a/ Tên nhiệm vụ: Xây dựng chương trình đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và sự cố bức xạ tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Hạt nhân Tp. Hồ Chí Minh
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Nguyễn Văn Mai và cá nhân tham gia chính:
1. TS. Nguyễn Đức Thành
2. Ths Nguyễn Thị Thùy Vân
3. Ths. Trần Quốc Quý
4. Ths. Nguyễn Văn Thuận
5. CN. Đào Văn Hoàng
6. CN. Ninh Đức Tuyên
7. CN. Nguyễn Hoàng Long
8. CN. Ông Quang Sơn
9. CN. Nguyễn Văn Thái Bằng
10. CN. Nguyễn Văn Hoài Nam
11. KS. Phan Thanh Tòng
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, giảm nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cũng như nâng cao năng lực ứng phó sự cố trong trường hợp mất an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra những sự cố lớn liên quan đến hoạt động công nghiệp gây thiệt hại đáng kể đến môi trường và kinh tế xã hội. Để làm giảm thiểu hậu quả của các sự cố này trong những lĩnh vực có thể gây ra sự cố nghiêm trọng như lĩnh vực bức xạ, hạt nhân, cho nên việc xây dựng kế hoạch ứng sự cố bức xạ, hạt nhân nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến cộng đồng và môi trường do sự cố từ công việc bức xạ, hạt nhân gây ra là hết sức cần thiết và cấp bách.
Là đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh luôn là đơn vị hỗ trợ đắc lực về mặt kỹ thuật, đóng góp nhiều trong các lĩnh vực về đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, … tư vấn nhiều đơn vị bức xạ trong quá trình xây dựng và hoạt động cũng như hỗ trợ trong việc lên kế hoạch, diễn tập và ứng phó sự cố bức xạ, đặc biệt là đối với các đơn vị đóng trên địa bàn khu vực phía Nam. Chính vì vậy Trung tâm Hạt nhân Tp. Hồ Chí Minh đã đề xuất thực hiện đề tài “Xây dựng chương trình đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân”
II. Kết quả thực hiện
Đề tài đã đáp ứng được mục tiêu, đã thực hiện hầu hết các nội dung đã đăng ký:
- Điều tra, thu thập số liệu, xử lý thông tin và đánh giá các mối nguy hiểm từ các hoạt động công nghiệp, y tế, … có sử dụng nguồn bức xạ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Xây dựng bảng số liệu thống kê các cơ sở bức xạ và tình hình đảm bảo an ninh, đảm bảo an toàn bức xạ. Báo cáo các sự cố khả dĩ liên quan đối với các cơ sở bức xạ trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng 04 kịch bản ứng phó sự cố bức xạ có xác suất xảy ra cao trong xạ hình công nghiệp, chiếu xạ tiệt trùng y tế, bom bẩn, cháy nỗ.
- Xây dựng cơ chế phối hợp, điều hành giữa các ban ngành (Ủy Ban nhân dân tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Khoa học và Công nghệ, Công an, Quân đội, … trong việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ.
- Điều tra, thu thập số liệu, đánh giá tình hình an toàn và đưa ra các khuyến cáo về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ cho từng cơ sở trên địa bàn; các nguồn bức xạ sử dụng trên địa bàn tỉnh và phân loại chúng theo mức độ nguy hiểm.
- Thu thập số liệu, nghiên cứu biên soạn tài liệu và đề xuất các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ của các cơ sở bức xạ trên địa bàn tỉnh; thu thập tài liệu, điều tra hiện trạng, nghiên cứu xây dựng các nội dung cơ bản về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm mất an toàn và an ninh nguồn bức xạ theo đúng quy định hiện hành; thông tin, số liệu, xử lý, … và viết chuyên đề về tăng cường năng lực quản lý (kiến nghị về tăng cường thiết bị, dụng cụ,… phục vụ công tác quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân cũng như tăng cường nhân lực để đáp ứng nhiệm vụ.
- Tổ chức lớp tập huấn kiến thức an toàn bức xạ cơ bản cho khoảng 30 đại biểu tham dự; tập huấn kiến thức ứng phó sự cố bức xạ và tham gia diễn tập ứng phó cho khoảng 30 đại biểu tham dự; tổ chức hội thảo về thành phần tham gia, cơ chế phối hợp của các Ban ngành tổ chức trong tỉnh tham gia ứng phó sự cố bức xạ với khoảng 40 đại biểu tham dự.
- Biên dịch sang tiếng Việt 02 bộ tài liệu: (1) Manual for First Responders to a Radiological Emergency, IAEA, 10/2006 và (2) Arrangements for Preparedness for a Nuclear or Radiological Emergency, IAEA Safety Standard, Safety Guide No. GS-G-2.1, 2007.
- Xây dựng một bản đồ kỹ thuật số biểu thị cơ sở bức xạ: Trên bản đồ có chỉ thị cơ sở bức xạ, đánh dấu màu sắc thể hiện cơ sở bức xạ y tế, cơ sở bức xạ công nghiệp (cơ sở bức xạ công nghiệp dùng máy tia X hay dùng nguồn phóng xạ), định vị rõ vị trí GPS. Trên mỗi điểm cơ sở bức xạ ghi rõ tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, số nguồn bức xạ và đặc tính của mỗi nguồn bức xạ, …
- Xậy dựng bản dự thảo Bản kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2020.
- Trang bị 01 số thiết bị và dụng cụ cho công tác an toàn bức xạ: (1) Bút đo liều (đo trực tiếp) – Radiation Alert + Bộ Charge, Mỹ : 20 cái; (2) Tay gắp nguồn dài 1,5 m: 1 cái; tay gắp nguồn dài 1,0m : 1 cái; Cào nguồn dài 1,5m : 1 cái; Gàu xách nguồn dài 4,0m : 1 cái; (3) Chì viên: 450 kg; (4) Dây thừng làm dây chăng cảnh báo: 200m; (5) Biển cảnh báo nguy hiểm bức xạ: 200 cái.
- Cung cấp phần mềm và tài liệu hướng dẫn khai thác phần mềm HOTSPOT: Phần mềm đánh giá mức tác động phóng xạ môi trường của sự cố bức xạ hạt nhân – của Viện Công nghệ hạt nhân Mỹ cung cấp.
Qua quá trình triển khai đề tài, tình hình đảm bảo an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu của luật Năng lượng Nguyên tử; tình hình đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ: Bước đầu có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn nữa công tác này ở các mặt quản lý tại các cơ sở mà nguồn phóng xạ hiện không được sử dụng; tình hình xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ: Có sự quan tâm của các cơ sở bức xạ, nhưng các kế hoạch được thực hiện còn sơ sài và chưa tiến hành việc diễn tập ứng phó sự cố; công tác quản lý an toàn bức xạ tương đối nghiêm túc, đúng nguyên tắc. Cần có sự phối hợp chẽ giữa cơ sở bức xạ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân. Văn hoá an toàn bức xạ đã được nâng cao trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là tại các cơ sở bức xạ.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 10/2009
- Thời gian kết thúc: 4/2011
g/ Kinh phí thực hiện: 574.030.000 đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).