Hãy nghĩ về môi trường tiêu thụ thực phẩm
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 1/3 sản lượng thực phẩm toàn cầu, tương đương 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí hoặc mất mát. Trong khi đó 1/7 dân số thế giới thiếu ăn và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói. Trái đất đang phải duy trì sự sống cho 7 tỷ người và chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ, gây ra các tác động tiêu cực về môi trường.
Việc sử dụng thực phẩm không hiệu quả, tiết kiệm sẽ dẫn đến phát sinh lượng rác thải sinh hoạt lớn, do vậy ngân sách nhà nước phải chi nguồn kinh phí khá lớn để giải quyết hậu quả này. Bởi vì, chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động tiêu cực về môi trường. Khi thức ăn bị thải bỏ, tức là tất cả các nguồn lực và yếu tố đầu vào của việc sản xuất thực phẩm bị mất đi. Người ta phải mất khoảng 3 tháng để sản xuất 1 vụ lúa, kèm theo đó là rất nhiều chi phí khác như: Giống, vật tư, nước tưới, công chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch… để tạo ra bát cơm ăn hàng ngày cho con người. Quá trình của chuỗi cung cấp thực phẩm này tất cả sẽ kết thúc một cách vô ích khi chúng ta lãng phí. Với sự mất cân bằng lớn trong lối sống đã để lại những hậu quả làm ảnh hưởng đến môi trường.
Lựa chọn thực phẩm
Tại Bình Dương, thống kê sơ bộ của ngành chức năng, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng hơn 800 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó có không ít những thực phẩm tiêu thụ dư thừa. Đây là mối lo ngại lớn đến vần đề ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh phải dành hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các điểm tập kết rác thải sinh hoạt nông thôn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu nhằm thực hiện bước thu gom về lâu dài sẽ phải đầu tư công nghệ xử lý, tái chế rác thải thì phải cần nguồn kinh phí lớn hơn nhiều.
Tác động của chất thải thực phẩm không chỉ là tài chính. Về mặt môi trường, chất thải thực phẩm dẫn đến sử dụng lãng phí các chất hóa học như phân bón và thuốc trừ sâu, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho việc vận chuyển, và sử dụng thực phẩm đã hỏng tạo ra nhiều mêtan - một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính có hại nhất gây ra biến đổi khí hậu. Mêtan gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm gấp 23 lần so với CO2. Lượng lớn thức ăn mang tới bãi rác cũng góp phần đáng kể vào việc nóng lên của trái đất.
Phần lớn lượng lương thực thực phẩm bị lãng phí hoàn toàn có thể được giảm thiểu bằng những biện pháp đơn giản. Sử dụng hết khẩu phần của mình trong mỗi bữa ăn, hạn chế thực phẩm dư thừa là một hành động đơn giản nhưng bảo vệ môi trường hữu hiệu.
Để trở thành người tiêu dùng thân thiện với môi trường chúng ta có thể thực hiện dễ dàng bằng những biện pháp đơn giản
- Tránh mua những gì bạn không cần.
- Ăn thực phẩm được nuôi trồng gần nơi mình sinh sống.
- Hạn chế sử dụng những động cơ đốt trong
- Tránh mua thực phẩm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có chất kích thích tăng trưởng.
- Hãy tính toán hợp lý trong việc mua, sử dụng và bảo quản thức ăn hàng ngày.
- Hãy sử dụng hết khẩu phần ăn của mình.
- Tận dụng đến mức tối đa thực phẩm dư thừa làm thức ăn chăn nuôi hoặc xử lý thành phân hữu cơ nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.
Gia Nghĩa