Ấn Độ chọn Bình Dương để xây dựng trạm dò tìm và xử lý ảnh vệ tinh
Ảnh viễn thám hay còn gọi là ảnh vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thiên tai và nhất là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Vừa qua cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ đã chọn địa điểm tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3 - Bình Dương để xây dựng trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và xử lý ảnh vệ tinh. Đây là một tin vui bởi hoạt động của trạm này sẽ cung cấp miễn phí cho Việt Nam ảnh viễn thám trong vòng 05 năm. Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên tạp chí Khoa học và Công nghệ đã có cuộc trao đổi ngắn với Ông Trần Đức Thuận - Trưởng phòng Đo đạc Bản đồ - Chi cục Quản lý Đất đai Bình Dương xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Ông, được biết là hiện nay cơ quan vũ trụ Ấn Độ đã đề xuất chọn Bình Dương để xây dựng trạm dò tìm xử lý dữ liệu và trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh. Xin ông cho biết lý do vì sao họ lại chọn Bình Dương.
Ông Trần Đức Thuận: Tháng 05 năm 2015, một đoàn công tác của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các sở, ban ngành của tỉnh Bình Dương và công ty Becamex đã khảo sát những địa điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cùng lúc đó họ cũng khảo sát những địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi so sánh các địa điểm, Họ đã chọn Bình Dương. Lý do là ở Bình Dương các nhà cao tầng ít nên sẽ không ảnh hưởng đến việc dò tìm và thu nhận dữ liệu ảnh vệ tinh. Thêm vào đó, độ nhiễu ở Bình Dương cũng tốt hơn ở thành phố Hồ Chí Minh do ở Bình Dương ít các trạm thu phát sóng có tần số trùng hợp với trạm thu nhận và dò tìm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh.
Phóng viên: Ông có thể giải thích thêm về vai trò của trạm tiếp nhận dò tìm và trung tâm xử lý ảnh vệ tinh này?
Ông Trần Đức Thuận: Như cái tên của Trạm cũng đã nói lên được nhiều vấn đề. Trạm dò tìm, thu nhận dữ liệu và xử lý ảnh vệ tinh của Ấn Độ sẽ Quét các phổ trên mặt đất. Do đó, chúng ta sẽ thu được các ảnh của mặt đất từ trạm vệ tinh. Sau khi ảnh mặt đất được số hóa sẽ chuyển dữ liệu xuống trạm mặt đất (sắp tới cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ sẽ đề xuất xây dựng trạm mặt đất ở Bình Dương sẽ cho chúng ta ảnh vệ tinh). Những ảnh vệ tinh này đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Trong lĩnh vực môi trường, chúng ta có thể biết được những hiện trạng môi trường của mặt đất cũng như ở các vùng biển của Việt Nam. Ví dụ như hiện tượng thủy triều đỏ, chúng ta có thể nhận biết ngay qua quá trình phân tích dữ liệu ảnh vệ tinh. Ngoài ra, ảnh vệ tinh còn đóng vai trò trong công tác khảo sát nghiên cứu hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng sử dụng rừng phòng chống những thiên tai như lũ lụt cháy rừng. Bên cạnh đó, ảnh vệ tinh còn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong an ninh quốc phòng. Cụ thể là hiện nay, trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa, việc một số nước đang có hành động bồi đắp, thay đổi hiện trạng của những đảo này. Khi chủ động có được những nguồn ảnh viễn thám thì chúng ta có thể có những giải pháp để đối phó kịp thời.
Phóng viên: Thưa ông khi cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ đề xuất xây dựng Trạm này ở Bình Dương, xét về mặt lợi ích thì Bình Dương sẽ có được những lợi ích như thế nào ?
Khi Ấn Độ xây dựng trạm dò tìm, thu nhận dữ liệu và xử lý ảnh vệ tinh thì Bình Dương cũng có những lợi ích như sau: Về phía Ấn Độ cam kết trong 05 năm đầu sẽ cung cấp ảnh vệ tinh miễn phí cho Bình Dương. Ảnh vệ tinh này sẽ được sử dụng trong những công việc như khảo sát hiện trạng lập bản đồ sử dụng đất của Tỉnh. Như vậy chi phí sẽ thấp hơn và thời gian sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, các ảnh này cũng hữu ích trong công tác bảo vệ rừng như rừng phòng hộ núi Cậu; lâm trường Chiến Khu D hoặc rừng ở xã Tam Lập của huyện Phú Giáo. Khi có được Ảnh vệ tinh các cơ quan quản lý cũng sẽ nhanh chóng phát hiện những vụ việc vi phạm dừng để có thể xử lý. Mặt khác, ảnh vệ tinh còn được sử dụng trong vấn đề giám sát môi trường. Khi xảy ra những sự cố môi trường ở Bình Dương như trên sông Sài Gòn hoặc trên sông Đồng Nai thì chúng ta có thể nhanh chóng tìm được nguồn xuất phát ô nhiễm đó.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay tiến độ triển khai Trạm này theo thỏa thuận với cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ như thế nào rồi ạ ?
Ông Trần Đức Thuận: Đến thời điểm này thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương và công ty Becamex để chuẩn bị sẵn một lô đất có diện tích khoảng 1hecta ở khu công nghiệp Mỹ Phước. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì dự án này sẽ được khởi công cuối năm nay. Khi Dự án hoàn thành, lúc đó trạm thăm dò tiếp nhận và xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh có thể cung cấp được Ảnh vệ tinh cho Việt Nam chúng ta.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Huỳnh Thanh