dầu Một
e. Mục tiêu nghiên cứu:
- Phân tích những tương đồng gần gũi và khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh.
- Soi chiếu cụ thể, cho tiết vào phim Cánh đồng bất tận. Từ đó, phát hiện những điểm sáng những yếu tố, chất liệu có sẵn của truyện ngắn Cánh đồng bất tận tạo nên thành công khi chuyển thể sang phim điện ảnh ở phương diện nhân vật và kết cấu.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống của con người ngày càng được nâng cao về vật chất và tinh thần, từ đó nhu cầu thẩm mỹ của con người ngày một thay đổi, cụ thể là “món ăn tinh thần” của nghệ thuật thứ 7 đòi hỏi sự chắt lọc kĩ lưỡng, tỉ mỉ về chất lượng.
Nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn đều là những con người làm nghệ thuật, sản sinh nghệ thuật, yêu quý trân trọng nghệ thuật, nâng niu và gìn giữ, bảo lưu cái đẹp, những tâm hồn cao quý ấy đã gặp gỡ, đồng điệu, giao hòa và trở thành tri âm tri kỉ qua những tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh. Đó chính là sự chuyển thể từ tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh. Từ con đẻ nghệ thuật của ngôn từ, câu chữ sang một thế giới điện ảnh với hình ảnh, âm thanh nhưng ở đó người ta vẫn bắt gặp được cái hồn cốt, bóng dáng, hình hài của tác phẩm văn học mặc dù tác phẩm đó đã có một đời sống tái sinh mới.
Nguyễn Ngọc Tư được coi như một “Đặc sản Nam Bộ”, sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thu hút sự chú ý rất nhiều của các nhà văn và đông đảo bạn đọc. Nhiều tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư đã được dựng thành phim như Cải ơi và Biển đời mênh mông chuyển thể thành phim Cải ơi. Nhưng có thể nói bộ phim điện ảnh Cánh đồng bất tận là bộ phim thành công nhất trong những tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư sang điện ảnh nói riêng và là một thành công mới của điện ảnh Việt Nam nói chung với một nội dung gây xúc động cùng những khung hình đẹp như tranh, âm thanh giàu cảm xúc và diễn xuất tâm huyết của dàn diễn viên.
Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh là một phạm trù phức tạp và rộng lớn. Việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh là công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, kiến thức hiểu biết rộng. Hơn nữa, tác giả của nghiên cứu này là Nguyễn Thị Vân không có tham vọng tìm hiểu tất cả những vấn đề chuyển thể từ tác phẩm văn học sang điện ảnh. Vì vậy, trong khả năng của mình, tác giả luận văn chỉ nghiên cứu nghệ thuật chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh từ phương diện nhân vật và kết cấu là đối tượng nghiên cứu chính. Để làm rõ nội dung của hai đối tượng trên, tác giả khảo sát qua trường hợp: Chuyển thể truyện ngắn Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sang bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận ra rằng, tác phẩm văn học đã chấp cánh để cho tác phẩm điện ảnh Cánh đồng bất tận lan tỏa, bay cao và thăng hoa trên con đường nghệ thuật thứ 7 của mình, tự tin, vững chắc sánh vai cùng các bộ phim chuyển thể nổi tiếng khác và giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Từ đó, kho tàng tác phẩm chuyển thể lại đón nhận thêm đứa con tinh thần chất lượng từng thước phim, khuôn hình, góc quay,… mang lại thông điệp nhân văn, lạc quan, tươi sáng, niềm tin và sự tha thứ đến mọi người. Đồng thời, thành công của tác phẩm điện ảnh Cánh đồng bất tận cũng đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ ngược lại đối với tác phẩm văn học, tác phẩm văn học có bạn đọc của nó nhưng khi nó chuyển thể thành phim, nó đã có thêm rất nhiều khán giả chưa từng đọc qua tác phẩm văn học sẽ tìm về với nguyên tác. Cho nên, tác giả luận văn hi vọng khán giả sẽ có được cái nhìn cởi mở, khách quan, đa chiều, thiện cảm và trân trọng thành quả lao động của cả một tập thể làm phim Cánh đồng bất tận.
g. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn - luận án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).