Bình Dương hướng đến thành phố thông minh
“Smart City” hay còn được gọi là thành phố thông minh đang là xu thế chung được nhiều quốc gia hướng đến. Đó là một thành phố hội đủ các yếu tố: Hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững, môi trường sống thân thiện. Bình Dương - một tỉnh đang phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và đô thị cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng địa phương trở thành thành phố thông minh.
Sau gần 20 năm tái lập, Bình Dương đã trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Hiện tỉnh đang chọn công nghiệp và dịch vụ làm lĩnh vực phát triển chủ lực. Những vùng đất thuần nông đã chuyển thành những khu, cụm công nghiệp và đô thị có kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đồng bộ, có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung trong xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt trên 91%. Tỷ lệ quy hoạch phân khu được phê duyệt đạt trên 73%.
Sự phát triển công nghiệp và đô thị cũng làm cho Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức về quản lý đô thị, sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường. Từ thách thức này, vấn đề đặt ra làm sao xây dựng được một thành phố thông minh vừa phát triển công nghiệp hiện đại vừa thân thiện với môi trường với những cư dân có tri thức cao.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, bà Nienke Trooster (trái) và bà Mary Ann Schreurs - Phó Thị trưởng thành phố Eindhoven (Hà Lan) tham gia “Hội thảo Thành phố thông minh Bình Dương”
Từ tháng 7/2015, một nhóm chuyên gia Hà Lan đã sang Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất đề án và hỗ trợ Bình Dương xây dựng một mô hình thành phố công nghiệp hiện đại, bền vững, dựa trên kinh nghiệm phát triển của thành phố Eindhoven (in- hô- ven). Thành phố này hiện đang là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới.
Tại buổi gặp gỡ trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Thành phố thông minh - Smart City” do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp với Lãnh sự quán Hà Lan và Tổng công ty Becamex phối hợp chức vào tháng 3/2016. Các chuyên gia đến từ Hà Lan cho rằng, muốn xây dựng và phát triển thành phố thông minh phải áp dụng mô hình “ba nhà”: Chính quyền - trường đại học - doanh nghiệp. Theo mô hình này thì các trường đại học sẽ tạo ra các ý tưởng mới; cộng đồng doanh nghiệp là chủ sở hữu của các sản phẩm công nghệ; chính quyền hỗ trợ các ý tưởng, hỗ trợ khởi nghiệp thông qua kinh phí. Mô hình ba nhà này phải hợp tác chặt chẽ với nhau tạo ra một thế chân kiềng vững chắc.
Bình Dương có lợi thế phát triển theo hướng thành phố thông minh. Bởi, Bình Dương có nét tương đồng với thành phố Eindhoven vì có cộng đồng doanh nghiệp lớn, có nhiều cơ sở đào tạo nghề, nhiều trường đại học. Hơn nữa hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Bình Dương, đặc biệt là thành phố mới Bình Dương cũng được xây dựng hiện đại, hoàn chỉnh, Ông Simon VanderBurg - Tổng lãnh sự Hà Lan tại Tp.HCM phân tích. Tuy nhiên, để trở thành thành phố thông minh thì trong ngắn hạn Bình Dương phải phát triển thành thành phố công nghiệp hiện đại. Trong đó lấy công nghiệp công nghệ cao, lấy tinh thần khởi nghiệp làm trọng tâm. Làm sao phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp gắn kết với các trường đại học, cơ sở dạy nghề ? Làm sao để sinh viên ra trường có thể thao tác, vận hành được ngay các hệ thống máy móc hiện đại...
Đại biểu tham quan gian hàng của Hà Lan tại Hội nghị thành phố thông minh
Còn theo Bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, điều mấu chốt là chính quyền tỉnh Bình Dương phải làm việc với cộng đồng doanh nghiệp và các trường đại học. Việc hợp tác này rất quan trọng. Chính quyền hoạch định chiến lược, các doanh nghiệp tham gia vào thực hiện chiến lược nhưng các trường đại học thì sản sinh ra những ý tưởng mới. Nếu ba bên làm việc độc lập thì kết quả sẽ không như ý muốn. Vì vậy cần phải có sự kết hợp với nhau để đạt được kết quả tốt nhất. Vậy điều kiện nào để nuôi dưỡng những ý tưởng có ích và có thể ứng dụng được. Điều này rất cần các bên làm việc với nhau để đưa ra những giải pháp chung.
Với đề án phát triển mô hình hợp tác “ba nhà”, hy vọng nhiều tên tuổi hàng đầu về lĩnh vực công nghệ trên thế giới sẽ giúp Bình Dương tiến đến thành phố thông minh. Và thành phố mới Bình Dương sẽ là phòng thí nghiệm sống để triển khai những ý tưởng, công nghệ, kế hoạch thông minh. Tại hội thảo “Thành phố thông minh - Smart City”, hàng loạt các những giải pháp phát triển bền vững của các hãng Intel, IBM, Philips, NXP… đã được giới thiệu như mô hình tòa nhà thông minh tiết kiệm năng lượng, các giải pháp chiếu sáng, giải pháp điều khiển giao thông... Các công nghệ thông minh khi áp dụng vào những thành phố cũ kỹ sẽ gặp khó khăn vì phải chỉnh sửa, di dời rất nhiều dẫn đến giá thành cao. Trong khi đó, thành phố mới Bình Dương là một khu vực mới, được đầu tư tốt nên khi lắp đặt, ứng dụng các giải pháp thông minh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, ông Madhav R Ragam - Giám đốc công ty IBM Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hào hứng phân tích.
Như vậy, các định hướng phát triển và xây dựng “Thành phố thông minh” của Bình Dương giai đoạn 2016 - 2021 sẽ hướng tới 04 lĩnh vực: Con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư. Với những chuẩn bị chu đáo và quyết tâm của tỉnh Bình Dương, một thành phố thông minh với những cư dân có tri thức cao sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa....
Minh Thành