a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng rau theo hướng công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Ngô Quang Vinh và cá nhân tham gia chính:
1. CN. Ngô Minh Dũng
2. KS. Ngô Xuân Chinh
3. KS Nguyễn Đình Tuân
4. Ông Hồ Ngọc Bửu (Công ty TNHH Hồ Bửu)
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu khả năng trồng một số loại rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, rau muống, xà lách, cải cúc) và rau ăn quả (cà chua, dưa leo) bằng phương pháp thủy canh trong nhà màng tại vùng khí hậu nóng ẩm của tỉnh Bình Dương.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Ứng dụng kỹ thuật cao: Trồng rau trong nhà, tạo ra rau an toàn, rau chất lượng cao, với logo trên mỗi bó rau, như các nước đang làm là một hướng đi đúng. Hiện nay, hướng đó đã hình thành và đang từng bước phát triển.
Sản xuất rau theo hướng công nghệ cao, không dễ nhưng không phải là không làm được. Bằng chứng là nhiều đơn vị đã làm được, nhưng khó là ở chỗ: vùng nóng ẩm như Bình Dương, hay như thành phố Hồ Chí Minh, cả 2 nơi đều đã có người làm nhưng hiệu quả không cao. Sản xuất trong nhà, dù ở vùng lạnh hay vùng nóng, nhà và giống rau là 2 yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả hay không.
Những người đã và đang làm rau trong nhà màng tại Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh đều có những điểm hạn chế về việc hiểu và xây dựng nên những cái nhà đạt yêu cầu, dẫn đến vi khí hậu trong nhà chưa tốt. Về giống cũng chưa có sự thu thập lựa chọn bài bản, ngoài ra là những khiếm khuyết về kỹ thuật. Muốn phát triển theo hướng CNC, cần phải có sự nghiên cứu đầy đủ, bài bản hơn những gì các tác giả tại Bình Dương và TPHCM đang làm. Theo chúng tôi, khi nghiên cứu thành công, Bình Dương có nhiều triển vọng cho một ngành sản xuất mới: SX rau chất lượng cao, trong đó triển vọng nhất là rau ăn lá, nhóm rau có nhiều giống chịu nhiệt và có thể trồng liên tục quanh năm.
Tại Bình Dương, anh Nguyễn Văn Đẹp và anh Đào Thanh Cương chỉ mới trồng rau ăn quả (cà chua và dưa leo), chưa trồng rau ăn lá. Đây là những loại rau có hiệu quả kinh tế khá, là cây trồng chính trong các nhà màng trên thế giới, việc thử trồng các loại này là đúng. Tuy nhiên cần phải thấy rằng, tại vùng nóng, trồng ngoài trời, so với rau ăn quả, rau ăn lá cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.
Như vậy, nghiên cứu xây dựng mô hình trồng rau theo hướng công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương là rất cần thiết.
II. Kết quả thực hiện
Đề tài đã thực hiện việc xây dựng một nhà màng 2160m2, trong đó phần dùng cho nghiên cứu 700m2, phần dùng cho SX tạo ra sản phẩm hàng hóa 1460m2. Trong nhà màng chia làm 2 khu: Khu thủy canh bè nổi dùng trồng rau ăn lá và khu bán thủy canh, trồng rau ăn quả trên giá thể mụn xơ dừa. Cả 2 hệ thống thủy canh ở đây đều thuộc dạng hở (không thu hồi và sử dụng lại phần dinh dưỡng dư) để tránh bệnh hại. Nhà màng có nhiệt độ trung bình năm 26,6oC, nhìn chung là phù hợp với rau ăn lá và giai đoan phát triển thân lá của rau ăn quả. Trong suốt năm, đáng chú ý có 3 tháng nóng nhất là tháng 2, tháng 3 và tháng 4, nhiệt độ trong nhà màng trung bình là 29,2, 30,4 và 31,8oC. Nhiệt độ này vẫn nằm trong giới hạn phù hợp của rau ăn lá và cây họ bầu bí (dưa leo, khổ qua), nhưng là cao quá so với nhu cầu của cà chua.
Các tác giả đã thực hiện tổng cộng 18 thí nghiệm để xác định được các yếu tố kỹ thuật đơn lẻ gồm lựa chọn giá thể, lựa chọn giống, mật độ trồng đối với các loại rau ăn lá như rau muống, cải xanh, cải ngọt, xà lách, cải cúc (cải cúc) và tương tự: lựa chọn giá thể, giống, mật độ, số quả trên chùm, gốc ghép thích hợp cho cà chua và dưa leo.
Kết quả nghiên cứu cho thấy để gieo ươm cây con sử dụng giá thể theo cách chế biến của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) là phù hợp, cây ươm tốt tương đương một số giá thể khác có trên thị trường nhưng giá thành thấp hơn giá mua các loại giá thể đó. Trồng cà chua, dưa leo có thể dùng giá thể IAS hay của nông dân Lâm Đồng đều tốt.
Đối với các giống rau: việc chọn giống nào để trồng tùy thuộc vào thị hiếu người tiêu dùng. Đề tài đã xác định các giống rau sau đây hiện phù hợp với thị trường Bình Dương và các tỉnh lân cận: Cải ngọt, cải xanh, xà lách, rau muống, cà chua (TN86): giống của Công ty Trang nông; Cải cúc: giống của công ty Chánh Phong. Riêng giống cà chua, dưa leo trồng trong nhà màng chưa tìm được các giống chuyên dụng, chịu nóng tốt. Các giống cà chua, dưa leo nói trên chỉ là giống tạm dùng được có trên thị trường. Mật độ trồng thích hợp cho các loại rau như sau: cải xanh, cải ngọt, cải cúc và xà lách 100 cây/m2, rau muống 646 cây/m2, cà chua 22.200 cây/ha, dưa leo 33.000 cây/ha. Qua các thí nghiệm về cà chua và dưa leo, thực tế cho thấy rằng nguy hiểm nhất đối với cà chua vùng nóng hiện nay là bệnh quăn vàng lá virus và ruồi đục lá. Tất cả các giống thí nghiệm đều bị 2 đối tượng này gây hại với tỷ lệ gần như 100% cây bị ruồi đục lá và 10-30% cây bị bệnh quăn vàng lá. Do vậy năng suất chỉ đạt khoảng 70% so với NS bình thường, 30% thất thiệt do sâu bệnh, đây là yếu tố trở ngại chính khi trồng 2 loại rau này trong nhà màng. Trong khi đó, các loại rau ăn lá gần như không bị sâu bệnh gì nhiều. Về hiệu quả kinh tế, theo số liệu thực tế của Công ty Thiện Mỹ, sau 1 năm sản xuất, kinh doanh, trung bình với 500m2 nhà màng, nếu trồng cải xanh, cải ngọt hay xà lách, có thể lãi trên 7 triệu đồng trong khoảng thời gian 20 ngày (các loại cải ), và 25-30 ngày đối với xà lách. Đối với rau muống, gieo trồng 1 lần, thu hoạch 3 lần, lãi tổng cộng trên 33 triệu đồng trong vòng khoảng 60 ngày. Như vậy, từ 500 m2 nhà màng, trong 1 năm ít nhất trồng được 12 vụ rau, Công ty thu lãi không dưới 80 triệu đồng. Mặc dù được hướng dẫn về kỹ thuật trồng cà chua, dưa leo nhưng Công ty chưa sản xuất vì theo tính toán, trồng 2 loại này hiệu quả không cao hơn rau ăn lá mà nhiều rủi ro vì sâu bệnh. Trong khi giá thị trường hiện nay chưa cao, thậm chí có khi thấp hơn giá xà lách đang bán. Khi người tiêu dùng chấp nhận giá các loại quả này vào khoảng 40.000 đ/kg Công ty sẽ trồng. Cũng theo Công ty, sản xuất rau thủy canh theo mô hình của đề tài là không khó, năng suất cao, ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Vấn đề quan trọng là gây dựng được thị trường. Có thị trường là phát triển được.
Để phục vụ SX, trên cơ sở các biện pháp kỹ thuật đơn lẻ nói trên, các tác giả đã tổng hợp xây dựng được 7 quy trình SX rau thủy canh đối với các loại rau nói trên. Các quy trình kỹ thuật của Đề tài hiện đang được Công ty TNHHMTV Thiện Mỹ áp dụng.
Tóm lại, qua quá trình nghiên cứu, có thể thấy rằng, hoàn toàn có thể trồng các loại cải xanh, cải ngọt, rau muống, xà lách và cải cúc đạt tiêu chuẩn RAT, có hiệu quả kinh tế cao bằng hệ thống thủy canh bè nổi trong nhà màng. Trồng cà chua và dưa leo bán thủy canh, trong nhà màng là khó, nhiều rủi ro vì sâu bệnh, hiệu quả thấp hơn trồng rau ăn lá trên cùng diện tích và thời gian.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 6/2009
- Thời gian kết thúc: 12/2011
g/ Kinh phí thực hiện: 1.968.780.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).