a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu công nghệ sản xuất ván dăm xi măng - gỗ sử dụng trong trang trí nội ngoại thất và đồ mộc
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty TNHH Một thành viên Hồng Linh
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hoàng Xuân Niên và cá nhân tham gia chính:
1. TS. Nguyễn Minh Hùng
2. ThS. Nguyễn Thị Thuận
3. ThS. Nguyễn Văn Thoại
4. ThS. Lê Công Huấn
d. Mục tiêu đề tài: Sản xuất ván dăm từ nguyên liệu gỗ và chất kết dính vô cơ. Cụ thể, tạo ra ván dăm có tính cơ học, khả năng chịu nước, chậm cháy và kháng trùng cao; tạo ra sản phẩm ván dăm không chứa formaldehyde; tạo ra 2 sản phẩm ván dăm từ điều và xi măng Hà Tiên; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất ván dăm xi măng và chuyển giao công nghệ trong nước.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Ván dăm xi măng là một trong những vật liệu hiện đại có thể thay thế gỗ. Loại sản phẩm gỗ này được dùng trong xây dựng, trong giao thông vận tải… ván dăm xi măng sản xuất đầu tiên ở Mỹ vào năm 30 của thế kỷ trước và được các công ty thương mại Đuriz của Thụy Sĩ và công ty thương mại Bizon-verka Đức hỗ trợ phát triển.
Ở Việt Nam, ván dăm xuất hiện vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước nhưng không phát triển. Chỉ từ những năm 1990, ván dăm ở Việt Nam mới được chú ý sản xuất và liên tục phát triển cho đến nay. Tuy nhiên, những sản phẩm kết hợp gỗ - xi măng được nghiên cứu từ những năm 90 của thế kỷ 20 và những năm gần dây ván dăm xi măng gỗ được nghiên cứu tại các trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Lâm nghiệp và Đại học Nông lâm. Sản phẩm nghiên cứu chỉ ở dạng thử nghiệm.
Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất ván dăm xi măng – gỗ sử dụng trong trang trí nội ngoại thất và đồ mộc” sẽ tìm ra công nghệ sản xuất ván dăm xi măng thành phẩm đáp ứng cho nhu cầu thị trường hiện nay, góp phần hạn chế sử dụng gỗ thiên nhiên trong sản xuất đồ gỗ sử dụng trong trang trí nội ngoại thất.
Mục tiêu đề tài: Sản xuất ván dăm từ nguyên liệu gỗ và chất kết dính vô cơ. Cụ thể, tạo ra ván dăm có tính cơ học, khả năng chịu nước, chậm cháy và kháng trùng cao; tạo ra sản phẩm ván dăm không chứa formaldehyde; tạo ra 2 sản phẩm ván dăm từ điều và xi măng Hà Tiên; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất ván dăm xi măng và chuyển giao công nghệ trong nước.
Sử dụng phương pháp kế thừa cơ sở lý luận khoa học các nghiên cứu về công nghệ thông qua các tài liệu tham khảo chuyên môn, kế thừa một số kết quả nghiên cứu cơ bản về cấu tạo gỗ, đặc điểm tính chất của loại gỗ nghiên cứu và phương pháp thực nghiệm đề tài thực hiện hoàn thành một số nội dung sau để đặt được mục tiêu đề ra:
- Tổng quan về vấn đề ván dăm: Lịch sử nghiên cứu và sản xuất sản phẩm ván dăm trong nước và trên thế giới; nguyên liệu sản xuất ván dăm. Qua đó cho thấy, ngành công nghiệp ván dăm trên thế giới thực sự phát triển sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Từ 1952 – 1957 sản lượng ván dăm trên thế giới tăng hơn 10 lần so và phát triển liên tục từ đó đến nay. Tại Việt Nam, sản phấm ván dăm xuất hiện hơi muộn, nên những nghiên cứu về ván dăm cũng chỉ bắt đầu từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Có 02 thành tố tham gia vào sản xuất ván dăm đó là dăm và keo.
- Nghiên cứu và thực nghiệm để xác định kích thướt dăm cao su và điều hợp lý trong kết cấu ván dăm xi măng: Ảnh hưởng của hình dạng và kích thướt dăm; nghiên cứu kích thước dăm phù hợp với ván dăm xi măng.
- Nghiên cứu và thực nghiệm để xác định tỷ lệ và loại chất phụ gia đảm bảo liên kết tốt cho xi măng với dăm gỗ cao su và gỗ điều do đặc trưng của phản ứng thủy hóa hỗn hợp xi măng - gỗ, nước khác hoàn toàn phản ứng thủy hóa thuần xi măng. Sau khi cho gỗ trộn với xi măng thì dăm gỗ cản trở tiến hành phản ứng thủy hóa của hệ thống. Nguyên nhân là các chất chiết xuất dạng đường hoặc hemicenllulose trong gỗ tạo thành đường có tác dụng phụ đối với quá trình thủy hóa.
- Nghiên cứu và thực nghiệm xác định các yếu tố công nghệ chủ yếu ảnh hưởng tới kỹ thuật tạo ván dăm xi măng gỗ (cao su và điều).
- Nghiên cứu và thực nghiệm xác định thông số cắt gọt hợp lý đối với ván dăm gỗ - xi măng trên các máy gia công gỗ thông dụng do ván dăm xi măng có đặc tính khác biệt so với ván dăm thông thường là khối lượng thể tích cao gấp 1,6 - 2 lần ván dăm thông thường và chất kết dính vô cơ nên tính chất cơ học sẽ có trị số khác.
- Xây dựng và thử nghiệm quy trình công nghệ ván dăm xi măng gỗ. Nguyên liệu là cao su và điều. Trong đó, cao su sử dụng gỗ cành ngọn nhỏ trong khai thác và gỗ phế liệu sau chế biến. Gỗ điều chủ yếu sử dụng gỗ khai thác từ vườn và phế liệu gỗ xẻ
- Kiểm tra tính chất cơ học; tính chất vật lý của ván xuất phát từ nguyên liệu phối trộn bèo và vỏ đậu phộng theo tiêu chuẩn 04TCN2-1999 (4 chỉ tiêu và phân tích đánh giá kết quả).
Như vậy, công trình đã nghiên cứu thành công ván dăm tạo ra từ xi măng Hà Tiên - dăm gỗ điều, dăm gỗ cao su có tính chất cơ học, khả năng chịu nước, khả năng chậm cháy và tính kháng trùng cao; ván dăm xi măng - gỗ không chứa formaldehyde độc hại và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất ván dăm xi măng và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Công ty TNHH Hồng Linh.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 07/2010
- Thời gian kết thúc: 09/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 528.150.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)