Bảo tồn đa dạng sinh học - kế hoạch và hành động
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hiện đại và đô thị bền vững thì việc bảo tồn tính đa dạng sinh học là một yếu tố quan trọng. Đây được xem là một đòi hỏi tất yếu để đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường
Đa dạng sinh học là khái niệm chỉ sự phong phú của tất cả các sinh vật sống trong tự nhiên trên trái đất từ các sinh vật nhỏ bé đến các loại động thực vật và các hệ sinh thái mà ở đó chúng có mặt. Các hoạt động của con người đang ngày càng làm suy giảm khả năng chu cấp cho sự sống của trái đất, trong khi sự tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng lại đòi hỏi ngày càng nhiều tài nguyên từ thiên nhiên. Do môi trường ngày càng bị thay đổi, vấn đề bảo tồn tối đa tính đa dạng sinh học trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tại Bình Dương, một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung sản xuất hàng hóa lớn với nhiều khu công nghiệp hiện đại thì quá trình công nghiệp đã làm cho diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp và diện tích cây xanh trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Hiện nay, diện tích rừng và đất rừng còn khoảng 19 ngàn ha, chiếm khoảng trên 7% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.
Tại Lái Thiêu, một vùng đất nổi tiếng với nhiều loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon... giờ đây diện tích trồng cây ăn trái ở đây đã dần bị thu hẹp do các hoạt động công nghiệp và ảnh hưởng của triều cường. Nếu không có những giải pháp phục hồi các khu vườn này thì không bao lâu nữa vườn cây trái Lái Thiêu chỉ còn trong dĩ vãng.
Nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ và khôi phục diện tích rừng tự nhiên hiện có và bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng phòng hộ, phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ của rừng, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm,… nhiều năm qua Bình Dương đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách và thể chế về bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, là việc tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái thủy vực: Như tăng cường quản lý và xây dựng hệ thống các đất ngập nước, hành lang sông suối và ao hồ; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước… Bên cạnh đó, là các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Những vạt rừng trồng ở Lâm trường Phú Bình, xã Tam Lập - huyện Phú Giáo do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm Nghiệp Bình Dương quản lý đang góp phần phủ xanh diện tích rừng của Bình Dương. Lâm trường này có diện tích trên 5.680ha. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 380 ha, rừng trồng khoảng 4.200ha. Hiện nay, diện tích rừng này được xem là lá phổi xanh của Bình Dương trong việc điều hòa khí hậu và bảo vệ môi trường.
Còn tại Trung tâm bảo tồn Sinh thái Tre Phú An hay còn được gọi là làng tre Phú An - một dự án hợp tác quốc tế bốn bên giữa tỉnh Bình Dương, Vùng Rhône Alpes, Vườn thiên nhiên Pilat thuộc nước Cộng hòa Pháp và trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học đang xây dựng vườn Bảo tồn Tre Việt Nam và những loài thực vật quý của vùng Đông Nam Bộ và xây dựng Phú An trở thành Làng Sinh Thái của Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án này còn nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng sống của người dân địa phương, giúp dân ứng dụng phương thức canh tác mới, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phát triển bền vững và phát triển du lịch sinh thái, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm dự án Làng tre Phú An cho biết.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bình Dương tiếp tục rà soát và quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng và các khu bảo vệ cảnh quan; đồng thời xây dựng hệ thống bảo tồn bao gồm hệ thống phân hạng thống nhất cho các khu bảo tồn trên cạn, đất ngập nước. Bên cạnh đó, là xây dựng các kế hoạch hành động đa dạng sinh học địa phương cho từng khu vực quan trọng; hỗ trợ các địa phương có những đối tượng cần bảo tồn. Những dự án quan trọng đang được triển khai như dự án bảo tồn hành lang đa dạng sinh học ven sông Đồng Nai, Sài Gòn; mô hình quản lý bảo vệ rừng và sử dụng rừng bền vững dựa vào cộng đồng; giải pháp phục hồi hệ sinh thái cảnh quan cho các khu du lịch.....
Sự đa dạng sinh học không chỉ mang đến cho con người nguồn tài nguyên để tiêu dùng, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giá trị khổng lồ về kinh tế, mà còn cả những giá trị về mặt thẩm mỹ và tinh thần. Chính vì thế, việc bảo tồn tính đa dạng sinh học không phải là nhiệm vụ của riêng các nhà quản lý, các nhà khoa học mà cần phải có sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng.
Thanh Minh