Thông tin hữu ích về vi rút Zika
Trước đó, vào ngày 4/10, Công ty cổ phần FIT Consumer đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ chức hội thảo nhằm cập nhật tình hình dịch bệnh, hướng dẫn chẩn đoán và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika gây ra. Tại sự kiện này, FIT Consumer cũng đã trao tặng Bệnh viện Quỹ phòng chống và khắc phục dịch bệnh Zika (có tên gọi là Quỹ Rocket) do Công ty thành lập. Với kinh phí ban đầu là 250 triệu đồng, Quỹ sẽ hỗ trợ mỗi bệnh nhân từ 03 đến 05 triệu đồng với mục tiêu chữa trị cho 50 ca nhiễm virus Zika tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong năm 2016.
Khái quát về Vi rút Zika
Vi rút Zika là một vi rút thuộc họ Flaviviridae được phân lập lần đầu tiên từ một con khỉ Rhesus trong rừng Zika của Uganda vào năm 1947. Năm 1968, vi rút này được phân lập trên người đó là các cư dân của Nigeria. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu xác định được kháng thể chống lại Zika ở người từ nhiều quốc gia châu Phi và một số nơi của châu Á. Năm 2015, lần đầu tiên Zika được tìm thấy bên ngoài châu Phi và châu Á khi nó được phân lập ở Brazil, tại đây xuất hiện một ổ dịch nhỏ sau World Cup 2014.
Zika có quan hệ gần gủi với các vi rút khác thuộc họ Flaviviridae được lan truyền bởi muỗi như sốt xuất huyết, sốt vàng da, sốt Tây sông Nile và viêm não Nhật Bản do vi rút Zika gây ra bệnh được gọi là sốt Zika, có biểu hiện lâm sàng như phát ban dát sẩn (maculopapular rash) khắp cơ thể, sốt, đau khớp, và khó chịu. Mặc dù vẫn chưa thấy có biến chứng nghiêm trọng do Zika, nhưng vi rút này hiện diện khắp nơi trên thế giới, chu trình truyền bệnh liên quan đến muỗi, và có thể lây lan qua đường tình dục, do đó Zika trở thành một tác nhân gây bệnh mới nổi quan trọng tác động trên phạm vi toàn cầu chưa lường trước được (impehcm.org.vn).
Tình hình tiến triển của vi rút Zika
Hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 12 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm từ người sang người như: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha,… Tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại 7/10 quốc gia, đặc biệt tại một số nước như Singapore (442 ca nhiễm), Thái Lan (trên 200 ca nhiễm), Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia. Tại Việt Nam, Zika đã trở thành bệnh lưu hành, tính đến ngày 5/11/2016, đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại thành phố Hồ Chí Minh (29), Đắk Lắk (02), Bình Dương (02), Khánh Hòa (01), Phú Yên (01) và Long An (01).
Tại Bình Dương, có 02 trường hợp người nhiễm virus Zika, trong đó trường hợp thứ nhất là phụ nữ mang thai, 27 tuổi sống tại thị xã Thuận An và trường hợp thứ hai là một phụ nữ 20 tuổi sống tại thị xã Dĩ An. Vào ngày 29/10, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Quyết định về việc công bố dịch Zika cấp phường, xã trên địa bàn tỉnh và yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan thực hiện ngay những biện pháp phòng, chống dịch Zika theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu phải tăng cường quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika gây nên để khống chế, không để phát sinh ổ dịch mới.
Theo các chuyên gia y tế, vi rút Zika khi xâm nhập vào cơ thể người thì có đến 80% là không có biểu hiện, 20% là biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, viêm kết mạc nhưng không gây tử vong. Tuy nhiên, điều quan ngại nhất theo WHO đó là biểu hiện chứng đầu nhỏ - tức teo não ở trẻ sơ sinh ra do mẹ bị nhiễm vi rút Zika. Tại Việt Nam, vừa qua cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika của trường hợp trẻ có dấu hiệu đầu nhỏ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.
Theo PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Việt Nam đã có hệ thống chẩn đoán trước sinh yêu cầu phụ nữ nên siêu âm 03 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não,... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi là quyền lợi của mỗi người.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo nghiên cứu trên thế giới, đối với trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika, trong 03 tháng đầu, thai nhi bị ảnh hưởng do có sự thay đổi các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, đối với trường hợp mang thai giai đoạn sau 06 tháng của thai kỳ, thai nhi sẽ ít ảnh hưởng hơn.
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 03 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.
- Phụ nữ có thai không nên quá lo lắng, thực hiện khám thai thường xuyên, định kỳ đồng thời chỉ tiến hành xét nghiệm để phát hiện nhiễm vi rút Zika khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế.
- Toàn dân tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết lần 2 theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chủ động kiểm tra các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải không để cho muỗi truyền bệnh vào đẻ trứng, sinh sản và phát triển; chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, thực tế, không phải trường hợp mắc Zika nào cũng để lại hậu quả là đầu nhỏ ở thai nhi hay không phải trường hợp đầu nhỏ nào cũng có nguyên nhân từ virus Zika. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, người dân không nên quá hoang mang lo lắng. Các thai phụ không nên quá hoang mang, nếu cần thiết khi có những biểu hiện sức khỏe không tốt có thể đi xét nghiệm để có sự theo dõi và chăm sóc y tế kịp thời.
Biểu hiện để nhận biết Zika:
- Sốt nhẹ 37,80C - 38,50C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược.
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Thảo Nhung