a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất cho huyện Phú Giáo và huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương trên cơ sở điều tra bổ sung lập bản đồ đất và bản đồ đánh giá đất đai tỷ lệ 1/25.000
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Phạm Quang Khánh và cá nhân tham gia chính:
1. TS. Nguyễn An Tiêm
2. TS. Vũ Ngọc Hùng
3. ThS. Nguyễn Quang Thưởng
4. ThS. Trà Ngọc Phong
5. ThS. Nguyễn Văn Thãi
6. ThS. Nguyễn Văn Tấn
7. ThS. Phạm Minh Thái
8. ThS. Nguyễn Thanh Phong
9. KS. Nguyễn Xuân Nhiệm
10. KS. Nguyễn Viết Bá
11. KS. Trần Văn Huệ
12. KS. Nguyễn Đình Phú
13. KS. Đinh Văn Quyết
14. KS. Ngô Vũ Sen
15. KS. Lê Đăng Long
đ/ Kết quả thực hiện nhiệm vụ tóm tắt:
Phần I: Báo cáo kết quả thực hiện đề tài trên địa bàn huyện Phú Giáo
Huyện Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương là một trong 8 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là vùng có nền kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, nơi tập trung sản xuất hàng hóa lớn với công nghệ hiện đại, tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, có hệ thống giao thông thuận lợi, thương mại dịch vụ phát triển mạnh, có mặt hàng nông sản chủ lực với tỷ suất hàng hóa cao… Với vành đai khí hậu nhiệt đới, nguồn năng lượng dồi dào, thời thiết khá ổn định, địa hình bằng phẳng với đất phù sa cổ chiếm chủ yếu, địa bàn huyện Phú Giáo phù hợp trồng các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cao sư, điều, tiêu, bắp, mì… Đây là yếu tố cơ bản nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú. Song, cùng với quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và có thể sẽ gây ra một số khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ đất nói chung.
Đất đai là tài nguyên quý giá nhất của con người. tuy nhiên, tài nguyên đất có giới hạn trong khi nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng. Vì vậy, điều tra khảo sát, đánh giá tài nguyên đất đai, làm căn cứ khoa học cho việc quản lý sử dụng tài nguyên này là rất cần thiết. Với lý do trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất cho huyện Phú Giáo và huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương trên cơ sở điều tra bổ sung lập bản đồ đất và bản đồ đánh giá đất đai tỷ lệ 1/25.000”. Trong phần này, chúng tôi chỉ tóm tắt nội dung báo cáo kết quả thực hiện đề tài trên địa bàn huyện Phú Giáo.
Mục tiêu nghiên cứu: Điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ đất, bản đồ đánh giá đất đai tỷ lệ 1/25.000 và đề xuất sử dụng tại nguyên đất tại huyện Phú Giáo, nhằm cung cấp những thông tin về tài nguyên đất làm cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý cho việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai huyện Phú Giáo. Cụ thể: Nắm vững tài nguyên đất đai huyện Phú Giáo cả về số lượng và chất lượng; chỉ ra những lợi thế và những hạn chế của đất đai; xác định khả năng thích nghi đất đai của các loại hình sử dụng đất nông nghiệp; đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất và lập bộ tư liệu tài nguyên đất huyện Phú Giáo phục vụ việc khai thác sử dụng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thực địa, phân tích, xây dựng bản đồ đất… và đạt được một số kết quả nổi bật như:
- Đất trên địa bàn huyện Phú Giáo chủ yếu là đất phù sa cổ, địa hình bằng phẳng, khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đất chủ yếu sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Có 04 quá trình hình thành đất cơ bản: Đáng kể là quá trình rửa trôi sét kèm theo rửa trôi và tích tụ sắt-nhôm hình thành ra các đất nâu đỏ và nâu vàng; quá trình gley trong các đất thủy thành và quá trình tích lũy hữu cơ ở tất cả các loại đất.
- Bản đồ đất được xây dựng ở tỷ lệ 1/25.000, với 8 đơn vị chú dẫn bản đồ, tương đương với cấp phân vị loại và loại phụ theo phân loại đất quốc gia Việt Nam.
- Phần lớn diện tích đất Phú Giáo được phân bố trên bề mặt địa hình khá bằng phẳng đến dốc nhẹ và có tầng đất hữu hiệu dày.
- Chất lượng đất có sự phân biệt khá rõ giữa các nhóm loại đất và hầu như có liên quan nhiều đến mẫu chất tạo đất, nhìn chung phần lớn diện tích đất có độ phì kém.
- Phân biệt được 27 đơn vị đất khác nhau, mỗi đơn vị tài nguyên đất đai được xem như một mô hình sinh thái nông-lâm nghiệp. Đây là cơ sở cho việc đánh giá tiềm năng đất đai của huyện đồng thời sẽ là căn cứ cho việc đưa ra các kế hoạch khai thác, bố trí, sử dụng và cải tạo đất.
- Đánh giá thích nghi các loại hình sử dụng đất như: Lúa hoặc lúa màu, chuyên rau-màu, cây công nghiệp hàng năm, cao su, điều, cây ăn quả có múi, rừng trồng, nuôi trồng thủy sản… Kết quả đã chỉ rõ mức độ thích nghi đất đai kèm theo yếu tố hạn chế của từng đơn vị đất đai đối với các loại hình sử dụng đất được đánh giá.
- Phân chia 4 vùng địa lý thổ nhưỡng để dễ quản lý, khai thác… : Vùng đất xám vàng và xám trên phù sa cổ phía Tây Bắc; vùng đất xám và xám vàng trên phù sa cổ phía Bắc và phía Tây; vùng đất xám vàng và nâu vàng trên phù sa cổ phía Nam và Đông Nam; vùng đất nâu vàng trên phù sa cổ phía Đông huyện.
- Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện và các kết quả nghiên cứu chuyên ngành đã có, đề tài đã đề nghị hướng bố trí sử dụng tài nguyên theo 4 vùng địa lý thổ nhưỡng.
Tài liệu bản đồ đất, bản đồ đánh giá đất đai tỷ lệ 1/25.000 và đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất huyện Phú Giáo chứa đựng nhiều nội dung về phân loại, quy mô, phân bố địa lý, đặc điểm và sử dụng đất. Đây là cơ sở khoa học tin cậy sử dụng cho nhiều lĩnh vực như bố trí sản xuất, quản lý, bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Phần II: Địa bàn huyện Dầu Tiếng
Huyện Dầu Tiếng – tỉnh Bình Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là vùng có nền kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, nơi tập trung sản xuất hàng hóa lớn với công nghệ hiện đại, tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học; nơi có hệ thống giao thông thuận lợi, có hệ thống thương mại dịch vụ phát triển mạnh và là vùng có số lượng và mật độ dân số cao, có thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, đặc biệt là mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Vì vậy, Dầu Tiếng không những là nơi đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của vùng, đặc biệt với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tỷ suất hàng hóa cao dẫn đầu toàn vùng như: Cao su, điều… mà còn có nhiều lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Dầu Tiếng nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới, có nguồn năng lượng dồi dào, thời tiết khá ôn hòa; địa hình khá bằng phẳng; phần lớn diện tích đất đai trên địa bàn là những đất hình thành trên phù sa cổ, là những loại đất tuy nghèo dinh dưỡng những dễ cải tạo sử dụng; những điều kiện khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng như vậy rất phù hợp với các loại cây trồng công nghiệp có giá trị cao như cao su, điều, tiêu và một số cây trồng hàng năm như bắp, mì, đậu đỗ. Đây là yếu tố cơ bản nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Do vậy, đất đai là tài nguyên quý giá nhất của con người, là tài nguyên có giới hạn, việc điều tra khảo sát, đánh giá tài nguyên đất đai, làm căn cứ khoa học cho việc quản lý sử dụng tài nguyên quan trọng là rất cần thiết và cấp bách. Vì vậy, đề tài “nghiên cứu đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất cho huyện Phú Giáo và huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương trên cơ sở điều tra bổ sung lập bản đồ đất và bản đồ đánh giá đất đai tỷ lệ 1/25.000 được tác giả đề xuất thực hiện. Trong phần này, chúng tôi chỉ giới thiệu tóm tắt kết quả thực hiện đề tài trên địa bàn huyện Dầu Tiếng.
Mục tiêu nghiên cứu: Điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ đất, bản đồ đánh giá đất đai tỷ lệ 1/25.000 và đề xuất sử dụng tài nguyên đất huyện Dầu Tiếng, nhằm cung cấp những thông tin về tài nguyên đất làm cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý cho việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai huyện Dầu Tiếng. Cụ thể: Nắm vững tài nguyên đất đai huyện Dầu Tiếng cả về số lượng và chất lượng, chỉ ra những lợi thế và những hạn chế của đất đai; xác định khả năng thích nghi đất đai của các loại hình sử dụng đất trong nông nghiệp; đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất. Lập bộ tư liệu về tài nguyên đất huyện Dầu Tiếng phục vụ khai thác sử dụng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đề tài đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như: Kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến khu vực huyện Dầu Tiếng; điều tra bổ sung bản đố đất huyện Dầu Tiếng theo quy phạm điều tra lập bản đồ đất tỷ lệ lớn; phân tích đất tại Phòng phân tích lý hóa học đất, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp và Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp miền Nam; đánh giá đất đai theo phương pháp của FAO; phương pháp chuyên gia được áp dụng trong lựa chọn, triển khai mô hình, hiệu chỉnh các modul phân tích/dự báo…
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đạt được những kết quả nổi bật như sau:
1. Tổng quan điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trong mối quan hệ với quá trình hình thành và sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Trong điều kiện tự nhiên của huyện cho thấy, có 04 quá trình hình thành đất cơ bản, đáng kể là quá trình rửa trôi sét và các cation kiềm hình thành ra các loại đất xám; quá trình phá hủy khoáng sét kèm theo rửa trôi và tích tụ sắt – nhôm hình thành ra các đất nâu vàng; quá trình gley hình thành các tầng gley trong các loại đất thủy thành và quá trình tích lũy hữu cơ trong tất cả các loại đất.
2. Điều tra bổ sung xây dựng bản đồ đất như: Các quá trình hình thành đất cơ bản; phân loại đất; tính chất các nhóm loại đất; quỹ đất theo phát sinh học thổ nhưỡng.
3. Điều tra xây dựng bản đồ đánh giá đất đai: Tổng quan về đánh giá tiềm năng đất đai; phương pháp đánh giá đất đai; loại hình sử dụng đất được đánh giá và các hệ thống sử dụng đất; xây dựng bản đồ tài nguyên đất đai.
4. Đề xuất sử dụng tài nguyên đất trên cơ sở bản đồ đất và bản đồ đánh giá đất đai: Định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng đến năm 2020 và xa hơn; hiện trạng và diễn biến sử dụng đất; phương án quy hoạch bố trí sử dụng đất cho các hoạt động kinh tế - xã hội; phân vùng địa lý thổ nhưỡng; đề xuất hướng sử dụng tài nguyên đất huyện Dầu Tiếng và đề xuất một giải pháp sử dụng tài nguyên đất. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đề nghị hướng bố trí sử dụng tài nguyên đất theo 4 vùng địa lý thổ nhưỡng. Trong đó, vùng I: Ưu tiên trồng cây công nghiệp lâu năm (cao su, điều, tiêu), cây ăn quả và đất xây dựng; vùng II: Ưu tiên phát triển lúa nước, nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả; vùng III: Ưu tiên trồng cây công nghiệp lâu năm (cao su, điều) và trồng rừng và vùng IV: ưu tiên trồng, bảo vệ rừng kết hợp trồng cây công nghiệp lâu năm (cao su, điều) và cây ăn quả.
Kết quả đề tài đã chứa đựng nhiều nội dung cơ bản về phát sinh, phân loại, quy mô, phân bố địa lý, đặc điểm và sử dụng đất. Với số liệu về quỹ đất mới, trên cơ sở phân loại đất truyền thống của Việt Nam và tiếp thu những nhận thức mới, những quan điểm hiện đại về phân loại đất trên thế giới, tài liệu thực sự là cơ sở khoa học tin cậy để sử dụng cho nhiều lĩnh vực như bố trí sản xuất, quản lý, bảo vệ và cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tài liệu còn góp phần không nhỏ trong việc trao đổi trong nước và quốc tế về khoa học đất khi ngôn ngữ phân loại được viết theo phân loại đất Quốc gia Việt Nam đồng thời có đối chiếu với hệ thống phân loại đất thế giới của WRB (2006).
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 05/2012
- Thời gian kết thúc: 02/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 1.670.394.640 đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).