a/Tên nhiệm vụ: Ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng trước - trong thời kỳ mang thai của bà mẹ với chiều dài và cân nặng trẻ sơ sinh tại tỉnh Bình Dương năm 2009 - 2010
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Sở Y tế tỉnh Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. BS Văn Quang Tân và cá nhân tham gia chính:
1. BS. CKII. Phạm Ngọc Thủy
2. BS. CKII. Phan Thị Hòa
3. BS. CKII. Nguyễn Thị Thanh Hội
4. BS. CKII. Đào Thị Mỹ Phượng
5. CN. Nguyễn Thị Chín
d/ Mục tiêu nhiệm vụ: Nghiên cứu ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng trước và trong thời kỳ mang thai của bà mẹ lên chiều dài và cân nặng của trẻ sơ sinh tại tỉnh Bình Dương.
c/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Sức khỏe và sinh dưỡng là những vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Tình trạng dinh dưỡng có mối quan hệ chặt chẽ với sức khỏe. Thiếu hay thừa chất dinh dưỡng đều gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Trong số các đối tượng thì trẻ em, thanh thiếu niên mà đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ sinh dưỡng. Dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp, chi phối sức khỏe của trẻ từ khi trẻ còn là bào thai cho đến suốt cuộc đời trẻ.
Với mong muốn góp phần đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng: cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thông qua giảm tỉ lệ trẻ sinh nhẹ cân và giảm tình trạng thiếu sinh dưỡng của phụ nữ mà đề tài “Ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng trước- trong thời kỳ mang thai của bà mẹ với chiều dài, cân nặng của trẻ sơ sinh tại tỉnh Bình Dương năm 2009-2010” đã được thực hiện.
II. Kết quả thực hiện
Tổng quan
Đề tài được tiến hành nghiên cứu tại ba huyện, thị: Tân Uyên, Thuận An, Thủ Dầu Một từ năm 2009 đến năm 2010, thực hiện qua hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1 điều tra cắt ngang 3000 phụ nữ có chồng đang mong đợi có thai.
- Giai đoạn 2 thực hiện theo dõi 1000 thai phụ từ lúc có thai cho đến khi kết thúc thai kì tại các cơ sở y tế tỉnh Bình Dương. (Kết quả khảo sát cuối cùng là kết quả khảo sát từ 945/1000 thai phụ).
Quá trình điều tra, nghiên cứu được tiến hành thực hiện dựa theo những mục tiêu cụ thể được đặt ra ban đầu:
- Đánh giá thực trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao, BMI (chỉ số khối cơ thể), thiếu máu và kiến thức dinh dưỡng của các bà mẹ trước và trong thai kỳ tại tỉnh Bình Dương, năm 2009 - 2010.
- Theo dõi mức tăng cân của bà mẹ ở các quý của thai kỳ.
- Xác định chiều dài, cân nặng trung bình và tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân tại tỉnh Bình Dương năm 2009 - 2010.
- Tìm hiểu mối liên hệ giữa tình trạng dinh dưỡng của mẹ với chiều dài và cân nặng của trẻ sơ sinh.
Tình trạng dinh dưỡng và chỉ số nhân trắc của bà mẹ và trẻ sơ sinh
Phụ nữ mang thai có trung bình cân nặng trước khi mang thai là 46,6kg ± 5,86 và khi sinh là 59,4kg ± 6,77. Tăng cân trung bình 11,5 kg ± 3,5 trong cả quá trình mang thai. Chiều cao trung bình trong mẫu nghiên cứu là 154,1cm± 4,96 và chỉ có 4,9% bà mẹ có chiều cao ở mức dưới 145cm. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của bà mẹ trước khi mang thai trung bình là 19,4 ± 2,24; trung bình khi sinh là 25± 2,6.
Tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ trước khi mang thai trong nghiên cứu này là 16,7% và khi sinh là 5,9% thấp hơn so với các kết quả nghiên cứu trước đây.
Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh là 3082,5gr ± 365,4. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân là 9,7%, trong đó tỷ lệ trẻ đẻ non thấp cân là 66,3% và tỷ lệ trẻ sinh đủ tháng mà thấp cân là 0,47%.
Chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh là 49,3cm ± 1,5.
Mối liên quan giữa cân nặng, chiều dài trẻ khi sinh với tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ khi mang thai
Cân nặng của phụ nữ trước khi mang thai và tuần tuổi thai khi sinh có liên quan đến cân nặng trẻ khi sinh và có liên hệ đến nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân. Mẹ có cân nặng dưới 45kg và tuần tuổi thai dưới 37 tuần là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao sinh ra trẻ nhẹ cân.
BMI của bà mẹ khi sinh có liên quan chặt chẽ đến cân nặng trẻ khi sinh. Cụ thể: Mẹ có BMI khi mang thai dưới 18,5 và mức tăng cân dưới 9kg trong thai kỳ là yếu tố có nguy cơ cao sinh con nhẹ cân.
Cân nặng của mẹ trước khi có thai và khi sinh có mối liên quan chặt chẽ với chiều dài của trẻ khi sinh. Cụ thể: Mẹ có cân nặng dưới 45kg là yếu tố nguy cơ sinh trẻ có chiều dài nhỏ hơn 50cm.
Giải pháp cải thiện, nâng cao sức khỏe của phụ nữ, sức khỏe của bà mẹ và trẻ em ở tỉnh Bình Dương
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, có thể thấy rằng tình trạng dinh dưỡng của mẹ có liên quan mật thiết, chặt chẽ với cân nặng, chiều dài của trẻ sơ sinh. Chính vì vậy, để nâng cao sức khoẻ cho trẻ em, giảm tình trạng trẻ sinh nhẹ cân, tăng chiều dài trẻ sơ sinh, tăng chiều cao trẻ nhỏ và người trưởng thành thì chăm sóc cho trẻ em, trẻ nhỏ, chăm sóc sức khoẻ cho các bà mẹ khi mang thai là chưa đủ. Cần và phải chăm sóc và cải thiện sức khoẻ cho phụ nữ, khi họ còn là những bé gái. Sự chăm sóc, cải thiện này phải được thực hiện từ rất sớm, từ khi trẻ còn là bào thai trong bụng mẹ.
Chiến lược chủ động được đưa ra chính là cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai.
III. Kết luận
Đây là nghiên cứu đầu tiên, có tính qui mô và hệ thống về tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có gia đình và phụ nữ mang thai cũng như các yếu tố có liên đến chiều dài và cân nặng của trẻ khi sinh đầu tiên ở tỉnh Bình Dương
Kết quả thu được của đề tài là cơ sở khoa học để xây dựng các hoạt động can thiệp, dự phòng để giải quyết các vấn đề sức khoẻ sinh sản trong tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 3/2009
- Thời gian kết thúc: 4/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 476.481.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).