a/ Tên nhiệm vụ: Đánh giá tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi thở máy tại Khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và khuyến cáo sử dụng kháng sinh ban đầu hợp lý
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: BSCKI. Huỳnh Phước Quang và cá nhân tham gia chính:
1. BSCKI. Huỳnh Trương Anh Đức
2. BS Lý Văn Trãi
3. ĐD. Nguyễn Thị Nguyệt Nga
d/ Mục tiêu nhiệm vụ: Định danh vi khuẩn gây viêm phổi liên quan thở máy tại khoa hồi sức tích cực - chống độc; khảo sát tình hình đề kháng đối với kháng sinh vi khuẩn gây viêm phổi thở máy; xác định tỉ lệ vi khuẩn sinh ESBL; đánh giá tỉ lệ chọn kháng sinh ban đầu theo kinh nghiệm phù hợp với kết quả kháng sinh đồ; đưa ra khuyến cáo sử dụng kháng sinh ban đầu hợp lý cho bệnh nhân thở máy.
đ/ Kết quả thực hiện nhiệm vụ tóm tắt:
Đặt vấn đề
Viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các trường hợp nhiễm trùng bệnh viện. Viêm phổi bệnh viện thường gặp tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, đặc biệt rất thường gặp trên bệnh nhân thở máy. Tác nhân gây bệnh viêm phổi bệnh viện thường là các vi khuẩn đa kháng thuốc gây khó khăn cho điều trị.
Việc chọn lựa kháng sinh hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định kinh phí cũng như thành công của quá trình điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, việc chọn lựa kháng sinh ban đầu theo kinh nghiệm (kháng sinh dùng cho bệnh nhân trước khi có kết quả cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ) chủ yếu dựa vào các khuyến cáo của nước ngoài, sách giáo khoa chuyên ngành, các công trình nghiên cứu của các bệnh viện trong khu vực. Tuy nhiên, do vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện ở mỗi bệnh viện khác nhau mà trước đây chưa có nghiên cứu thống kê viêm phổi bệnh viện tại tỉnh Bình Dương nên việc chọn lựa này đa số không phù hợp.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cần và phải có một công trình nghiên cứu để đánh giá tình hình kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi thở máy và đưa ra khuyến cáo sử dụng kháng sinh ban đầu hợp lý.
Kết quả thực hiện
Tổng quan
Xuất phát từ lý do trên, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đã tiến hành thực hiện đề tài “Đánh giá tình hình kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi thở máy tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và khuyến cáo sử dụng kháng sinh ban đầu hợp lý”. Trên cơ sở mẫu bệnh phẩm từ đàm của bệnh nhân thở máy (sau 48h) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, nhóm thực hiện tiến hành các nghiên cứu sau:
- So sánh, phân tích, đánh giá cách lấy bệnh phẩm là dịch rửa phế quản, dịch rửa phế nang qua nội soi phế quản và cách lấy bệnh phẩm bằng cách hút đàm nội khí quản để tìm phương án tối ưu
- Cấy vi khuẩn định lượng vào 200 mẫu bệnh phẩm và phân tích định danh vi khuẩn bằng test AP
- Thực hiện kháng sinh đồ để chọn kháng sinh phù hợp
- Xác định tỷ lệ vi khuẩn sinh ESBL (Extended spectrum beta-lactamases) bằng phương pháp Jarlier để khuyến cáo sử dụng kháng sinh phù hợp
Tình hình kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi thở máy tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
Đặc điểm lâm sàng viêm phổi thở máy (viết tắt: VPTM)
Tỉ lệ VPTM là 41.5%, tác nhân gây VPTM nhiều nhất là Acinetobacter baumannii (24.1%) kế tiếp lần lượt là: Klebsiella pneumoniae (15.7%), E.coli (13.9%), staphylococcus aureus (8.3%), Enterococcus (6.5%).
Tỉ lệ tử vong của VPTM là 66.7%
Tỉ lệ sinh ESBL (Extended spectrum beta-lactamases, Men benta-lactamase phổ rộng) của E.coli, Klebsiella pneumoniae, và các Enterobacteriae khác lần lượt là: 66.7%, 82.4%, 83.3%.
Tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh viêm phổi
Staphylococcus aureuskháng 100% với Methicillin, kháng Levofloxacin 66.7%, kháng Amikacin 66.7%, kháng Vancomycin và Linezolid 0%.
Enterococcus kháng Doxycillin (57.1%), kháng Chloramphenicol 42.9%, kháng Linezolid 28.6%, kháng Vancomycin 14.3%, kháng Ampicillin 0%.
E. coli khángCetazidim 100%, kháng Levofloxacin 80%, Ticarcillin+ clavulanic acid 40%,Piperacillin+tazobactam 20%, kháng Amikacin 13.3%, Imipenem 0%, ,
Klebsiella pneumoniae Cetazidim 100%, kháng Levofloxacin 94.1% kháng Amikacin 52.9%, Ticarcillin+ clavulanic acid 47.1%, iperacillin+tazobactam 29.4%, kháng Imipenem 5.9%.
Acinetobacter baumanii là vi khuẩn đa kháng kháng sinh: kháng ceftazidim 100%, kháng Imipenem/Meropenem 80.8%, kháng Tobramycin 76.9%, kháng Tetracillin/Doxycillin 69.2%, kháng Colistin 15.4%, kháng Sulbactam+Cefoperazon 11.5%.
Pseudomonas aeruginosa là vi khuẩn đa kháng kháng sinh: kháng ceftazidim 100%,kháng Amikacin 77.8%, kháng Ticarcillin+ clavulanic acid 44.4%, kháng colistin 33.3%, kháng Imipenem 22.2% kháng Piperacillin+tazobactam 22.2%.
Tỉ lệ chọn kháng sinh ban đầu phù hợp với kết quả kháng sinh đồ: 7.2%.
Giải pháp đề xuất để chọn kháng sinh viêm phổi thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
Qua nghiên cứu, nhóm thực hiện đề xuất xây dựng lưu đồ chọn kháng sinh ban đầu như sau:
- Carbapenem (Imipenem/Meropenem) hoặc Piperacillin+tazobactam/Ticarcillin+Clavulanic acid) ± Amikaci
- Thêm: Colistin / sulbactam + Cefoperazon (Acinetobacter baumannii
- Thêm : Vancomycin (MRSA)
- Thêm: Metronidazol hoặc Clindamycin nếu có vi khuẩn kỵ khí (đối với Piperacillin+tazobactam/Ticarcillin+Clavulanic acid). Đối với Carbapenem (Imipenem/Meropenem) thì phổ kháng sinh đủ rộng phủ cả vi khuẩn kỵ khí, không cần thêm Metronidazol hoặc Clindamycin.
Kết luận
Đây là công trình nghiên cứu mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện đặc biệt là ở giá trị kinh tế- xã hội. Công trình nghiên cứu đã đưa ra giải pháp giúp bệnh nhân viêm phổi được điều trị kháng sinh thích hợp ngay từ đầu để ngừng sự tiến triển bệnh, duy trì sự sống, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, đề tài có khả năng mở rộng, đi chuyên sâu, tiến hành xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện để ngăn ngừa viêm phổi trên bệnh nhân thở máy, làm giảm gánh nặng chi phí sử dụng kháng sinh, mang đến hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 12/2012
- Thời gian kết thúc: 5/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 277.021.000 đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).