a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây măng cụt và sầu riêng tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Cây ăn quả miền Nam
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Trần Thị Oanh Yến và cá nhân tham gia chính:
1. PGS - TS Trần Anh Dũng
2. Ths. Nguyễn Ngọc Thi
3. Ths. Đào Thị Bé Bảy
4. Ths. Đỗ Văn Khang
5. KS. Phạm Thành Chul
6. KS. Huỳnh Văn Chánh
7. KS. Lê Thị Cẩm Tú
8. KS. Phan Vĩnh Thân
d/ Mục tiêu nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá và khảo sát hiện trạng cây măng cụt và sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bằng phương pháp truyền thống kết hợp với những kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại để chọn được những giống tốt có độ thuần cao. Từ đó tuyển chọn được những cây giống đầu dòng tốt cho sản xuất và những cây giống địa phương có giá trị khác nhằm phục vụ cho công tác bảo tổn và phát triển nguồn gen cây măng cụt và sầu riêng của tỉnh.
đ/ Kết quả thực hiện nhiệm vụ tóm tắt:
I. Đặt vấn đề:
Măng cụt (Garcinia mangostana L.) và sầu riêng (Durio zibethinus Murr.) là hai chủng loại cây ăn quả đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là hai trong mười một chủng loại cây ăn quả có tiềm năng xuất khẩu lớn ở Việt nam. Chúng được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam (Vĩnh Long, trà Vinh, Bến Tre, Bình Dương, Lâm Đồng…).
Hiện nay, trong tình hình chung của các tỉnh miền Đông Nam bộ, đó là công nghiệp ngày càng phát triển, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, Bình Dương là một tỉnh không ngoại lệ. Mặc dù, tỉnh Bình Dương đang phát triển công nghiệp nhưng vẫn còn duy trì được vùng chuyên canh nông nghiệp với các loại cây ăn quả nổi tiếng như: Măng cụt Lái Thiêu, sầu riêng Bến Cát, bưởi Bạch Đằng,… với xu thế phát triển công nghiệp và đô thị hóa như hiện nay, diện tích đất trồng ở những vùng canh tác cây nông nghiệp truyền thống ngày càng mất dần.
II. Kết quả nghiên cứu:
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra và thu thập các thông tin về giống, cơ sở sản xuất giống từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng Nông nghiệp các huyện, thị xã; Trung tâm Khuyến nông; Hội Nông dân, cau lạc bộ cây ăn quả, nhà vườn, trại sản xuất giống cây ăn quả… tại các huyện Thuận An, bến cát, dầu Tiếng, Phú Giáo và thành phố Thủ Dầu Một theo phiếu điều tra và mô tả soạn sẵn. Trong đó, có 25 phiếu điều tra hiện trạng trồng sầu riêng và 75 phiếu điều tra hiện trạng trồng măng cụt; 12 hộ mua bán cây giống và 20 vựa hay hộ bán quả sầu riêng, măng cụt tại Bình Dương.
Sau đó, tiến hành khảo sát đánh giá nguồn gen cây măng cụt và sầu riêng tỉnh Bình Dương và thu thập được 09 giống/ dòng sầu riêng trồng hạt có đặc điểm cần cho công tác lai tạo giống sau này như thịt quả hồng, béo nhiều… và 05 dòng thuộc 03 giống sầu riêng thương phẩm như Monthong, Ri6 và Cơm vàng Sữa hạt lép; 05 dòng măng cụt có chất lượng cao, quả to, năng suất cao. Trong đó, tuyển chọn và đủ điều kiện công nhận cây đầu dòng cho 02 dòng sầu riêng mang mã số MoBD-03 thuộc giống sầu riêng Monthong và dòng sầu riêng Ri6BD-01 thuộc giống sầu riêng Ri6, có tỉ lệ ăn được (%) cao (41,92±7,86 và 30,13±1,51, tương ứng), chất lượng ngon, năng suất cao và 02 dòng măng cụt mang mã số MCBD-12 và MCBD-10 có năng suất và chất lượng cao.
Kết quả điều tra và phân bố măng cụt trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy măng cụt được trồng tập trung tại thị xã Thuận An (650,35ha); thành phố Thủ Dầu Một (82,0 ha); Dầu Tiếng (48,0 ha); Bến Cát (116,0 ha), ngoài ra măng cụt cũng được trồng rải rác diện tích nhỏ ở các huyện Tân Uyên; Phú Giáo; Dĩ An.
Thu thập, nhân giống, tính đa dạng, di truyền giữa cây con - cây mẹ và chuyển giao các dòng sầu riêng tốt để bảo tồn và khai thác được nhóm tác giải đánh giá bằng chỉ thị phân tử SSR và RAPD. Bên cạnh đó, việc nhân giống cây măng cụt từ hạt sẽ tạo ra cây con giống cây mẹ và nhân giống vô tính sầu riêng bằng phương pháp ghép cành/mắt sẽ cho cây con giống cây mẹ.
Ngoài ra, tất cả các dữ liệu giống/dòng măng cụt và sầu riêng tỉnh Bình Dương bao gồm số liệu điều tra hiện trạng và sản xuất măng cụt, sầu riêng Bình Dương; số liệu đánh giá, khảo sát chất lượng các cá thể măng cụt, sầu riêng thông qua các Hội thi, tuyển chọn cây đầu dòng,… đều được lưu trữ trong phần mềm Excell. Và 12 cây măng cụt thuộc 05 cá thể măng cụt và 69 cây sầu riêng thuộc 14 giống/dòng sầu riêng được nhân giống và đã được lưu giữ tại Ex-situ
Trong năm 2011, nhóm tác giả đã tuyển chọn được 12 vườn với 19 cá thể, trong đó có 08 vườn tại thị xã Thuận An; 02 vườn tại huyện Bến Cát, 01 vườn tại huyện Dầu Tiếng và một số vườn măng cụt tại thành phố Thủ Dầu Một. Tổng số cá thể tuyển chọn và được đánh giá trong 03 nam2 2011, 2013 và 2014 là 08 vườn với 13 cá thể (do năm 2011 có 06 cá thể bị loại).
Theo đó, bản đồ dạng di truyền của các dòng măng cụt và sầu riêng; bản dồ phân hạng thích nghi của măng cụt và sầu riêng được xây dựng dựa trên điều kiện thcihs nghi về các yếu tố đất đai, nguồn nước, khí hậu của cây măng cụt và cây sầu riêng và dựa trên bản đồ đơn vị đất đai; bản đồ đất đai của tỉnh Bình Dương trước đây và do Viên Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thực hiện. Trong đó, địa chỉ các dòng măng cụt và sầu riêng triển vọng đã được xác định trên bản đồ.
III. Kết luận:
Đề tài đã giúp cho các nhà khoa học, quản lý nông nghiệp nắm bắt được hiện trạng trồng, tình hình sản xuất và tiêu thụ măng cụt và sầu riêng tỉnh Bình Dương, nhằm có chính sách hỗ trợ, tạo vùng chuyên canh, khu du lịch sinh thái tỉnh Bình Dương. Đề tài còn bảo tồn, lưu giữ các giống/dòng măng cụt, sầu riêng giống tốt giúp cho việc giữ nguồn gen cây bản địa măng cụt, sầu riêng và định hướng phát triển cây măng cụt và sầu riêng trong tỉnh.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 10/2009
- Thời gian kết thúc: 9/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 720.598.000 đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).