a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu - triển khai công nghệ sản xuất ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông và cao su
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty cổ phần ván ghép Năm Trung
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hoàng Thị Thanh Hương và thành viên tham gia chính:
1. ThS. Lê Nguyễn Quỳnh Như
2. ThS. Nguyễn Văn Quý
3. KS. Vũ Duy Năm
4. KS. Vũ Thành Trung
5. KS. Nguyễn Thị Tường Vy
6. KS. Phan Vũ Minh Hiền
7. KS. Nguyễn Thanh Tuấn
d. Mục tiêu nghiên cứu: Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông, cao su, triển khai sản xuất thử, ứng dụng đưa vào sản xuất khối lượng lớn. Nhằm mục đích tạo ra sản phẩm mới là ván ghép thanh chậm cháy với ưu điểm là giảm được khả năng bắt lửa và kéo dài thời gian cháy. Từ đó giảm bớt thiệt hại do cháy gây ra, đồng thời giúp cho ngành chế biến gỗ Việt Nam giảm bớt áp lực nhập khẩu nguyên liệu gỗ chậm cháy và hóa chất xử lý.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Năm 2004, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với gỗ dùng trong hàng mộc dân dụng, xây dựng là phải có tính năng chống cháy. Vì vậy, các nhà khoa học và các nhà sản xuất của ngành Chế biến lâm sản cần phải có các nghiên cứu và sử dụng các loại gỗ và sản phẩm gỗ chống cháy.
Gỗ chống cháy còn gọi là gỗ chậm cháy, thực chất là người ta ứng dụng một số chất hóa học bơm thấm vào trong gỗ làm nâng cao tính chịu cháy của gỗ làm cho nó không dễ bị bắt lửa hoặc người ta che phủ một số vật liệu không bén lửa lên bề mặt sản phẩm. Thực chất tất cả các vật liệu đều có thể cháy tùy vào môi trường và điều kiện gây cháy nên vật liệu tẩm hóa chất chống cháy được gọi là vật liệu chậm cháy.
Ngày nay, nhu cầu sử dụng gỗ và các sản phẩm từ gỗ rất cao. Gỗ có rất nhiều ưu điểm để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết cho đời sống con người như: Gỗ có màu sắc, vân thớ đẹp, dễ nhuộm màu và dễ trang sức tạo hoa văn bề mặt; cách điện, cách nhiệt, ngăn âm tốt, nhiệt giãn nở bé; nhẹ, khối lượng thể tích trung bình từ 0,5-0,7g/cm3 nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển nhất là vận chuyển thủy; gỗ mềm nên có thể dùng máy móc, công cụ để cưa xẻ, khoan bào, tách chẻ với vận tốc cao; dễ phân ly bằng hóa chất dùng để sản xuất giấy và tơ nhân tạo.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì gỗ có những nhược điểm rất cần được chú trọng như: Sinh trưởng chậm, có nhiều khuyết tật tự nhiên, tính chất biến động tùy theo điều kiện sinh trưởng; hút ẩm và thoát hơi nước mạnh nên dễ bị cong vênh, biến hình, nứt nẻ, cường độ và các tính chất khác thay đổi; dễ bị cháy, dễ biến màu và dễ mục.
Từ những ưu điểm và nhược điểm trên gỗ cho thấy, gỗ là vật liệu tốt và đẹp nhưng dễ cháy. Do đó, việc tìm ra biện pháp để ngăn chặn khả năng cháy và bắt lửa nhanh của gỗ là rất quan trọng. Bởi lẻ nó sẽ góp phần làm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại cho các doanh nghiệp gỗ nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. Hiện nay, các loại gỗ sản xuất ván ghép thanh như cao su, thông, keo lá tràm, keo lai và các loại gỗ rừng trồng khác… đang được sử dụng rất phổ biến. Nhưng dây cũng là những loại gỗ rất dễ bắt lửa và dễ gây cháy. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp hạn chế tính bắt lửa và kéo dài thời gian cháy cho những loại gỗ này đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Do đó, đề tài “nghiên cứu – triển khai công nghệ sản xuất ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông và cao su” là rất cần thiết.
Mục tiêu đề tài: Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông, cao su, triển khai sản xuất thử, ứng dụng đưa vào sản xuất khối lượng lớn. Nhằm mục đích tạo ra sản phẩm mới là ván ghép thanh chậm cháy với ưu điểm là giảm được khả năng bắt lửa và kéo dài thời gian cháy. Từ đó giảm bớt thiệt hại do cháy gây ra, đồng thời giúp cho ngành chế biến gỗ Việt Nam giảm bớt áp lực nhập khẩu nguyên liệu gỗ chậm cháy và hóa chất xử lý.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã tổng quan được tình hình nghiên cứu trong nước và trên thế giới liên quan đến ván ghép thanh, gỗ; khảo sát đặc điểm cấu tạo, tính chất của gỗ liên quan đến công nghệ xử lý chống cháy; các loại hóa chất xử lý chống cháy; nghiên cứu thăm dò các hỗn hợp công thức hóa chất chống cháy; thí nghiệm xác định thông số công nghệ xử lý chậm cháy gỗ thông, gỗ cao su; đề xuất công nghệ xử lý chống cháy cho gỗ thông và gỗ cao su; ứng dụng tẩm thử hai hỗ hợp chất chống cháy 1,2 trong sản xuất thực tế bằng phương pháp tẩm áp lực chân không tại công ty TNHH Phú An; khảo sát quy trình công nghệ tại công ty TNHH Phú An và sản xuất ván ghép thanh tại công ty cổ phần ván ghép Năm Trung; xây dựng quy trình sản xuất thử ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ cao su tại công ty cổ phần ván ghép Năm Trung và đề xuất công nghệ và giải pháp sản xuất ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ cao su; xây dựng quy trình sản xuất thử ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông và đề xuất công nghệ sản xuất ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông; đánh giá tác động môi trường trong công nghệ xử lý chống cháy gỗ thông, cao su.
Qua nghiên cứu cho thấy, gỗ sau khi ngâm tẩm hóa chất đáp ứng được các yêu cầu cho sản xuất hàng mộc và xây dựng; nồng độ chất chống cháy ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu chất lượng, nồng độ chất chống cháy càng cao thì thời gian bắt lửa của gỗ càng kéo dài và tỷ lệ tổn thất khối lượng của gỗ càng thấp; thời gian ngâm tẩm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chất lượng được nêu ra trong đề tài. Thời gian ngâm dài thì thời gian bắt lửa của gỗ càng kéo dài và tỷ lệ tổn thất khối lượng của gỗ càng thấp; công nghệ sản xuất ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông, cao su tương tự công nghệ sản xuất ván ghép thanh thông dụng từ gỗ cao su, có khác loại hóa chất xử lý và các thông số công nghệ; chất lượng sản phẩm ván ghép thanh chậm cháy từ gỗ thông, cao su đạt tiêu chuẩn của Mỹ ASTME 160-80, tính chất vật lý và độ bền cơ học đạt theo tiêu chuẩn ván nhân tạo Việt Nam.
Kết quả đề tài đã tìm ra được 3 hỗn hợp hóa chất chống cháy có khả năng chống nấm mốc, mối mọt, giá thành thấp hơn so với nhập khẩu, đem lại hiệu quả cao cho công ty, tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo được sự an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 7/2010
- Thời gian kết thúc: 12/2012
g/ Kinh phí thực hiện: 387.750.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)