a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu triển khai công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật làm nguyên liệu sử dụng sản xuất đồ mộc nội thất
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty TNHH Hiệp Nguyên
b/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hoàng Xuân Niên và cá nhân tham gia chính:
1. GĐ. Tô Tuấn Kiệt
2. PGS.TS Trần Văn Chứ
3. TS. Nguyễn Minh Hùng
4. ThS. Lê Văn Tung
5. ThS. Nguyễn Thị Thuận
6. KS. Đoàn Văn Đạt
d. Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu các thông số công nghệ sản xuất ván kỹ thuật có tính năng trang sức từ một số loài gỗ rừng mọc nhanh; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho một cơ sở sản xuất trong nước, qua đó quảng bá công nghệ, đưa công nghệ vào sản xuất thực tiễn.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Nhu cầu sử dụng vật liệu gỗ ngày càng tăng trong khi khả năng cung cấp gỗ rừng từ thiên nhiên ngày càng hạn hẹp. Trong đó, gỗ rừng tự nhiên quý hiếm, có màu sắc đẹp, vân thớ lạ lại ngày càng khan kiếm hơn nên giá thành các loại gỗ không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm gỗ nước ta đã có được vị thế nhất định tại 3 thị trường khó tính là Mỹ, EU và Nhật Bản với tỷ lệ tương ứng là 20%, 28% và 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, để sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu, ngành chế biến lâm sản Việt Nam cần một khối lượng nguyên liệu rất lớn, ngoài số lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong thiên nhiên và rừng trồng thì nước ra cũng phải nhập khẩu một lượng gỗ nguyên liệu lớn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị gia tăng của đồ gỗ Việt Nam do phụ thuộc vào gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Để giải quyết thiếu hụt về khối lượng nguyên liệu gỗ trước nhu cầu của xã hội, thì sử dụng gỗ rừng trồng là một giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, gỗ rừng trồng có ưu điểm là tốc độ phát triển nhanh, chu kỳ khai thác ngắn nhưng lại mắc phải những nhược điểm làm hạn chế phạm vi sử dụng như: Tính cơ học tương đối kém, chất gỗ mềm xốp, hàm lượng nước cao và phân bố không đều, gỗ nhiều ứng lực, dễ sản sinh co ngót, biến dạng… Do đó, cần phải nghiên cứu công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật nhằm khác phục những hạn chế của gỗ rừng trồng và đề tài “nghiên cứu triển khai công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật làm nguyên liệu sử dụng cho sản xuất độ mộc nội thất” được đề xuất triển khai thực hiện.
Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu các thông số công nghệ sản xuất ván kỹ thuật có tính năng trang sức từ một số loài gỗ rừng mọc nhanh; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho một cơ sở sản xuất trong nước, qua đó quảng bá công nghệ, đưa công nghệ vào sản xuất thực tiễn.
Đề tài tiến hành nghiên cứu các thông số tạo vân thớ giữa hai loại gỗ khác màu gồm: xà cừ - cao su, xà cừ - keo lai; keo lai – cao su và đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Thiết kế vân thớ của gỗ kỹ thuật trên cơ sở mô phỏng vân thớ và màu sắc những loại gỗ quý. Dựa trên kết quả mô phòng đường nét hai chiều tiến hành tạo hình thực thể. Mô hình thực thể trong máy tính cung cấp dạng hình học hoàn chỉnh đối với vật thể, có thể trực tiếp tiến hành thiết kế 3 chiều.
- Nghiên cứu chế tạo ván mỏng từ gỗ keo lai - xà cừ - cao su. Đây là những loại gỗ rừng trồng không có tên trong danh mục gỗ nguyên liệu sử dụng để chế tạo ván mỏng theo phương pháp bóc và lạng của Việt Nam; nghiên cứu tính chất cơ lý và khuyết tật của ván mỏng.
- Nghiên cứu chất lượng dán dính các lớp gỗ khác loài bằng keo UF do hãng Giai Hân - Đài Loan sản xuất tại Thuận An - Bình Dương. Đây là loại keo thông dụng sử dụng trong sản xuất ván dán và có lượng dư fomaldehyde đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy loại keo đã chọn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu sản xuất gỗ kỹ thuật.
- Nghiên cứu tỷ lệ chất màu trong keo, sử dụng lớp keo pha màu làm vân thớ; nghiên cứu tỷ lệ phục hồi kích thước và phục hồi hình dạng của phôi gỗ kỹ thuật; nghiên cứu các thông số công nghệ lựa chọn đề nghiên cứu là các thông số điều khiển được dựa vào lý thuyết quy hoạch thực nghiệm để lập ma trận thí nghiệm.
- Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật trang sức. Dây chuyền công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật đã được bố trí tại công ty Hiệp Nguyên.
Như vậy, đề tài đã đưa ra một giải pháp công nghệ sử dụng những loại gỗ rừng trồng có giá trị kinh tế thấp, màu sắc đơn điệu, không vân thớ hoặc vân thớ không đẹp, tính năng trang sức kém để tạo ra một loại gỗ có tính năng trang sức cao, vân thớ lạ hoặc vân thớ và màu sắc mô phỏng màu sắc vân thớ của những loại gỗ rừng tự nhiên quý hiếm, giá trị kinh tế cao.
Kết quả đề tài bước đầu tạo ra một loại hình sản phẩm ván nhân tạo mới ứng dụng trong sản xuất mộc và trang trí nội thất. Đề tài giải quyết được một phần nhu cầu sử dụng gỗ có vân thớ đẹp của người tiêu dùng, nâng giá trị của một số loại gỗ rừng trồng chất lượng thấp, không vân thớ, giá trị kinh tế thấp thành sản phẩm có giá trị sử dụng, phạm vi sử dụng và giá trị cao hơn nguyên liệu ban đầu.
Gỗ kỹ thuật là gỗ được tổ chức lại theo mục đích sử dụng. Trong đó, một dạng sản phẩm được tổ chức lại theo hướng có tính năng trang sức. Gỗ kỹ thuật có tính năng trang sức được sản xuất từ ván mỏng (bóc hoặc lạng) và keo. Các lớp ván mỏng đã tráng keo được sắp xếp vào khuôn khổ theo nguyên lý hình thành vòng năm, mắt, cành, rễ cây… để tạo vân thớ. Sau đó, nén ép tạo thành phôi gỗ kỹ thuật. Gỗ dùng đề sản xuất gỗ kỹ thuật không cần phải có hoa văn hoặc vân thớ đẹp mà chỉ cần có tính năng trang sức nhất định.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 6/2009
- Thời gian kết thúc: 7/2012
g/ Kinh phí thực hiện: 572.800.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)