a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến, báo chí - xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Sở Thông tin và Truyền Thông
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Tuấn Anh và ThS. Huỳnh Anh Tuấn đồng chủ nhiệm và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Bùi Thanh Khiết
2. ThS. Nguyễn Tấn Lộc
3. CN. Lê Thành Minh
4. CN. Lê Quốc Đại
5. CN. Nguyễn Thị Thanh Mỹ
6. KS. Lê Bảo Thành
7. KS. Nguyễn Hữu Phước
8. KS. Lê Huy
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Mục tiêu chung: Xây dựng và triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực Báo chí - Xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương
- Mục tiêu cụ thể:
+ Xây dựng website của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương
+ Xây dựng và triển khai cung cấp mười dịch vụ công trực tuyến mức độ 2
+ Đề xuất một số quy trình cần thiết để vận hành hệ thống
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta. Điển hình là trong giao dịch mua bán hàng trực tuyến, Internet banking, khai thuế qua mạng, hải quan điện tử… Việc đảm bảo an toàn, toàn vẹn dữ liệu trong các dịch vụ này là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan, tổ chức và của cả cá nhân khi tham gia.
Chữ ký số là một giải pháp tối ưu nhất trong giao dịch điện tử. Ở nước ta, chữ ký số được cấp bởi một trong 09 nhà chứng thực chữ ký số công cộng như: FPT, VDC, Công ty Công nghệ thẻ Nacencom, Bkav, Viettel, Công ty cổ phần Công nghệ Truyền thông CK, Công ty Newtel-ca, Công ty SaFe CA và Công ty Vina. Trong cơ quan nhà nước, chữ ký số được cung cấp bởi Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Nội vụ.
Đến thời điểm nghiên cứu, trên một số trang web cung cấp dịch vụ công trực tuyến của một số cơ quan nhà nước chỉ sử dụng tên và mã đăng nhập thông thường để xác thực giao dịch điện tử, thay vì kết hợp với chữ ký điện tử, việc này bộc lộ một số khuyết điểm như: Không đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin/dữ liệu, không đảm bảo an toàn thông tin khi truyền trên mạng, cần sử dụng phương pháp thủ công để xác thực người nộp đơn và hạn chế trong việc phát triển dịch vụ công mức 4.
Tại tỉnh Bình Dương, vào năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt đề án “Thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Như vậy theo lộ trình, Sở Thông tin và Truyền thông phải thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên website, trong đó có dịch vụ công về lĩnh vực báo chí xuất bản. Tuy nhiên, việc triển khai này còn gặp khó khăn như: Sở Thông tin và Truyền thông không có website riêng và các biểu mẫu báo chí xuất bản đã đăng tải trên website tỉnh lại ở dạng MS Word, dễ xảy ra sai sót do biểu mẫu cho phép tùy ý nhập và thay đổi mục nội dung thông tin. Để giải quyết vấn đề trên, nhóm nghiên cứu tiến hành đề xuất và thực hiện nhiệm nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến, báo chí - xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương”.
Mục tiêu xây dựng và triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực báo chí - xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, xây dựng website cho Sở Thông tin và Truyền thông; xây dựng và triển khai cung cấp bốn dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 có sử dụng chữ ký số; xây dựng và triển khai cung cấp mười dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và đề xuất một số quy trình cần thiết để vận hành hệ thống.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Nghiên cứu khảo sát hiện trạng công trình, ứng dụng về cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói chung và dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực báo chí - xuất bản ở nước ta nói riêng.
Khảo sát, phân tích và đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Sở, hiện trạng và yêu cầu của phòng Báo chí - Xuất bản từ đó đề xuất mô hình và kiến trúc hệ thống phù hợp.
Xây dựng website Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin trong hoạt động của ngành, đồng thời cũng là đầu mối cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 2 và 3; đề xuất quy định và quy trình biên tập, phê duyệt bài đăng trên website.
Xây dựng công cụ phần mềm hỗ trợ cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: Thẩm định hồ sơ đề nghị Bộ cấp phép hoạt động báo chí; cho phép cơ quan báo chí của địa phương khác đặt văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc, phóng viên thường trú tại Bình Dương; thẩm định hồ sơ đề nghị Bộ cấp thẻ nhà báo; thẩm định trình Bộ cấp giấy phép xuất bản đặc san và ấn phẩm báo chí khác; thẩm định hồ sơ đề nghị Bộ cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm; cấp phép in gia công sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài; cấp phép chứng nhận sử dụng máy photocopy màu; giấy xác nhận đăng ký in vàng mã.
Phân tích và thiết kế phần mềm cung cấp 4 dịch vụ công trực tuyến mức 3: Cho phép tổ chức họp báo; cấp phép xuất bản bản tin nội bộ; cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh và cấp phép lắp đặt và sử dụng thiết bị thu tín hiệu truyền hình trực tuyến từ vệ tinh…
Kết quả của đề tài đã và đang áp dụng thực tế tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, mang lại lợi ích kinh tế cao khi giảm thời gian và chi phí di chuyển, giảm giấy tờ lưu trữ, công khai và minh bạch hóa quá trình tiếp nhận và xử lý, tra cứu hồ sơ cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 12 tháng
- Thời gian bắt đầu: 01/2013
- Thời gian kết thúc: 12/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 337.429.400 đồng (kinh phí được duyệt: 341.060.000 đồng)
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).